Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các địa phương miền Trung bắt tay phát triển ‘vùng du lịch’

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Bên cạnh quảng bá các điểm du lịch riêng biệt, các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ quảng bá vùng du lịch chung với mục đích tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương để phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh về du lịch chung cho toàn vùng.

Trên “con đường di sản miền Trung” nối liền hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Ảnh: Nhân Tâm

Đến năm 2025, du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành khác.

Sẽ có 6 khu du lịch quốc gia được phát triển là Lăng Cô – Cảnh Dương (Thừa Thiên Huê), Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định) bên cạnh 5 điểm du lịch quốc gia là Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Mỹ Sơn (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Lũy (Quảng Ngãi, Bình Định) và 3 đô thị du lịch là Huế, Đà Nẵng và Hội An.

Những thông tin này được đề cập trong Đề án Phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với quan điểm chuyển từ “điểm du lịch” sang “vùng du lịch”; từ số lượng sang chất lượng vừa được phê duyệt.

Trong giai đoạn đầu, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa ba địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam để đảm bảo liên kết phát triển sản phẩm du lịch “Con đường di sản miền Trung” đi vào thực chất.

Bên cạnh đó, 3 di sản văn hóa thế giới (Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Quần thể Hoành Thành Huế) được kết nối với các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng là văn hóa Champa, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa các dân tộc Đông Trường Sơn và văn hóa dân cư vùng biển.

“Con đường di sản miền Trung” sẽ được mở rộng để kết nối với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, từ đó, phát huy lợi thế tuyệt đối của tọa độ kết nối quốc tế của Đà Nẵng, hình thành ba tuyến du lịch thuộc loại đặc sắc và đẳng cấp cao lấy Đà Nẵng làm tọa độ xuất phát.

Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng liên kết giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Tây Nguyên để két nối “Con đường di sản văn hóa miền Trung” với ‘‘Con đường xanh Tây Nguyên” và liên kết giữa Vùng với Lào và Campuchia để kết nối “Con đường di sản miền Trung” của Việt Nam với Di sản văn hóa thế giới Cố đô Luang Prabang (Lào) và Quần thể Angkor Wat (Campuchia) để tạo thành sản phẩm du lịch “Con đường di sản Đông Dương” trong khuôn khổ hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia “Ba quốc gia – Một điểm đến”.

Để có thể quảng bá “vùng du lịch” hiệu quả, các địa phương sẽ cùng nhau xúc tiến quảng bá du lịch vùng tại các hội chợ, sự kiện du lịch trong nước và quốc tế với vai trò là điểm đến thống nhất thay vì riêng lẻ của từng địa phương, từng điểm đến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới