Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các đội quân “giải cứu” thức ăn thừa ở Singapore

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các đội quân “giải cứu” thức ăn thừa ở Singapore

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Là một nước giàu trong khu vực, Singapore vứt bỏ hàng trăm ngàn tấn thực phẩm dư thừa mỗi năm. Để chống lại tình trạng lãng phí này, hàng ngàn người dân Singapore đã tham gia các đội quân tình nguyện thu gom thức ăn và thực phẩm thừa để mang về nhà sử dụng, phân phát cho các cơ sở từ thiện hoặc đem cho các công nhân nhập cư.

Các đội quân “giải cứu” thức ăn thừa ở Singapore
Các tình nguyện viên của nhóm SG Food Rescue thu gom rau quả và trái cây bị ế ở chợ để phân phối lại cho các tủ lạnh gia đình hoặc tủ lạnh cộng đồng. Ảnh: Facebook

Cứ hai lần mỗi tuần, Gary Lee, 36 tuổi, giám đốc một công ty logistics ở Singapore, lại ghé đến một trung tâm trông giữ trẻ gần nhà anh để thu gom thức ăn thừa. Số thức ăn này, nếu không có ai thu gom, sẽ bị vứt đi.

Trong một chuyến thu gom gần đây ở trung tâm này, anh thu được hai hộp cơm, một ít canh rau và một hộp cá tuyết cắt lát cùng nước sốt. Anh ước tính số thức ăn này đủ để cho gia đình anh dùng trong 5 đến 9 bữa ăn trong suốt ba ngày.

Là lãnh đạo một công ty, Lee có mức thu nhập khá cao và dư sức chi trả cho những bữa ăn nhưng anh vẫn tham gia một nhóm tình nguyện viên có tên gọi “Giải cứu thực phẩm Singapore” (Food Rescue Singapore), chuyên đi gom thức ăn thừa đang ngày càng gia tăng ở Singapore.

Đảo quốc Sư tử giàu có vứt bỏ 763.000 tấn thực phẩm trong năm 2018, tăng 34% so với 10 năm trước đó. Tỷ lệ tái sử dụng thức ăn thừa ở Singapore vẫn ở mức thấp, chưa đến 17%.

Giữa lúc chính phủ Singapore xem tình trạng lãng phí thực phẩm quá mức như là vấn đề quốc gia, các đội quân thu gom thức ăn thừa như đội quân mà Lee đang tham gia, ngày càng phát triển. Những cá nhân trong các đội quân này tự tổ chức các chuyến đi gom thức ăn thừa thông qua thông tin trao đổi trên mạng xã hội. Họ thu gom những thực phẩm đã nấu nhưng ăn không hết rồi mang về nhà ăn hoặc gửi đến các cơ sở từ thiện.

Lee phát hiện thức ăn thừa ở trung tâm trông trẻ thông qua thông tin trao đổi trên ứng dụng chat Telegram của nhóm Giải cứu thực phẩm Singapore. Nhóm này có sứ mệnh giải cứu thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn, các sự kiện có phục vụ tiệc tùng. Mỗi ngày, những thành viên trong nhóm đăng các thông tin chi tiết về những thức ăn thừa mà họ bắt gặp với hy vọng những thành viên ở trong khu vực lân cận có thể đến thu gom chúng.

Gary Lee (áo xanh), 36 tuổi, giám đốc một công ty logistics ở Singapore, tiếp nhận thức ăn thừa từ một trung tâm trông giữ trẻ. Ảnh: SCMP

Chẳng hạn, một bài đăng hôm 22-5 cho thấy hình ảnh chụp bánh sandwich, chả giò, pizza và cánh gà nướng dư thừa từ một buổi tiệc buffet của một sự kiện doanh nghiệp. Thành viên đăng bài này cũng đăng thông tin địa chỉ của sự kiện và lời nhắn: “Hãy mang theo hộp đựng đồ ăn. Những người phục vụ sẽ dọn dẹp lúc 6 giờ tối”.

Nhóm chat trên Telegram này được thành lập vào năm 2017 với chỉ 10 thành viên. Đến nay, số lượng thành viên đã tăng lên con số 2.540 người. Nhân viên công nghệ thông tin Den Teo, người sáng lập và quản trị nhóm Giải cứu thực phẩm Singapore cho biết, anh thường thấy thức ăn ở các hội nghị, sự kiện và tiệc cưới còn dư nhiều và bị đem đổ đi. Anh muốn thành lập một nền tảng thông tin cho phép mọi người ở Singapore trao đổi những thông tin về thức ăn thừa như vậy.

Anh nói: “Đôi lúc lượng thức ăn thừa khá ít nên bạn không thể mang đến cho các cơ sở từ thiện. Do vậy, những người giải cứu sẽ ăn chúng hoặc phân phát chúng cho một số thành viên trong mạng lưới”.

Lượng thức ăn thừa gom được có lúc ít, có lúc nhiều và đôi khi chỉ đủ sử dụng cho bữa ăn tối của một người và đôi lúc đủ để cho 10 người công nhân ở công trường cùng ăn. Thức ăn thừa thay đổi từng ngày về số lượng và chủng loại. Có thời điểm những người tình nguyện chỉ thu được toàn cơm trắng từ một nhà hàng.

“Đội tình nguyện của chúng tôi sẽ nấu lại thức ăn, bổ sung thêm trứng, rau và thịt để biến chúng thành một bữa ăn đầy đủ, rồi phân phát cho các công nhân nhập cư tại các công trường xây dựng”, Den Teo cho biết.

Song có những lúc các nhà hàng và khách sạn không cho các tình nguyện viên của nhóm Giải cứu thực phẩm Singapore lấy thức ăn thừa sau các bữa tiệc. Họ đem vứt thay vì cho các tình nguyện viên lấy vì sợ dính líu các trách nhiệm liên quan nếu chẳng may số thức ăn thừa đó gây ra các vấn đề không may chẳng hạn như ngộ độc thực phẩm.

Vì vậy, Daniel Tay, 41 tuổi, người điều hành SG Food Rescue, một nhóm tình nguyện giải cứu thực phẩm thừa khác, tập trung vào rau quả và trái cây, đang kêu gọi chính phủ thông qua các chính sách cho các doanh nghiệp tặng thực phẩm và thức ăn dư thừa.

Daniel Tay tự nhận mình là người theo trường phái freegan (người chỉ sử dụng thực phẩm dư thừa và vật dụng bị vứt bỏ). Các thành viên của nhóm SG Food Rescue đến các khu chợ bán sỉ để thu nhặt những rau quả, trái cây bị ế, bao gồm những trái cây có hình dạng xấu xí rồi mang về và bỏ vào các tủ lạnh gia đình và tủ lạnh công cộng, nơi mọi người có thể lấy miễn phí. Nhóm của Tay đã thu gom được hơn 100 tấn trái cây và rau quả vào năm ngoái.

“Đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Chúng tôi chỉ gom trái cây và rau quả bị ế nhưng có nhiều chủng loại thực phẩm đang bị lãng phí chỉ vì hết hạn chưa lâu hoặc sắp hết hạn sử dụng khác bao gồm trái cây, thịt, thực phẩm đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn. Nhóm của chúng tôi chỉ gom thực phẩm dư thừa từ một số gian hàng. Hãy thử nghĩ xem có biết bao nhiêu thực phẩm bị lãng phí ở khắp các khu chợ trên cả nước?”, Daniel Tay cho biết.

Những công nhân nhập cư nhân ở Singapore tiếp nhận các phần thức ăn thừa được “giải cứu”. Ảnh: Facebook

Hồi tháng 2-2019, nghị sĩ Anthea Ong đề xuất quốc hội Singapore xem xét luật xử phạt các doanh nghiệp nếu họ vứt bỏ thực phẩm dư thừa còn ăn được để buộc họ phải tìm cách khác xử lý chúng. Đồng thời bà cũng kêu gọi giảm thuế cho những nhà hàng, khách sạn hiến tặng thức ăn thừa.

Nghị sĩ Anthea Ong ghi nhận các phong trào giải cứu thực phẩm cho thấy ý thức đang thay đổi của người dân Singapore. Bà nói: “Tôi cho rằng ý thức của người dân đang thay đổi mạnh mẽ, vượt lên suy nghĩ ‘Tôi sẽ không lãng phí thực phẩm’ hoặc ‘Tôi sẽ đặt mua thực phẩm vừa đủ’”.

Dù chỉ quan tâm đến việc “giải cứu” trái cây và rau quả dư thừa nhưng nhóm SG Food Rescue đã vô tình khởi động một phong trào mới cho phép mọi người có thể trao đổi thực phẩm với nhau bao gồm những thực phẩm sắp hết hạn và dùng chưa hết.

Trang facebook của nhóm này ban đầu chỉ lập ra với mục đích ghi chép lại hoạt động của các thành viên nhưng hiện nay, nó đã trở thành một nền tảng chia sẻ thực phẩm. Mọi người có thể đăng tin thông báo về những thực phẩm mà họ không muốn sử dụng nữa để những người khác liên hệ và lấy chúng nếu thấy cần.

Trang facebook của nhóm SG Food Rescue đăng rất nhiều thông tin cho tặng các gói ngũ cốc, bột yến mạch ăn liền, hộp cá ngừ cắt lát, sữa đặc không đường... Một số thực phẩm cho tặng như vậy đã hết hạn sử dụng nhưng nhiều người vẫn lấy chúng.

Daniel Tay giải thích rằng, theo anh ngày hết hạn của sản phẩm nghĩa là sản phẩm đó không được bán sau ngày đó nữa kể từ ngày sản xuất nhưng có thể vẫn an toàn khi sử dụng.

“Điều cơ bản nhất mà bạn có thể làm để hạn chế lãng phí thực phẩm là hãy thử cho người khác những thực phẩm mà bạn không muốn sử dụng trước khi vứt bỏ chúng. Điều này cũng có thể giúp bạn nhận ra rằng sẽ luôn có những người có thể muốn những thứ mà bạn vứt bỏ”, Daniel Tay cho biết thêm.

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới