(KTSG Online) - Các cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) góp tiếng nói cùng các chuyên gia kinh tế để kêu gọi chính phủ hủy bỏ chương trình phát 560 tỉ baht (15 tỉ đô la) cho người dân. Họ cảnh báo chương trình này sẽ thúc đẩy lạm phát và gây tổn thương cho tính kỷ luật tài khóa trong dài hạn.
- Thái Lan phát 16 tỉ đô la cho người dân để thúc đẩy tiêu dùng nội địa
- Người mua xe điện ở Thái Lan có thể được trợ giá đến 4.600 đô la
Chương trình ví kỹ thuật số, do Thủ tướng Srettha Thavisin đề xuất, sẽ chuyển cho tất cả người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên mỗi người 10.000 baht (270 đô la) thông qua một ví kỹ thuật số, có thể được sử dụng để mua sắm trong vòng sáu tháng tại tất cả các cửa hàng và doanh nghiệp địa phương trong phạm vi 4 km tính từ địa chỉ đăng ký của người dân. Điều này nhằm kích thích nền kinh tế địa phương và ngăn chặn sự tập trung chi tiêu quá mức ở khu vực thành thị. Người dân không được sử dụng ví kỹ thuật số để mua thuốc lá và bia rượu cũng như để trả nợ hoặc chuyển thành tiền pháp định. Dự kiến có khoảng 56 triệu người dân Thái Lan đủ điều kiện nhận tiền. Cho đến nay, chính phủ Thái Lan chưa tiết lộ nguồn ngân sách của chương trình sẽ huy động từ đâu.
Chương trình ví kỹ thuật số, dự kiến triển khai vào quí 1-2024, là một trong những cam kết chính trong cuộc vận động bầu cử hồi đầu năm của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của ông Thavisin.
Tuy nhiên, một tuyên bố chung trong tuần này của 99 chuyên gia kinh tế Thái Lan cảnh báo, chương trình này sẽ lợi bất cập hại. Những người ký trong tuyên bố bao gồm tên tuổi nổi tiếng như Veerathai Santiprabhob và Tarisa Watanagase, hai cựu Thống đốc BoT.
Họ lập luận, nền kinh tế đang trải qua giai đoạn phục hồi với nhiều nhà phân tích kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 3,5% vào năm 2024. Theo họ, đây là dấu hiệu cho thấy việc phân phát tiền, có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và lãi suất tăng lên, là không cần thiết.
“Chính phủ không cần thiết phải tăng cường tiêu dùng cá nhân. Thay vào đó, chính phủ nên cải thiện năng lực đầu tư và xuất khẩu của khu vực công”, tuyên bố cho hay.
Tuyên bố của họ nhấn mạnh lại lo ngại của Thống đốc đương nhiệm của BoT, Sethaput Suthiwartnarueput, người gọi khoản chi tiêu như vậy là “không phù hợp”. Mới tuần trước, BoT tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2013 như một hành động chính sách phủ đầu nhằm tránh áp lực lạm phát, một phần do kế hoạch kích thích chi tiêu của Thủ tướng Srettha Thavisin.
Hôm 6-10, trong bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân, Veerathai Santiprabhob, cựu Thống đốc BoT, lưu ý các chính sách dân túy ngắn hạn của các chính phủ Thái Lan tiền nhệm đã dẫn đến gánh nặng tài chính và ảnh hưởng đến nền kinh tế nhiều năm sau đó.
Ông cảnh báo chính sách lấy GDP làm trung tâm, được coi là một giải pháp tạm thời, thậm chí có thể phản tác dụng và làm tổn hại đến uy tín của Pheu Thai, đảng đứng đầu liên minh cầm quyền, trong cuộc bầu cử tiếp theo. Ông lo ngại nhiều dự án khác của chính phủ có thể thiếu ngân sách do chương trình ví kỹ thuật số.
Các quan chức chính phủ Thái Lan tin rằng chương trình sẽ mang lại hiệu ứng gấp bốn lần số tiền phân phát và nâng tăng trưởng kinh tế lên tới 5% vào năm 2024, từ mức 2,8% dự kiến trong năm nay.
Ông Srettha Thavisin, người đồng thời giữ chức Bộ trưởng Tài chính và trước đây là trùm kinh doanh bất động sản, đang đối mặt với nhiệm vụ cam go: thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa Thái Lan từ đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc giảm và chi tiêu mờ nhạt của du khách nước ngoài.
Những chuyên gia kinh tế ký tên trong tuyên bố chung hôm 5-10 cho biết việc kỳ vọng khoản tiền phát cho người dân có tác dụng như một hệ số nhân tài chính để kích thích tăng trưởng chỉ là “ảo tưởng”. Theo họ, ngân sách chỉ được chi tiêu hiệu quả hơn dưới dạng chi tiêu công và đầu tư trực tiếp.
“Không có tiền mọc trên cây hay từ trên trời rơi xuống. Rốt cục, người dân sẽ phải trả giá, dù dưới hình thức thuế cao hơn hay chi phí sinh hoạt cao hơn do lạm phát”, họ viết trong tuyên bố.
Trong khi đó, Anusorn Tamajai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế, đầu tư và kinh tế số của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan (UTCC), kêu gọi chính phủ ít nhất nên thu hẹp danh sách những người đủ điều kiện hưởng lợi từ chương trình ví kỹ thuật số. Ông cho rằng chính phủ chỉ nên hỗ trợ cho những người dân khó khăn thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp đang chật vật với nợ nần. Ông đề xuất chuyển một phần tiền của chương trình để đầu tư vào các hệ thống quản lý thủy lợi để giúp nông dân ứng phó khi tác động của hiện tượng thời tiết El Niño lên đỉnh điểm vào năm sau.
“Mục tiêu chính của chính phủ có thể là kích thích nền kinh tế, hướng tới tăng trưởng 5-6% trong năm tới bằng cách chi 560 tỉ baht thông qua chương trình ví kỹ thuật số. Giả sử lưu thông tiền tệ tăng gấp 1-3 lần, sẽ có cao nhất là 1,6 nghìn tỉ baht lưu hành từ kế hoạch này, có thể giúp GDP tăng trưởng thêm 1,14 - 3% so với kịch bản cơ sở hiện nay. Tuy nhiên, nếu số tiền phân phát không được sử dụng hiệu quả, điều này có thể khiến BoT tăng lãi suất thêm nữa, làm giảm hiệu quả chi tiêu”, Anusorn Tamajai giải thích.
Ông cho rằng, hiệu quả của việc phát tiền mặt sẽ thấp hơn các biện pháp tạo việc làm hoặc đầu tư vào hệ thống quản lý thủy lợi, vốn có tác dụng lâu dài hơn.
Thanavath Phonvichai, Chủ tịch UTCC, cho biết cuộc khảo sát mới nhất của UTCC với 1.280 người được hỏi trên toàn quốc cho thấy 76,4% ủng hộ sáng kiến ví kỹ thuật số và dự kiến sẽ sử dụng số tiền nhận được. Trong khi đó, 15,6% cá nhân có thu nhập hàng tháng từ 40.001 baht (1.082 đô la Mỹ) trở lên cho biết họ sẽ không sử dụng số tiền này. Trong số những người dự định sử dụng tiền kỹ thuật số, 24,5% nói rằng họ sẽ mua đồ gia dụng, 21,0% dự kiến mua thực phẩm.
Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố trên của các chuyên gia kinh tế, Thủ tướng Srettha Thavisin nói với các phóng viên rằng ông sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác nhau nhưng “không thể” giới hạn người nhận tiền trong các nhóm cụ thể.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe tất cả mọi người, kể cả những người đang háo hức hỏi tôi khi nào chương trình ví kỹ thuật số sẽ được triển khai. Chúng tôi vẫn có thể điều chỉnh hoặc làm cho chương trình này trở nên phù hợp hơn”, ông nói.
Theo Bloomberg, Bangkok Post