Chủ Nhật, 24/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cà phê: Đằng sau chuyện giá xuất khẩu giảm nhưng giá phái sinh tăng

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá cà phê trên 2 sàn phái sinh trong nửa đầu tháng 11 tăng tốt; sàn robusta London lên mức cao nhất tính từ 10 năm nay và arabica New York quay lại mức cao nhất của 7 năm. Tuy nhiên, giá cà phê thị trường trong nước không theo những bước nhảy xa về giá của các sở giao dịch lớn thế giới. Vì sao?

Giá phái sinh tiếp tục đà tăng

Không phụ lòng mong đợi của nhà vườn và giới kinh doanh cà phê xuất khẩu trong nước, giá cà phê phái sinh trên các sàn giao dịch thế giới sau khi rớt khỏi các đỉnh cao nay đã leo lên lại.

Giá kỳ hạn robusta tháng 1-2022 tại London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam hay sử dụng để tham chiếu - vượt đỉnh cũ 2.278 để chạm 2.313, nhưng về lại mức giá đóng cửa tại 2.277 đô la Mỹ/tấn. Đấy là những mức cao nhất tính từ 10 năm nay.

Tại sàn arabica New York, sau một thời gian lâu giá kỳ hạn tháng 3-2022 không qua được đỉnh 219,50 cts/lb (26-3-2021) thì ngay phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi chạm mức cao 223,85 cts/lb để đóng cửa ở 221,95 cts/lb. Đây cũng là mức cao nhất của sàn này tính từ 7 năm trở lại.

Những tin thông thường như Brazil mất mùa, khủng hoảng logistics và chuỗi cung ứng, tâm lý lo ngại hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina phía trước… đã quá nhàm nên hầu như không còn ảnh hưởng mấy lên giá các sàn hàng hóa thương phẩm cà phê. Tuy nhiên, sức đẩy giá lên vừa qua trên sàn có các yếu tố nội tại của các sàn cà phê mà nếu không để ý, có thể người tham gia bị các thông tin về cung cầu dẫn dắt để đi đến những quyết định thiếu chuẩn xác về sau.

Đã rất lâu, giá phái sinh arabica New York không hề xuất hiện hiện tượng giá nghịch đảo (backwardation) hay các nhà kinh doanh cà phê thường gọi là “vắt giá”. Vắt giá là giá tháng giao dịch gần cao hơn tháng kỳ hạn xa. Hiện tượng này trên sàn London rất thường xuất hiện và hiện nay vẫn còn tồn tại như giá tháng 1 cao hơn tháng 3-2022 là 2.277-2.222 đô la/tấn.

Dù chưa tạo nghịch đảo rõ ràng, giá arabica phái sinh hình như muốn tạo hiện tượng này trong những ngày gần đây. Giá tháng 5 của sàn này đang tiệm cận giá tháng 7 và 9-2022 với mức 222,45/ 222,60/ 222,70 cts/lb. Nhìn vào cấu trúc này, các hãng môi giới chỉ giải thích một cách đơn giản rằng thị trường đang có khuynh hướng thiếu hàng giao lên sàn. Chính nhờ vậy, giá arabica tuần qua tăng 15,55 cts/lb hay 343 đô la/tấn tương đương với 7,53% và kích hoạt hướng tăng cho London để sàn này đạt hiệu suất đầu tư cả tuần là tăng 4,40% hay 96 đô la/tấn.

“Vắt giá” còn là cách để các quỹ đầu tư trên sàn tính toán lại tài chính, vị thế kinh doanh nhưng giá kinh doanh hàng thực, hàng xuất khẩu chỉ “ăn theo” mà không hưởng trọn như giới đầu tư hàng giấy.

Đằng sau hiện tượng giá xuất khẩu giảm

Nhiều nhà vườn cho biết giá phái sinh tăng tốt như thế nhưng giá bán hàng thực không hề tăng. Tính đến ngày 14-11, giá mua xuất khẩu trên thị trường chỉ quanh 42,5 triệu đồng/tấn tức chưa tới 1.850 đô la/tấn, cách biệt đến 427 đô la/tấn.

Tại sao có mức trừ của cà phê xuất khẩu nhiều đến thế dù giá sàn robusta trong 3 tháng vừa qua tăng đến 23% tức 426 đô la/tấn so với năm ngoái có lúc +50 đô la/tấn so với giá niêm yết của sàn.

Thật ra, cước vận tải đường biển ăn phần nhiều. Theo một trong những nhà nhập khẩu cà phê có đại diện thu mua tại Việt Nam, hiện nay chi phí cước tàu cho một tấn giao trong container đã lên đến 380 đô la/tấn. Phần còn lại gần 50 đô la không đủ để bù các chi phí khác như lãi ngân hàng, làm hàng, quản lý, thuê kho và văn phòng và trả lương nhân viên… Nên tính ra, dù giá mua xuất khẩu trừ 300 đô la/tấn dưới giá niêm yết cơ sở tháng 1-2022 London vẫn được xem là mức cộng. Cũng do vậy, người mua chưa thực sự vào cuộc dù mùa cà phê mới 2021-2022 đã bắt đầu từ một tháng rưỡi nay nếu như người bán không chấp nhận trừ sâu hơn.

Một chuyên gia ngành hàng còn cho biết cách sắp xếp cấu trúc vắt giá trên hai sàn kỳ hạn cho thấy không chỉ sàn muốn hỗ trợ cho người bán có một khoản tiền đủ để trả chi phí cước vận tải. Ở đây còn ngầm ý rằng các sàn đang cần cà phê đạt chuẩn đưa về hai sàn càng nhiều, càng nhanh càng tốt để người mua có thể nắm quyền quyết định giá giữa lúc dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn và khủng hoảng chuỗi cung ứng kéo dài chưa dứt.

Tính đến cuối tuần trước, các sàn phái sinh cà phê báo rằng lượng tồn kho đạt chuẩn trên sàn arabica là 107.750 tấn và robusta đạt 114.030 tấn, cả hai đều liên tục giảm từ vài tuần nay trên sàn arabica nhưng với cà phê robusta đã giảm hàng chục tuần.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới