Thứ Ba, 17/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các chính phủ châu Âu hối thúc doanh nghiệp giảm lợi nhuận để chống lạm phát

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty thực phẩm trở thành mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống lạm phát ở châu Âu. Các chính phủ đang thuyết phục doanh nghiệp trong mảng này giảm giá mọi thứ, từ mì ống đến thịt gà vì cho rằng, tỷ suất lợi nhuận quá cao của doanh nghiệp đã khiến lạm phát cao dai dẳng.

Chính phủ Pháp cảnh báo sẽ áp đặt một loại thuế đặc biệt đối với lợi nhuận của các công ty thực phẩm lớn không giảm giá bán hàng. Ảnh: Bloomberg

Hôm 30-6, Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, trong tháng 6, lạm phát giá tiêu dùng ở 20 quốc gia sử dụng đồng euro (eurozone) cao hơn 5,5% so với một năm trước đó, giảm so với mức tăng 6,1% ghi nhận vào tháng 5 và là mức tăng chậm nhất kể từ đầu năm 2022.

Tuy nhiên, lạm phát chậm lại phần lớn là do giá năng lượng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi, loại trừ các mặt hàng có giá cả dễ biến động như năng lượng và thực phẩm, tăng 5,4% trong tháng 6 từ mức 5,3% trong tháng 5.

Giá cả các mặt hàng năng lượng ở châu Âu đã trở về gần các mức bình thường sau khi tăng sốc hồi năm ngoái do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, chi phí thực phẩm của các hộ gia đình tăng mạnh trong năm nay khiến các chính phủ châu Âu lo lắng. Vì vậy, các chính phủ đang nỗ lực hạ nhiệt giá thực phẩm bằng cách gây áp lực để các cửa hàng, siêu thị và nhà sản xuất thực phẩm hạn chế hoặc đảo ngược việc tăng giá.

Tại Pháp, nơi giá thực phẩm tăng hơn 14% trong năm qua, chính phủ đang cố gắng thuyết phục các công ty sản xuất thực phẩm lớn nhất nước giảm giá.

“Chúng tôi sẽ không cho phép các công ty thực phẩm lớn kiếm được lợi nhuận quá mức”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói.

Quan chức này cảnh báo là sẵn sàng nêu tên và làm xấu mặt các công ty không sẵn sàng chuyển chi phí thấp hơn sang người tiêu dùng hoặc áp một loại thuế đặc biệt đối với lợi nhuận của các công ty đó.

Theo Cục thống kê Insee của Pháp, giá nông sản và năng lượng đắt đỏ đã siết chặt lợi nhuận của các công ty thực phẩm vào năm 2021. Đến năm ngoái, lợi nhuận những công ty này đã tăng lên khi giá nguyên liệu thô bắt đầu giảm. Insee cho biết, tỷ suất lợi nhuận của các công ty thực phẩm của Pháp trong quí đầu tiên của năm nay cao hơn 9,3 điểm phần trăm so với năm 2018.

Theo Jacques Creyssel, CEO của Liên đoàn bán lẻ Pháp, các nhà bán lẻ đang tìm kiếm sự giúp đỡ của chính phủ để đàm phán lại giá cả với các công ty cung ứng thực phẩm.

“Năm ngoái, chúng tôi chấp nhận các công ty thực phẩm tăng giá từ 30-40% đối với một số sản phẩm vì điều này phù hợp với chi phí cao hơn.  Bây giờ, chi phí đang giảm nên việc họ giảm giá bán xuống là điều bình thường”, ông nói.

Chính phủ Pháp đã yêu cầu 75 công ty sản xuất thực phẩm gửi danh sách các mặt hàng sẽ giảm giá bắt đầu từ tháng 7.

Người phát ngôn của Ania, tổ chức vận động hành lang ngành công nghiệp thực phẩm Pháp, cho biết các công ty thành viên của Ania sẽ giảm giá một số sản phẩm như mì ống và thịt gà, những mặt hàng mà giá nguyên liệu thô đã giảm gần đây. Đối với các loại sản phẩm khác như sữa hay thịt heo thì việc giảm giá là không thể do chi phí của các công ty thực phẩm vẫn ở mức cao, người phát ngôn giải thích.

Tại Anh, các nhà bán lẻ lớn nhất được yêu cầu giải trình lợi nhuận trước một hội đồng gồm các nhà lập pháp vào hôm 27-6.

Cơ quan quản lý canh tranh và thị trường của Anh sẽ công bố kết quả điều tra giá thực phẩmn vào tháng 7 tới. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh sẽ gặp gỡ các nhà sản xuất thực phẩm trước quyết định về lãi suất trong cuộc họp tháng 9.

“Chúng tôi đang nỗ lực để giảm một nửa tốc độ tăng lạm phát trong năm nay. Các doanh nghiệp cũng phải góp phần và tôi sẽ theo dõi sát sao tiến bộ đạt được”, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt nói.

Cho đến nay, tại châu Âu, chỉ có Croatia và Hungary triển khai chính sách giới hạn giá bán thực phẩm thiết yếu. Tháng 9 năm ngoái, chính phủ Croatia bắt buộc cá nhà bán lẻ giảm 30% giá dầu ăn, bột mì, đường, thịt heo, thịt gà và sữa. Tuần trước, chính phủ Hungary thông báo gia hạn chính sách giới hạn giá bán của một loạt mặt hàng thực phẩm tương tự.

Trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhận thấy rằng biên lợi nhuận cao hơn của doanh nghiệp đã thúc đẩy giá nhiều hàng hóa và dịch vụ lên cao hơn, bao gồm cả thực phẩm. Các chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế tế (OECD) cũng đồng tình với quan điểm này.

Các nhà kinh tế của IMF ước tính lợi nhuận cao hơn của doanh nghiệp chiếm 45% mức tăng lạm phát giá tiêu dùng ở khu vực đồng euro trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến tháng 3-2023. Lợi nhuận cao của doanh nghiệp cũng gây ra mức tăng lạm phát tương tự ở Anh trong nửa cuối năm 2022.

Điều đó là lý do khiến ECB hối thúc doanh nghiệp giảm lợi nhuận để hỗ trợ giảm lạm phát. Trong một bài phát biểu đầu tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết lợi nhuận doanh nghiệp tăng là động lực chính thúc đẩy lạm phát.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới