(KTSG Online) - Ngành nông nghiệp trong nước với các sản phẩm như cà phê, đồ gỗ, cao su... đang đứng trước nhiều thách thức từ các quy định mới của châu Âu (EU), trong đó đáng chú ý là quy định về chuỗi cung ứng không gây mất rừng và suy thoái rừng (gọi tắt là EUDR).
Theo các chuyên gia, nếu không sớm chuẩn bị để tuân thủ các quy định mới đặt ra này thì các sản phẩm nói trên từ Việt Nam sẽ bị hạn chế hoặc khó có thể đưa vào thị trường 28 nước ở khu vực "lục địa già" trong thời gian tới.
- Xuất khẩu thứ 2 thế giới, Việt Nam vẫn chi hàng trăm triệu đô nhập cà phê
- Chọn lọc nhà mua hàng ngay cả khi 'khát' đơn hàng sản xuất
Ngày 16-5-2023, Nghị viện châu Âu thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su được xác định là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi quy định này được áp dụng.
Từ sự lo lắng của doanh nghiệp cà phê
Tại hội nghị "Tổng kết niên vụ cà phê 2022/2023 và phương hướng nhiệm vụ 2023/2024", diễn ra tại TPHCM gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành này chưa kịp phấn khởi với kết quả xuất khẩu niên vụ đạt cao nhất trong lịch sử (4,08 tỉ đô la Mỹ) thì lại lo lắng những vấn đề mới từ thị trường nhập khẩu lớn là EU.
Tại sự kiện, câu chuyện trao đổi bên lề giữa các doanh nghiệp xuất khẩu ngành này xoay quanh đến các luật chơi mới của EU. Khi trao đổi với KTSG Online, các doanh nghiệp tại đây cho rằng quy định EUDR là thách thức lớn trong thời gian tới. Bởi lẽ EU là một thị trường lớn chiếm khoảng 40% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước, và đang có xu hướng gia tăng.
Do đó, bên cạnh phải tuân thủ những quy định về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và chứng chỉ carbon của EU, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Nguyễn Nam Hải, nhận định ngành cà phê phải có kế hoạch hành động thích ứng với quy định EUDR.
EUDR quy định cà phê, ca cao không được nhập khẩu vào EU nếu được trồng trên diện tích đất phá rừng (lấy mốc từ ngày 31-12-2020 đến nay).
Các doanh nghiệp thì cho rằng cà phê Việt Nam ít có nguy cơ trồng trên diện tích đất phá rừng nhưng việc đáp ứng giấy tờ, thủ tục để chứng minh theo quy định của EU không hề đơn giản.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp còn lo ngại những phần diện tích cà phê trồng trên đất chưa được cấp sổ đỏ sẽ không chứng minh được tính hợp pháp khi nhập khẩu vào EU nên cần phải tìm ra hướng giải quyết.
Các doanh nghiệp kinh doanh ngoài việc liên kết với hợp tác xã, nông dân còn mua qua đại lý nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Đồng quan điểm trên, bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực cảnh quan châu Á (Tổ chức IDH), cho rằng cà phê Việt Nam có thể ít nguy cơ trồng trên diện tích phá rừng nhưng việc đáp ứng giấy tờ, thủ tục để chứng minh theo quy định của EU không hề đơn giản. Thậm chí, những phần diện tích cà phê trồng trên đất chưa được cấp sổ đỏ sẽ khó chứng minh được tính hợp pháp khi nhập khẩu vào EU nên cần phải tìm ra hướng giải quyết.
"Quy định này của EU không chỉ áp dụng riêng cho cà phê, mà mang tính chất bao trùm nhiều ngành như cao su, hồ tiêu, điều, đồ gỗ.... Theo đó, rủi ro, vi phạm của một ngành hàng này trực tiếp tác động tới toàn bộ ngành hàng khác. Do đó, chúng ta cần hành động sớm, và trên phạm vi rộng", bà Chi nhận định.
Theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất đối với họ trước EUDR là hiện EU mới đưa ra quy định nhưng chưa có hướng dẫn. Do EUDR chưa có hướng dẫn cụ thể, nên doanh nghiệp sợ làm sẽ không đúng hướng dẫn, dẫn tới tốn chi phí và công sức. Do vậy, doanh nghiệp không dám làm nhanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chủ động chuẩn bị trước, không thể chờ họ ra hướng dẫn rồi mới làm, điều này cũng có rủi ro.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Việt Nam có khoảng 700.000 ha cà phê nhưng chỉ có 30.000 ha là thuộc các công ty nhà nước. Cà phê được trồng không tập trung như cao su, chủ yếu là nông hộ nên việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhiều, cũng cho rằng các quy định trên sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành. Tuy nhiên, theo ông Nam, khi Việt Nam đáp ứng được thì giá chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 đô la Mỹ/tấn.
Đến doanh nghiệp gỗ, cao su, và...
Phá rừng cũng liên quan đến chuyện chuyển đổi rừng hoặc chất lượng rừng giảm để sản xuất các loại hàng hóa đó. Ngoài cà phê, các mặt hàng khác như ca cao, dầu cọ, cao su, đậu nành, chăn nuôi gia súc, và gỗ cũng chịu tác động từ dự luật này.
Các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất từ 7 sản phẩm này như da, chocolate, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ cũng chịu tác động bởi EUDR. Với Việt Nam, ngoài cà phê, mặt hàng cao su, gỗ và sản phẩm gỗ sẽ cũng chịu ảnh hưởng bởi quy định này.
Các doanh nghiệp đồ gỗ tại TPHCM, Bình Dương, Bình Định... đang lo lắng về quy định mới này của châu Âu bởi đây là một trong những thị trường xuất khẩu lớn trong ngành đồ gỗ Việt Nam, với khoảng 700 triệu đô la Mỹ/năm.
Khi Quy định chống mất rừng EUDR đi vào thực thi, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU cần phải đáp ứng được các yêu cầu về tính hợp pháp và không gây mất rừng của sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung, đồng thời nộp cam kết thẩm định chuỗi cung (due diligence statement) cho cơ quan thẩm quyền của EU.
Các yêu cầu của EUDR sẽ được các nhà nhập khẩu EU truyền tải tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục chuyển các yêu cầu này tới các bên trực tiếp tham gia chuỗi cung ứng của mình, bao gồm các cơ sở chế biến, đại lý thu mua và nông hộ sản xuất.
Vì vậy, vai trò của các doanh nghiệp trong việc thực thi EUDR có ý nghĩa quyết định đối với quá trình đánh giá và xếp loại rủi ro của EU theo hướng thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam.
TS. Tô Xuân Phúc, Giám đốc điều hành chương trình Chính sách thương mại và tài chính lâm sản (Tổ chức Forest Trend), cho rằng rủi ro mất rừng liên quan đến quá trình sản xuất cà phê, đồ gỗ và cao su ở trong nước là thấp. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp cà phê, nội ngoại thất... lo lắng vì chuỗi cung ứng phức tạp nên sẽ gây trở ngại cho hoạt động truy xuất nguồn gốc.
"Chuỗi cung ứng các mặt hàng này hiện tương đối phức tạp, với khâu sản xuất chủ yếu được đảm nhận bởi các nông hộ; khâu thu mua sản phẩm từ hộ được đảm nhận bởi mạng lưới tư thương hoạt động ở các địa bàn và cấp độ khác nhau; khâu chế biến và xuất khẩu tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp lớn", ông Phúc nói.
Tại một số nơi, hoạt động trong khâu trung gian của chuỗi, đặc biệt giữa hộ sản xuất và tư thương diễn ra tương đối lỏng lẻo, thiếu cơ chế kiểm tra giám sát về mức độ tuân thủ với các yêu cầu pháp lý tại các khâu này. Trừ nguồn cung từ các diện tích đã đạt chứng chỉ bền vững, các nguồn cung hiện tại trong chuỗi khó có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài cũng là một vấn đề cần quan tâm trong chuỗi cung ứng các nhóm ngành này. Ông Phúc cho biết ngành cao su Việt Nam đang nhập khẩu một lượng lớn mủ cao su từ Campuchia, với giá trị khoảng 1,5 tỉ đô la mỗi năm và nhập khẩu từ Lào khoảng 100 triệu đô la.
Với ngành cà phê, giá trị thấp hơn, nhưng cũng rơi vào 160-170 triệu đô la từ Lào. Tương tự như vậy, bên cạnh nguồn gỗ rừng trồng Việt Nam, ngành gỗ phải nhập khẩu nguồn gỗ nguyên liệu từ ngoài vào để sản xuất và xuất khẩu sang châu Âu.
“Truy xuất nguồn gốc với nhóm nguyên liệu xuyên biên giới là vấn đề cần được giải quyết”, vị chuyên gia khẳng định.
Từ đó ông đề xuất Việt Nam cần rà soát lại các nhóm sản phẩm chính đang xuất khẩu vào châu Âu, xác định nguồn nguyên liệu đầu vào đến từ đâu và bóc tách riêng từng nhóm hàng, không để các luồng cung khác nhau chồng lên nhau.
Sớm khẩn trương hành động
Quy định EUDR có hiệu lực từ năm 2023 và đến ngày 31-12-2024 sẽ thực hiện. Khi đó EU sẽ không nhập khẩu 7 sản phẩm trồng trên các diện tích phá rừng, trong đó có cà phê, cao su và đồ gỗ...
Theo quy định của EU, các doanh nghiệp nhập khẩu lớn sẽ có khoảng thời gian gia hạn là 18 tháng, doanh nghiệp nhỏ là 24 tháng, và khi áp dụng quy định này, các doanh nghiệp nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải truy xuất nguồn gốc tận vườn, đây là điểm yếu lớn nhất của ba ngành nói trên.
Do vậy, các ý kiến cho rằng rất cần Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Bộ Tài nguyên - Môi trường có hướng dẫn cụ thể về bản đồ rừng, bản đồ địa chính các địa phương thế nào và cách để tiếp cận ra sao.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, liên quan đến các quy định của Ủy ban châu Âu, Vicofa đã có nhiều buổi làm việc với Bộ NN-PTNT, tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), tổ chức cà phê 4C, Ban tư vấn phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) để bàn giải pháp tuân thủ quy định cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành cà phê.
Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị nhiều lần để triển khai về EUDR, và đã làm việc trực tiếp với Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường Liên minh châu Âu về việc Việt Nam cam kết luôn có trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường qua việc thực hiện khẩn trương EUDR và CBAM theo quy định của Liên minh châu Âu (EU).