(KTSG Online) – Một loạt các công ty điện lực lớn ở châu Âu thu hẹp hoặc xem xét lại mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh chi phí đầu tư cao nhưng giá điện thấp. Đó là một dấu hiệu cho thấy khó khăn trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng.
- Các dự án điện gió lớn nhất thế giới rơi vào khủng hoảng
- Con đường năng lượng xanh đang ngày càng chông gai và phức tạp
Trong tháng này, Statkraft (Na Uy), nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất châu Âu, cho biết đang xem xét các mục tiêu hàng năm về công suất năng lượng tái tạo mới. Trong khi đó, nhà sản xuất năng lượng tái tạo EDP (Bồ Đào Nha) cũng đang thu hẹp kế hoạch phát triển dự án mới với lý do lãi suất cao và giá điện thấp.
Ørsted (Đan Mạch), nhà phát triển điện gió xa bờ lớn nhất thế giới, đã cắt giảm hơn 10 GW công suất trong mục tiêu công suất năng tái tạo vào năm 2030, sau khi buộc phải từ bỏ hai dự án lớn ở Mỹ vì chi phí tăng cao. Công suất cắt giảm này đủ cung cấp điện cho hàng triệu ngôi nhà.
“Chúng tôi đang chứng kiến năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn”, Birgitte Ringstad Vartdal, CEO của Statkraft, nói với Financial Times.
Tháng trước, Công ty điện lực Iberdrola của Tây Ban Nha cho biết sẽ áp dụng cách tiếp cận “có chọn lọc” hơn đối với năng lượng tái tạo và tăng cường tập trung phát triển lưới điện. Công ty đã bỏ mục tiêu 80 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 nhưng cho biết đang có các dự án phát triển năng lượng tái tạo với tổng cộng suất 100 GW trong tương lai
Hồi tháng 11 năm ngoái, tập đoàn năng lượng Enel của Ý thông báo cắt giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo, từ 17 tỉ euro trong giai đoạn 2023 -2025, xuống còn 12,1 tỉ euro trong giai đoạn 2024-2026. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo với các đối tác để đạt được mục tiêu 73 GW vào năm 2026.
“Đã có một cuộc kiểm định thực tế lớn xung quanh sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo ở châu Âu do sự thay đổi lớn trong môi trường chi phí”, Norman Valentine, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng tái tạo của hãng tư vấn Wood Mackenzie, nói.
RWE của Đức là công ty điện lực hiếm hoi tăng đáng kể mục tiêu năng lượng tái tạo. Tháng 11 năm ngoái, công ty nâng mục tiêu công suất tái tạo vào năm 2030 từ 50 GW lên 65 GW.
Sự quan tâm chính trị đến nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo ngày càng lớn. Tại hội nghị COP28 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc hồi năm ngoái, các nước đồng ý hướng tới mục tiêu tăng gấp ba công suất tái tạo toàn cầu từ 3.600 GW vào năm 2023 lên 11.000 GW vào năm 2030.
Tuy nhiên, lãi suất tăng trong vài năm qua làm tăng đáng kể chi phí của nhiều dự án phát triển năng lượng sạch, gây áp lực cho một số chủ đầu tư. Giá nguyên liệu thô cũng tăng, trong khi đó, ở một số thị trường châu Âu, giá điện lại giảm. Quá trình phê duyệt dự án thường chậm chạp, càng gây khó khăn cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo.
Một số công ty điện lực, bao gồm cả Enel, muốn tăng đầu tư vào hoạt động nâng cấp mạng lưới điện, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện sạch. Iberdrola dự định chi khoảng 60% trong khoản đầu tư trị giá 41 tỉ euro cho các dự án nâng cấp lưới điện.
Ralph Ibendhal, người đứng đầu bộ phận chuyển đổi năng lượng phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của RBC Capital Markets, lưu ý lãi suất cao sẽ khiến các nhà phát triển năng lượng tái tạo cạnh tranh gay gắt hơn để thu hút các nhà đầu tư.
“Lợi nhuận hàng năm 7-9% ở cấp độ dự án có vẻ kém hấp dẫn hơn khi lãi suất cơ bản là 5%. Trong khi đó, nhiều công ty điện lực có cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn vào các lĩnh vực kinh doanh khác của họ, chẳng hạn như mạng lưới điện”, ông nói.
Theo Deepa Venkateswaran, người đứng đầu bộ phận dịch vụ tiện ích của hãng nghiên cứu Bernstein, các công ty điện lực của châu Âu đang đầu tư nhiều hơn vào các lưới điện với kỳ vọng lợi nhuận sẽ cải thiện do tầm quan trọng của chúng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng.
Iberdrola và tập đoàn năng lượng Engie của Pháp gần đây cắt giảm hoặc trì hoãn các mục tiêu sản xuất hydro “xanh”, một nguồn năng lượng thay thế tiềm năng cho nhiên liệu hóa thạch trong một số ngành công nghiệp. Iberdrola cho biết đang chờ nguồn vốn trợ cấp các dự án phát triển hydro “xanh” (hydro được sản xuất bằng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng carbon thấp).
Bất chấp những thách thức hiện tại, Vartdal, CEO của Statkraft, tin tưởng tính kinh tế của các dự án năng lượng tái tạo sẽ cải thiện. Ralph Ibendhal của RBC Capital Markets, cũng chia sẻ niềm tin này. “Năng lượng tái tạo phát triển như những con sóng. Hiện tại, chúng ta đang ở phần đi xuống của con sóng, nhưng nó sẽ đi lên trở lại”, ông nói.
Theo Financial Times