(KTSG) - “Không phải ai thiếu thốn mới cần vượt qua. Có khi, chính những đứa trẻ sống đủ đầy mới cần được thử thách nhất”.

Minh (14 tuổi) sống ở Tây Ninh với ông bà ngoại. Từ nhỏ, em đã được ba mẹ chu cấp đầy đủ, có lẽ để bù đắp cho việc con phải sống xa ba mẹ. Minh có điện thoại, ti vi, máy chơi game - mọi thứ trừ… động lực. Gần đây, em bỏ học. Không phải vì áp lực hay bị bắt nạt, mà đơn giản vì em không còn thấy có lý do gì để đến lớp.
Lớn lên trong vùng an toàn
Tôi gặp Minh trong một buổi chiều chạng vạng. Em lờ đờ, ngáp liên tục, ít nói và dường như không quan tâm lắm đến buổi gặp gỡ. Không nổi loạn, không phản kháng - chỉ là một sự dửng dưng lạnh nhạt, như thể mọi việc đang xảy ra chẳng liên quan gì đến em.
Tôi bỗng nhớ đến một bạn nhỏ cũng rơi vào tình trạng tương tự nhưng thể hiện của bạn theo cách khác. Duy sống ở An Giang, đương tuổi 15, nghiện game, học yếu, nhiều lần bỏ nhà đi khi bị la rầy hoặc bị đánh đòn. Gặp tôi, Duy trả lời nhát gừng, nhưng không giấu được ánh mắt thách thức. Em có vẻ bất cần - như đã quen với việc bị hiểu lầm và không cần phải giải thích gì thêm.
Cả Minh và Duy đều lớn lên trong những gia đình khá giả, gọi dân dã hơn là “nhà có điều kiện”. Nhưng cũng chính vì thế, các em không có cơ hội vượt qua những khó khăn cơ bản để rèn giũa ý chí. Hai em - theo một nghĩa nào đó - là đại diện cho một thế hệ trẻ đang thiếu động lực trong chính sự đủ đầy.
Đừng kỳ vọng một giải pháp “nhanh - gọn - hiệu quả”
Tôi thường gặp lại một kỳ vọng quen thuộc từ phía phụ huynh: “Bác sĩ nói một câu cho nó chịu nghe lời”. Họ không nói ra, nhưng mong đợi rằng tôi, với chuyên môn, kinh nghiệm và “uy tín người lạ”, sẽ có khả năng thay đổi đứa trẻ trong một buổi gặp gỡ.
Tôi hiểu điều đó. Nhìn con sống thờ ơ, vô định, bỏ học, mê game… là điều mà không một cha mẹ nào có thể yên tâm và chấp nhận được. Họ lo, họ sợ, họ mệt mỏi. Và khi tất cả những gì họ làm đều không hiệu quả, họ đặt hy vọng vào một “người thứ ba”.
Nhưng sự thật là hầu hết những trường hợp như Minh và Duy, tôi đều thất bại. Không phải vì tôi không có kỹ thuật hay thiếu kiên nhẫn. Mà bởi vì trẻ không muốn thay đổi. Không ai muốn rời khỏi một vùng an toàn nơi mình được chiều chuộng, chăm sóc, tha thứ và không phải chịu trách nhiệm.
Tôi từng chia sẻ với nhiều phụ huynh một câu ngạn ngữ phương Tây:
“You can lead a horse to water, but you can’t make him drink” (tạm dịch: Bạn có thể dắt ngựa đến dòng sông, nhưng không thể ép nó uống nước). Đúng là bạn có thể dẫn ngựa đến nơi có nước - nhưng không thể bắt nó uống nếu nó không khát. Tương tự, bạn có thể đưa con đến gặp chuyên gia, sắp xếp những điều tốt nhất, mở ra mọi cơ hội cho con - nhưng nếu đứa trẻ không có nhu cầu thay đổi, thì mọi nỗ lực đều chỉ dừng lại ở bên ngoài.
Trong trường hợp này, vấn đề không nằm ở khả năng thuyết phục của chuyên gia, mà nằm ở chính đứa trẻ - và cách mà nó được nuôi dạy. Đến đây tôi muốn nói tới chuyện “cha mẹ trực thăng” và hệ quả của việc yêu thương không có giới hạn.
“Cha mẹ trực thăng” và những hệ lụy
Khái niệm “cha mẹ trực thăng” (helicopter parenting) chỉ những phụ huynh luôn bay lượn quanh con cái, lo lắng thái quá, can thiệp quá mức, không cho con được tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Cả ba mẹ của Minh lẫn gia đình của Duy đều rơi vào kiểu nuôi dạy này. Họ yêu con, sẵn sàng làm tất cả vì con - trừ việc để con đối diện với hậu quả. Họ nói thay con, quyết định thay con, xin lỗi thay con và che chắn cho con khỏi bất cứ nỗi buồn nào.
Kết quả là gì? Là những đứa trẻ không biết mình muốn gì, không chịu nổi thất bại, không cần phải cố gắng. Trưởng thành trong một môi trường “hỗ trợ tận răng”, các em chưa bao giờ biết đến cảm giác tự hào khi vượt qua một thử thách thực sự.
Giữ con bên mình để an toàn, hay để con đi để trưởng thành? Tôi nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục giữ con ở nhà, để tình trạng này kéo dài, có thể chúng ta sẽ “giữ được sự an toàn” - nhưng phải đánh đổi nơi con một tương lai không động lực, không mục tiêu.
Cho con vào một trường nội trú bán trú có định hướng kỷ luật, nơi có người giám sát, có chương trình học phù hợp, có hoạt động ngoại khóa và sự kèm cặp nghiêm túc cũng là một giải pháp mà cha mẹ có thể tìm hiểu. Ở đó, con không thể chơi game suốt ngày, không thể nằm dài cả buổi sáng. Con buộc phải vận động, sinh hoạt theo giờ giấc, tập làm việc nhóm, học cách tự chăm sóc bản thân. Dĩ nhiên, giải pháp này không phải là hoàn hảo bởi nó cần cha mẹ tìm hiểu kỹ để chọn đúng ngôi trường phù hợp nơi con sẽ vào học nội trú và cha mẹ cũng có thể gặp sự phản ứng dữ dội của con khi chọn cách này. Có thể con sẽ giận. Có thể con sẽ nghĩ rằng cha mẹ “vứt bỏ mình”.
Một ông bố từng hỏi tôi về nguy cơ xảy ra khi chọn giải pháp này. Ông hỏi: “Lỡ nó thù tui cả đời thì sao?”.
Tôi chỉ có thể trả lời thật lòng: “Đó là khả năng có thể xảy ra. Nhưng nếu không hành động gì, thì điều chắc chắn sẽ xảy ra là: con sẽ tiếp tục như hiện tại - và chúng ta sẽ phải chứng kiến đứa trẻ ngày càng trôi xa khỏi cuộc sống thật”.
Không có giải pháp hoàn hảo - chỉ có giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm này
Cuối cùng, không gia đình nào trong hai trường hợp nói trên đưa ra quyết định. Họ cảm ơn tôi, mang theo sự lo lắng về nhà - và có lẽ tiếp tục giằng co trong lòng với những câu hỏi: “Liệu con có hiểu mình không?”, “Có phải mình đang làm quá?”, “Có nên chờ thêm một thời gian?”.
Tôi không giục. Tôi không thúc ép. Làm cha mẹ là một hành trình rất riêng. Nhưng tôi luôn mong rằng, trong một khoảnh khắc nào đó, họ sẽ đủ can đảm để làm điều con cần, chứ không chỉ làm điều con muốn. Bởi vì, không ai có thể sống thay con, trong cuộc đời của nó được. Nhưng cha mẹ có thể cho con một cơ hội để thật sự sống.
Và đôi khi, cơ hội đó nằm trong chính sự dũng cảm của cha mẹ - khi dám buông tay đúng lúc, để con được tự mình bước tới. Bạn có thể dắt ngựa đến dòng sông, nhưng bạn không thể ép nó uống. Nhưng nếu một ngày nào đó con ngựa ấy thấy khát, nó sẽ nhớ rằng bạn đã chỉ cho nó nơi có nước.