Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các cam kết kích thích của Trung Quốc vẫn chưa đủ thuyết phục

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trung Quốc tuần qua tiếp tục cho biết sẽ “gia tăng đáng kể” các biện pháp kích thích để phục hồi tăng trưởng. Những động thái từ nền kinh tế số hai thế giới đang là một trong những vấn đề được quan tâm trên thị trường toàn cầu.

Trung Quốc tiếp tục cam kết kích thích kinh tế

Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 12-10, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết Bắc Kinh sẽ giúp các chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nợ nần, cung cấp trợ cấp cho những người có thu nhập thấp, hỗ trợ thị trường bất động sản và bổ sung vốn cho các ngân hàng nhà nước, cùng với nhiều biện pháp khác.

Bộ trưởng Lam Phật An cho biết “Trung Quốc vẫn còn dư địa tương đối lớn để phát hành trái phiếu và tăng thâm hụt tài khóa”. Ông cũng nói thêm rằng các chính quyền địa phương vẫn còn tổng cộng 2.300 tỉ nhân dân tệ (325 tỉ đô la Mỹ) quỹ trái phiếu đặc biệt để chi tiêu trong ba tháng cuối năm nay. Các thành phố sẽ được phép mua lại đất chưa sử dụng từ các nhà phát triển bất động sản.

Dù vậy, việc Bắc Kinh không nêu rõ con số cụ thể cho gói kích thích có thể sẽ khiến các nhà đầu tư phải tiếp tục hồi hộp chờ đợi cho tới cuộc họp tiếp theo của các cơ quan lập pháp Trung Quốc. Ngày họp chính thức vẫn chưa được công bố nhưng dự kiến sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Ngoài ra, cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, hồi tuần trước cho biết rằng họ sẽ phê duyệt trước các dự án đầu tư trị giá 200 tỉ nhân dân tệ cho năm tới vào cuối tháng này.

Trong một động thái tiếp theo nhằm xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế, các quan chức Trung Quốc hôm thứ Hai (14-10) đã cam kết sẽ tăng cường các chính sách có lợi cho doanh nghiệp, bao gồm các biện pháp không xác định để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp “kỳ lân” có giá trị hơn 1 tỉ đô la.

Những bước đi này được kỳ vọng sẽ cải thiện tâm lý trong khu vực tư nhân, vốn đóng góp hơn 80% việc làm ở thành thị nhưng lại đang phải đối mặt với tình trạng ​​lợi nhuận bị bóp nghẹt do nền kinh tế giảm tốc và áp lực giảm phát gia tăng.

Những kỳ vọng về các biện pháp kích thích của Bắc Kinh

Ngay sau các động thái của Bắc Kinh, giới chuyên gia đã đưa ra những phản ứng khác nhau về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong báo cáo được công bố ngày 13-10, Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm nay từ 4,7% lên 4,9%. Dự báo tăng trưởng trong năm 2025 cũng được nâng từ 4,3% lên 4,7%.

Các nhà kinh tế Hui Shan và Lisheng Wang của Goldman Sachs đã viết rằng “đợt kích thích mới nhất của Trung Quốc cho thấy rõ ràng rằng các nhà hoạch định chính sách đã có sự thay đổi trong quản lý chính sách theo chu kỳ và ngày càng tập trung vào nền kinh tế”.

Kết quả khảo sát được Yicai Global thực hiện với 13 chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Trung Quốc cũng cho thấy, chỉ số niềm tin các chuyên gia kinh tế đã tăng từ mức 49,96 trong tháng 9 lên 50,62 trong tháng 10.

Cai Wei, Giám đốc chiến lược tại Klynveld Peat Marwick Goerdeler China Advisory, đánh giá với các chính sách kích thích liên tục, động lực kinh tế sẽ chạm đáy và phục hồi trong quí 4, và vẫn có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm là 5%.

Ở chiều ngược lại, trong một bài viết trên tờ The Guardian, chuyên gia George Magnus tại Trung tâm Trung Quốc Đại học Oxford nhận định, đây là lần thứ tư Bắc Kinh đưa ra các biện pháp hỗ trợ quy mô lớn trong vòng 16 năm qua, do lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm chạp. Các biện pháp đó đã không cho thấy hiệu quả trong thời gian dài khi áp dụng hồi năm 2008, 2015 và 2021, và điều này có thể lặp lại, bởi Bắc Kinh hiện vẫn đang chú trọng vào các giải pháp mang tính tạm thời.

Theo chuyên gia này, các biện pháp nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ thị trường chứng khoán và nhà ở được công bố hồi cuối tháng 9 quả thực đã giúp thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt mức tăng mạnh 30% trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các biện pháp này không thể có tác động quá lớn, bởi phần lớn tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc không nằm ở cổ phiếu mà nằm ở thị trường bất động sản (vốn đang vật lộn với giá nhà giảm mạnh) và tiền gửi ngân hàng (đang có mức lãi suất thấp). Do vậy, việc khôi phục sự tự tin trong chi tiêu đòi hỏi phải có một thị trường bất động sản ổn định và một thị trường việc làm mạnh mẽ.

Phản ứng thận trọng của giới đầu tư

Trong khi đó, thị trường đón nhận các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc với tâm lý lạc quan một cách thận trọng. Chỉ số CSI 300 của chứng khoán Trung Quốc đại lục có một phiên giao dịch ngày thứ Hai đầy biến động, có lúc tăng, lúc giảm, trước khi chốt phiên với mức tăng 1,9%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,75%, với những diễn biến trái chiều của các nhóm cổ phiếu. Trong khi chỉ số công nghệ của Hang Seng giảm 1,7%, chỉ số của nhóm công ty bất động sản Trung Quốc đại lục lại tăng mạnh 2,5%.

Các kết quả này phần nào cho thấy tâm lý thận trọng của giới đầu tư, trong bối cảnh các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Ông Vasu Menon, Giám đốc điều hành phụ trách chiến lược đầu tư tại Ngân hàng OCBC của Singapore, đánh giá cuộc họp báo “cho thấy tính quyết tâm cao của Chính phủ Trung Quốc nhưng lại thiếu thông tin chi tiết về mặt số liệu”.

“Gói kích thích tài chính lớn mà các nhà đầu tư kỳ vọng để có thể duy trì đà tăng của thị trường chứng khoán đã không thành hiện thực”, ông Menon cho biết, đồng thời nói thêm rằng điều này có thể làm một số nhóm nhà đầu tư trên thị trường cảm thấy thất vọng.

Cần có thêm các giải pháp thay đổi cơ cấu

Mặc dù các biện pháp mới có thể giúp nâng cao tâm lý thị trường, các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh cần giải quyết dứt điểm các vấn đề mang tính cơ cấu như thúc đẩy tiêu dùng và giảm sự phụ thuộc vào đầu tư cơ sở hạ tầng dựa trên nợ. Hầu hết các biện pháp kích thích tài khóa của Trung Quốc vẫn được đưa vào đầu tư, nhưng biện pháp này đang dẫn đến tình trạng tốc độ gia tăng nợ vượt quá mức tăng trưởng kinh tế, trong khi lợi ích đạt được có xu hướng giảm dần.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính nợ của chính quyền trung ương Trung Quốc hiện ở mức 24% GDP. Tuy nhiên, nếu tính tổng nợ công, bao gồm cả các khoản nợ của chính quyền địa phương, con số có thể lên tới 16.000 tỉ đô la, tương đương 116% GDP.

Bên cạnh đó, trong suốt thập kỷ qua, các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần cam kết tăng cường nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước, nhưng vẫn không đạt được nhiều tiến triển trên khía cạnh này.

Mức lương thấp, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao và mạng lưới an sinh xã hội yếu kém khiến chi tiêu của hộ gia đình Trung Quốc chỉ chiếm chưa đầy 40% sản lượng kinh tế hàng năm, và thấp hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với mức trung bình toàn cầu. Trong khi đó, hoạt động đầu tư lại cao hơn 20 điểm phần trăm so với mức trung bình toàn cầu.

Tình hình thực tế đòi hỏi Bắc Kinh phải xem xét lại cơ cấu cơ bản của nhiều chính sách và thể chế. Bộ trưởng Lam Phật An hiện mới chỉ cho biết nhiều biện pháp cải cách hơn sẽ được công bố “từng bước một”.

“Trọng tâm của Bắc Kinh dường như là xoay quanh việc khắc phục thiếu hụt tài chính và giải quyết rủi ro nợ của các chính quyền địa phương”, Huang Xuefeng, Giám đốc nghiên cứu tín dụng tại Shanghai Anfang Private Fund Co, nhận định. “Nếu không có các biện pháp nhắm vào nhu cầu và đầu tư, sẽ rất khó để làm dịu áp lực giảm phát”.

Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng những thách thức về mặt cấu trúc của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, và ngân hàng này vẫn duy trì dự báo của mình về triển vọng kinh tế kể từ năm 2026 trở đi. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cảnh báo: “Những thách thức như nhân khẩu học xấu đi, xu hướng giảm đòn bẩy nợ kéo dài nhiều năm và các động thái giảm rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể bị đảo ngược bởi đợt chính sách kích thích tăng trưởng mới nhất”.

Nguồn: Reuters, Bloomberg, The Guardian, Yicai Global, CNBC, Fortune

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới