Thứ Ba, 3/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các chaebol Hàn Quốc triển khai kế hoạch ‘kích thích’ tiêu dùng nội địa

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hai tập đoàn lớn (cheabol) của Hàn Quốc là Samsung và Hyundai đã lên lịch thanh toán sớm hơn thường lệ 15 ngày cho các nhà cung ứng trước kỳ nghỉ lễ Trung thu (Chuseok) sắp tới. Cả hai tập đoàn cùng công bố kế hoạch này hôm 1-9, với hy vọng sẽ giúp kích thích tiêu dùng nội địa đang bị đình trệ.

Nhân viên của Samsung Electrics mua sắm trên trang trực tiếp của tập đoàn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Samsung

Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo tiêu dùng cá nhân ở Hàn Quốc có thể khó sớm hồi phục do thu nhập thực tế của hộ gia đình bị suy giảm. Phần lớn cá nhân, hộ gia đình phải dành tiền trả nợ trong bối cảnh Ngân hàng Hàn Quốc duy trì lãi suất cao trong thời gian dài.

Kích thích tiêu dùng theo cách riêng của chaebol

Hai chaebol hàng đầu của Hàn Quốc nói rằng các đối tác họ sẽ có được dòng dòng tiền sớm hơn, kịp chi trả lương thưởng cho nhân viên trước Tết Trung Thu. Đây là kỳ nghỉ lễ chính ở Hàn Quốc, năm nay kéo dài năm ngày từ 14 đến 18-9 sắp tới.

12 công ty liên kết của Samsung Electronics, bao gồm Samsung Electronics, Samsung Display, Samsung SDI và Samsung SDS, sẽ chi khoảng 870 tỉ won (649,7 triệu đô la) để thanh toán cho các giao dịch mua hàng hóa, nguyên vật liệu hay dịch vụ của các nhà thầu phụ.

Hyundai Motor Group nói sẽ thanh toán sớm tổng cộng 2.380 tỉ won cho các nhà thầu phụ trước kỳ nghỉ Chuseuk sắp tới. Các hãng con chính của tập đoàn, bao gồm Hyundai Motor, Kia và Hyundai Mobis, sẽ trả tiền sớm hơn cho khoảng 6.000 công ty đối tác.

Ngoài việc thanh toán sớm hơn thường lệ, hai chaebol cũng đưa ra các sáng kiến riêng để hỗ trợ nền kinh tế.

Samsung đã ra mắt thị trường trực tuyến để bán các sản phẩm địa phương từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nhân viên của Samsung có thể mua hàng tạp hóa và nhiều sản phẩm khác nhau thông qua trang này. Sáng kiến ​​này là một phần trong nỗ lực của tập đoàn nhằm kích thích các doanh nghiệp địa phương trước kỳ nghỉ lễ Chuseok.

Samsung cũng đang quản lý một quỹ thịnh vượng chung với các đối tác. Quỹ này thành lập năm 2010, hiện quản lý đến 3.400 tỉ won. Các công ty đối tác của Samsung có thể vay mượn từ quỹ để thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và nâng cấp thiết bị.

Từ năm 2015, Samsung cũng đã hỗ trợ các công ty nhỏ cải thiện năng lực sản xuất. Cho đến nay, tổng cộng 3.274 nhà máy thông minh do các doanh nghiệp SME điều hành đã được hưởng lợi từ dự án này.

Còn Hyundai đã chi 25 tỉ won để mua các phiếu mua hàng và tặng cho nhân viên. Họ có thể dùng phiếu này để mua sắm tại các chợ truyền thống trên toàn quốc. Hyundai hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ cộng đồng địa phương trong kỳ nghỉ lễ Chuseok.

Tập đoàn cũng có kế hoạch quyên góp thêm cho các trung tâm phúc lợi xã hội và cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

Chi tiêu cá nhân khó sớm hồi phục

Chỉ số bán lẻ bao gồm doanh số tại các quán ăn đã giảm trong tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 7-2024, kể từ tháng 2-2023. Đây là giai đoạn giảm dài nhất kể từ khi Cơ quan thông kê Hàn Quốc (Kostat) bắt đầu theo dõi dữ liệu tiêu dùng cá nhân vào năm 2010. Kostat cho biết, chỉ số bán lẻ đã giảm 2,3% vào tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh số bán lẻ, không bao gồm doanh số của các quán ăn, đã giảm kể từ tháng 9-2022, chỉ tăng nhẹ vào tháng 6-2022 và tháng 2-2023. Doanh số các quán ăn đã giảm kể từ tháng 5 năm ngoái. Sự trì trệ trong tiêu dùng cá nhân phần lớn là do thu nhập hộ gia đình giảm.

Ngày càng có nhiều hộ gia đình gặp phải tình trạng thặng dư hộ gia đình giảm — số tiền còn lại sau khi trừ đi thu nhập khả dụng và tiêu dùng. Thu nhập khả dụng được tính là số tiền còn lại sau khi trừ các khoản chi tiêu không phải tiêu dùng, chẳng hạn như thanh toán lãi suất và các loại thuế phí.

Cơ quan thống kê nói rằng thặng dư hộ gia đình cũng đã giảm trong tám quí vừa qua, chuỗi dài nhất kể từ năm 2006. Trong hai năm qua, thu nhập hộ gia đình thực tế đã giảm tới 3,9%.

Tính đến quí 2 năm nay, các hộ gia đình Hàn Quốc có mức thặng dư hàng tháng khoảng 1 triệu won (746 đô la), giảm 18.000 won tương ứng với 1,7% so với năm trước.

Nhà kinh tế Ju Won tại Viện nghiên cứu Hyundai cho biết sức mua hộ gia đình giảm, khó có khả năng phục hồi. “Niềm tin của các doanh nghiệp gắn liền với tâm lý tiêu dùng trong nước. Hiện cả hai vẫn còn khá yếu”, Ju nói.

Một số nhà phân tích cho rằng triển vọng ảm đạm của nền kinh tế có thể được cải thiện nhờ sự hồi phục trong xuất khẩu chip và đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Sự phục hồi tăng trưởng chỉ giới hạn ở một số ít hãng chip và điều này là “không đủ”.

Trong khi đó, Ngân hàng Hàn Quốc lại chậm trễ trong việc nới lỏng chính sách lãi suất, tiếp tục làm suy yếu sức mua của hộ gia đình, bởi một phần đáng kể thu nhập đang được dùng để trả lãi cho khoản nợ. Tác động đầy đủ của việc nới lỏng lãi suất dự kiến sẽ xuất hiện trong quí 4 và sẽ mất vài quí mới hiện thực hóa.

“Việc nới lỏng của ngân hàng trung ương thực tế là yếu tố duy nhất có thể phục hồi tâm lý người tiêu dùng, nhưng tác động của chính sách sẽ không diễn ra ngay lập tức”, Ju phân tích.

Theo Korea Times, Yonhap

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới