Cá giả!
Thái Bình
Tỉ lệ cá tra (catfish) được dùng thay cho cá rô (perch), cá mú (grouper), cá bơn (sole), cá bơn sao (plaice), cá lưỡi trâu (halibut)... để tăng lợi nhuận. Ảnh The Economist |
(TBKTSG Online) - “Lừa đảo hải sản (seafood fraud) đang là một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng”!
Tại hội nghị thượng đỉnh “Đại dương của chúng ta” (Our Ocean Conference) tổ chức ở thủ đô Washington, Mỹ tuần trước, Tổ chức phi chính phủ về bảo vệ đại dương Oceana đã trình bày một báo cáo gây chấn động, theo đó khoảng 20% mẫu hải sản được kiểm tra ở các siêu thị, nhà hàng trên thế giới là “hàng giả” – hay nói chính xác hơn là mislabelled (dán nhãn sai). “Today, Oceana released a new report detailing the global scale of seafood fraud, finding that on average, one in five of more than 25,000 samples of seafood tested worldwide was mislabeled”.
Báo cáo Oceana xem xét 200 công trình nghiên cứu đã xuất bản ở 55 quốc gia ở tất cả các châu lục (trừ châu Nam Cực) và nhận thấy rằng, mislabel diễn ra ở tất cả các khâu của dây chuyền cung cấp hải sản: bán lẻ, bán sỉ, phân phối, xuất/nhập khẩu, chế biến/đóng gói v.v...
Nhưng nếu mislabel chỉ là do sơ suất của “nhân viên đánh máy” thì đâu có gì đáng nói. Oceana phát hiện ra rằng, 65% số trường hợp mislabel là “có động cơ kinh tế” (the motivation is economic); cụ thể là người bán hàng, chủ tiệm ăn cố tình và thường xuyên (frequently) bán cho khách những loại cá rẻ tiền hơn loại ghi trong thực đơn hay trên nhãn hàng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Hành vi đó không còn là nhầm lẫn (mis-) mà là lừa đảo (fraud); một dạng “treo đầu dê, bán thị chó”.
Ví dụ ở Mỹ, Oceana phát hiện nhiều trường hợp cá rô phi (tilapia) được bán thành cá hanh (red snapper) đắt tiền hơn hẳn. Ngay từ năm 2002 ở Mỹ đã có hiện tượng các siêu thị nhập khẩu cá tra (Asian catfish) rồi bán ra dưới tên gọi các loài cá đắt tiền và hiện tượng này ngày càng lan rộng. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy năm 2014 có 28% số mẫu hải sản được kiểm tra bị mắc lỗi mislabel.
Mà không chỉ ở Mỹ, ở châu Âu và Nam Mỹ cũng vậy: 82% trong số 200 mẫu ghi nhãn cá mú (grouper), cá rô (perch) và cá kiếm (swordfish) bày bán ở Ý đã bị mislabel; ở Brazil, 55% số mẫu cá mập (shark) thực chất là cá đao răng nhọn (largetooth sawfish) – một giống cá có nguy cơ tuyệt chủng trong danh sách bảo vệ của Liên minh quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (IUCN) và bị cấm buôn bán ở Brazil.
Trong các nhà hàng ở thủ đô Brussels, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 69 đĩa cá ngừ vây xanh (bluefin tuna) và phát hiện 98% số đĩa này là giống cá khác, rẻ tiền hơn, còn ở Đức, một nửa số mẫu đĩa cá bơn (sole) bị phát hiện là cá rẻ tiền trong cuộc kiểm tra năm 2015.
Rải rác đã có những vụ xử lý hình sự. Năm 2015, một nhà hàng Nhật với hai bếp trưởng ở thành phố Santa Monica, bang California, Mỹ bị truy tố vì tội bán thịt cá voi sei (sei whale) - một giống cá trong danh sách động vật quý hiếm phải bảo vệ. Nhà hàng này dùng thịt cá voi để chế biến món sushi mà họ gọi là sushi cá ngừ (fatty tuna). Kết quả là nhà hàng đó bị đóng cửa vĩnh viễn.
Báo cáo của Oceana cũng cho biết, cá tra (Asian catfish) mà Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu, cùng với cá hake (họ cá tuyết), cá escolar là ba giống cá được dùng thay cho các loại cá đắt tiền trong các nhà hàng. Đặc biệt, cá tra được bán dưới tên của 18 loại cá khác nhau nhưng đều có giá cao hơn nhiều lần.
Điều đáng lo nữa là, hơn một nửa số mẫu hải sản được kiểm tra (58%) là sản phẩm “giả” – được thay thế (substituted) bằng những giống cá có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng; nhiều mẫu hải sản chứa dư lượng thủy ngân (mercury) cao hơn mức cho phép. Tại các nhà hàng sushi ở Mỹ người ta đã ghi nhận hơn 50 trường hợp bán cá ngừ trắng (white tuna) nhưng thực chất là cá escolar – một giống cá sống ở tầng đáy vùng biển nhiệt đới, thân dẹp, có nhiều xương, được biết là có khả năng gây bệnh tiêu chảy cấp.
Beth Lowell, giám đốc cao cấp của chiến dịch chống lừa đảo hải sản của Oceana nhận định “Rõ ràng lừa đảo hải sản không tôn trọng biên giới quốc gia” (It’s clear that seafood fraud respects no borders).
Giải pháp cho vấn nạn này, theo Oceana, là các chính phủ phải tăng cường minh bạch thông tin, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của hải sản. Con đường mà hải sản đi từ thuyền đánh cá hoặc trại nuôi đến bàn ăn tối của chúng ta thì dài, phức tạp và không minh bạch; đầy cơ hội cho kẻ lừa đảo. Người tiêu dùng phải được biết nhiều hơn về hải sản: đây là giống cá gì, được đánh bắt hoặc nuôi như thế nào, ở đâu... và thông tin phải chính xác, tin cậy được.
“Không theo dõi được hải sản trong toàn bộ dây chuyền cung cấp thì người tiêu dùng sẽ tiếp tục bị lừa dối, những ngư dân cần cù, trung thực sẽ bị gạt ra ngoài và sản lượng lâu dài của đại dương tiếp tục bị nguy hiểm” (“Without tracking all seafood throughout the entire supply chain, consumers will continue to be cheated, hardworking, honest fishermen will be undercut, and the long-term productivity of our oceans will continue to be in jeopardy) – báo cáo của Oceana kết luận.
Sau 12 năm kiên trì điều tra và thực thi các quy định tăng cường tính minh bạch (transparency) và theo dõi được (traceability) của sản phẩm hải sản, châu Âu đã giảm được số vụ lừa đảo, từ bình quân 23% năm 2011 xuống còn 8% trong năm 2015. Và đây là kinh nghiệm cần được nhân rộng.