(KTSG) - Từ chỗ hưởng lợi lớn nhờ quá trình toàn cầu hóa, các công ty đa quốc gia của Mỹ và châu Âu giờ đây đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi căng thẳng địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến phương thức hoạt động của các doanh nghiệp này.
Tái lập các hàng rào thương mại
Hơn 30 năm trước, Coca-Cola đã mở rộng hoạt động vào Nga sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, và các rào cản đối với thương mại toàn cầu dần được dỡ bỏ. Và kể từ khi người tiêu dùng Nga bắt đầu sử dụng Coca-Cola được sản xuất trên chính quê hương mình, các công ty phương Tây cũng bắt đầu trải qua giai đoạn kinh doanh vô cùng thuận lợi.
Tuy nhiên, trong một khoảng thập kỷ trở lại đây, mọi thứ đang dần thay đổi. Các công ty Mỹ và châu Âu bắt đầu đánh mất dần những lợi thế của mình ở thị trường nước ngoài. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã vùi dập ngành ngân hàng và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh mới, đặc biệt là từ Trung Quốc, bắt đầu thách thức các công ty phương Tây. Ví dụ như bốn trong số năm thương hiệu điện thoại thông minh lớn nhất tại thị trường Ấn Độ hiện là của Trung Quốc. Hồi năm ngoái, Trung Quốc cũng đã vượt Đức trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản.
Các thống kê cho thấy, kể từ năm 2010, doanh số bán hàng ở nước ngoài của các công ty Mỹ và châu Âu có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán chỉ tăng 2% mỗi năm, giảm từ mức 8% trong những năm 2000 và 10% trong những năm 1990. Các công ty đa quốc gia cũng bổ sung ít nhà máy ở nước ngoài hơn. Theo Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, dòng vốn FDI của Mỹ và châu Âu đã giảm từ mức cao nhất là 659 tỉ đô la trong năm 2015 xuống còn 216 tỉ đô la vào năm 2021.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn với sự gia tăng của căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Hồi năm ngoái, Coca-Cola và nhiều công ty đa quốc gia khác đã buộc phải rời khỏi Nga sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát. Những hàng rào kinh tế một lần nữa đã được xây dựng lại, và không chỉ với riêng nước Nga.
Theo The Economist, Bộ Tài chính Mỹ được cho là đang lên kế hoạch ngăn chặn hoạt động đầu tư ra nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến tại các quốc gia đối địch. Đồng thời, Mỹ cũng đang xúc tiến triển khai các khoản trợ cấp trị giá 500 tỉ đô la với mục đích lôi kéo chuỗi cung ứng chất bán dẫn, ô tô điện, năng lượng sạch về Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) dự kiến cũng sẽ sớm triển khai các biện pháp tương tự.
Giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Một trong những xu hướng chính đáng chú ý đang diễn ra với các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ và châu Âu là nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cả trên khía cạnh sản xuất lẫn thị trường. Các dữ liệu thống kê cho thấy, giá trị của các nhà máy và thiết bị mà các công ty đa quốc gia Mỹ sở hữu tại Trung Quốc đã đạt đỉnh từ năm 2018, và bắt đầu xu hướng giảm kể từ đó tới nay.
Bên cạnh nỗ lực của các chính trị gia phương Tây, sự đắt đỏ hơn của chi phí lao động tại Trung Quốc cũng là nguyên nhân dẫn tới xu hướng này. Kể từ năm 2010, tiền lương trong lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, từ 2 đô la/giờ lên hơn 8 đô la.
Các chính trị gia ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều hoan nghênh xu hướng này. Trong tháng 1 năm nay, mức chi tiêu hàng tháng cho xây dựng nhà máy ở Mỹ đạt 10,9 tỉ đô la, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại châu Âu, các quan chức hy vọng các khoản trợ cấp mới tại EU sẽ mang lại tác động tương tự.
Trên thực tế, thị trường tỉ dân của Trung Quốc hiện vẫn quan trọng đối với nhiều lĩnh vực. Ví dụ như 30% doanh thu của các công ty bán dẫn phương Tây vẫn là từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất chip chỉ chiếm 400 tỉ đô la trong tổng số 12.000 tỉ đô la doanh thu được tạo ra ở nước ngoài của các công ty phương Tây có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Theo Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nếu nhìn vào tất cả các ngành công nghiệp, Trung Quốc hiện chỉ chiếm chưa đến một phần tám doanh thu nước ngoài của các công ty phương Tây, nhỏ hơn rất nhiều so với doanh số bán hàng giữa hai bờ Đại Tây Dương, hoặc tại phần còn lại của các thị trường mới nổi.
Tầm quan trọng của các tài sản vô hình gia tăng
Với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, các công ty đa quốc gia giờ đây không chỉ hướng tới những địa điểm có chi phí lao động phổ thông giá rẻ, mà còn tìm kiếm nhiều hơn thế. Tài sản giá trị nhất của các công ty hiện không còn là nhà máy, thiết bị máy móc, mà lại là các tài sản vô hình như chương trình máy tính, bằng sáng chế.
Điều này khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào đội ngũ nhân tài, đặc biệt là ở những nơi mà lực lượng lao động có trình độ học vấn đòi hỏi mức lương thấp hơn so với ở Mỹ và châu Âu. Chuyên gia Richard Baldwin của Viện Nghiên cứu Geneva dự đoán rằng, việc chuyển dịch các công việc văn phòng sang nước ngoài sẽ tạo cơ sở cho một làn sóng toàn cầu hóa mới, tương tự như sự phân tán của ngành sản xuất trong những thập kỷ trước.
Hồi tháng 11 năm ngoái, nhà sản xuất máy bay Boeing đã tuyên bố sẽ xây dựng một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) trị giá 200 triệu đô la tại thành phố Bangalore của Ấn Độ, cơ sở lớn nhất của hãng bên ngoài nước Mỹ. Những gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Alphabet, Amazon và Microsoft cũng đã mở các trung tâm R&D trong thành phố này. Walmart, chuỗi siêu thị hùng mạnh nhất của Mỹ và Rolls-Royce, nhà sản xuất động cơ máy bay của Anh cũng có những động thái tương tự.
Tầm quan trọng của tài sản vô hình được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên khi các doanh nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế điều chỉnh phương thức hoạt động sao cho phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số. Siemens, một gã khổng lồ công nghiệp của Đức, đã tự gọi mình là “công ty công nghệ” tập trung vào mô phỏng kỹ thuật số, phân tích dữ liệu. Hãng bán lẻ Walmart hiện đang sử dụng khoảng 25.000 chuyên gia công nghệ, tương đương với toàn bộ lực lượng lao động của những công ty công nghệ như Pinterest, Snap, Spotify và Zoom gộp lại.
Vẫn duy trì tính toàn cầu hóa
Các công ty lớn nhất vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại thị trường quốc tế. Nhà sản xuất ô tô General Motors có hơn 100 công ty con ở nước ngoài, trong khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Chick-fil-A được cho là đang lên kế hoạch chi 1 tỉ đô la để mở rộng hoạt động tại châu Á và châu Âu. Hầu hết các thực khách nước ngoài của hãng sẽ có thể thưởng thức bánh mì kẹp thịt gà với Coca-Cola - thứ đồ uống đang có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cũng không từ bỏ hoạt động sản xuất tại nước ngoài. Apple và Adidas đều đang đẩy mạnh việc phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm tại Ấn Độ hay Việt Nam, những nơi có điều kiện địa chính trị thân thiện và mức lương chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc. Tỉ phú Elon Musk mới đây đã thông báo rằng, Tesla sẽ xây dựng một nhà máy xe điện mới tại Monterrey, Mexico - nơi có mức chi phí lao động rẻ hơn nhiều so với nơi đặt trụ sở của công ty ở phía bên kia biên giới, bang Texas.
Trong lĩnh vực công nghệ, với việc các phần mềm thường có chi phí phát triển khá tốn kém, nhưng chi phí tái sản xuất lại rất rẻ, các công ty lớn có thể dàn trải chi phí phát triển cố định để đạt được lợi thế cạnh tranh lớn nhất. Điều này càng thuận tiện hơn với các công ty đa quốc gia, vốn có phạm vi hoạt động rộng lớn.
Nói cách khác, với các doanh nghiệp phương Tây, khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong bối cảnh các đối thủ đầy tham vọng ở những thị trường mới nổi vẫn đang bám sát. Do vậy, thay vì co hẹp về các thị trường quen thuộc, việc mở rộng và “toàn cầu hóa” hơn nữa sẽ tiếp tục là lựa chọn đúng đắn với các công ty đa quốc gia hàng đầu của Mỹ và châu Âu.
Nguồn: Economist, Marketwatch, Wall Street Journal