Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Cả nước thiếu cát

Hồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Từ đầu năm đến nay, hàng loạt dự án giao thông lớn trên cả nước bị chậm tiến độ mà nguồn cơn theo như chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng than phiền là do thiếu đất, cát cho san lấp mặt bằng và cát cho xây dựng. Nhưng, với tốc độ xây dựng cùng hàng loạt công trình giao thông lớn đã, đang và sẽ triển khai càng làm cho tình trạng thiếu cát xây dựng trầm trọng hơn trong nhiều năm tới.

Trong một văn thư gần đây trả lời người dân ở Đồng Tháp thắc mắc về thiếu cát xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết nhu cầu vật liệu thay thế cát tự nhiên (cát sông) của cả nước ngày càng tăng. Trong đó, nhu cầu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên để phục vụ cho các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành và một số dự án phát triển kinh tế xã hội tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và một số tỉnh ĐBSCL nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng giai đoạn từ nay đến 2025 và 2030 rất lớn, ước tính khối lượng dự kiến lên tới 100 triệu mét khối cát.

Để dễ hình dung, lượng cát sông cần cho xây dựng nói trên đủ để san lấp toàn bộ mặt bằng của quận 1 (TPHCM) với chiều cao lên tới 12-13 mét, cho thấy nhu cầu cát lớn đến mức nào!

Dự án cao tốc lo thiếu cát” đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 11-2(*) đã phần nào khắc họa bức tranh thiếu cát xây dựng. Nhưng dường như khi nói tới cát xây dựng, doanh nghiệp nào cũng nghĩ ngay tới khai thác các mỏ cát sông.

Một cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh ở miền Trung từng nói với người viết, đại ý tỉnh có rất nhiều sông, nhiều bãi cát nhưng muốn khai thác cát không dễ. Một phần là để bảo vệ môi trường, tránh xói lở bờ sông, một phần vì cát là khoáng sản nên thủ tục khai thác, cam kết hoàn trả môi trường sau khai thác rất phức tạp, thủ tục nhiêu khê từ xã lên tỉnh, có khi lên trung ương, mất 1-2 năm trời mới xong thủ tục phê duyệt dự án khai thác cát sông.

Điều này cũng dễ hiểu khi nguồn cát sông là hữu hạn, việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác có liên quan môi trường sinh thái và cộng đồng, bằng chứng là vấn nạn sạt lở bờ sông và nhiều thiệt hại khác ở các dòng sông bắt nguồn từ khai thác cát.

Về lý mà nói thì định hướng dần bỏ cát sông trong xây dựng, thay thế bằng vật liệu mới đã có. Chính phủ đã nhìn ra điều này bằng quyết định phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2030, ban bố từ cuối năm 2020.

Chiến lược này định hướng từ nay đến năm 2030 là tăng cường phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng; đặt mục tiêu sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế tối thiểu 40% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng. Sử dụng cát nước lợ, cát mịn, cát biển đi kèm với các giải pháp kỹ thuật thay thế cho 10% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng.

Nhưng, thử điểm qua hàng loạt công trình giao thông cần lượng đất cát san lấp mặt bằng, cát cho xây dựng, không thấy chủ đầu tư hay nhà thầu nào nói mình đang dùng vật liệu mới thay thế dần cát sông, mà vẫn chỉ chậm trễ tiến độ là do thiếu cát sông. Điều đó phần nào cho thấy việc dùng vật liệu mới thay thế cát sông không hề dễ dàng chút nào.

Còn tại sao thì cách trả lời cử tri tỉnh Đồng Tháp của Bộ Xây dựng sẽ cho thấy nguyên nhân: “Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cát nhiễm mặn (cát biển) cho bê tông và vữa, tiêu chuẩn quốc gia vật liệu san lấp tái chế từ phế thải phá dỡ công trình; nghiên cứu công nghệ tuyển rửa cát biển, phụ gia sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng nhằm thay thế cát tự nhiên (cát sông); nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, định mức xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng”.

Có nghĩa vật liệu mới dần thay thế cát sông cho xây dựng đang… nghiên cứu, hoàn thiện. Từ cái hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật tới lúc ban bố chính sách thu hút đầu tư, sản xuất vật liệu mới thay thế cát sông và có thành phẩm ra thị trường thì chủ đầu tư công trình, nhà thầu xây dựng còn phải chờ, có khi 5 hay 10 năm nữa, thậm chí lâu hơn không chừng.


(*) https://tuoitre.vn/du-an-cao-toc-lo-thieu-cat-20230211090814088.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngâm cứu, chứ không phải nghiên cứu, vì đã nói mấy năm nay rồi. Nếu vậy thì biết khi nào mới giải quyết được bức xúc về cát cho xây dựng, giao thông như hiện nay? Có 3 tình huống. Một là, năng lực nghiên cứu của bộ không đáp ứng được. Hai là không chủ động kêu gọi lực lượng xã hội hóa. Ba là, không mạnh dạn hợp tác hoặc thuê chuyên gia nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới