Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các dự án địa nhiệt Indonesia thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các dự án địa nhiệt ở Indonesia đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài như tập đoàn Inpex của Nhật Bản, Start Energy của Singapore và những nhà đầu tư từ nhiều nước khác.

Nhà máy địa nhiệt điện Muara Laboh, Tập đoàn Inpex của Nhật Bản dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng của nhà máy.

Dự án năng lượng địa nhiệt Muara Laboh được Inpex đầu tư nằm cách sân bay quốc tế Minangkabau ở Tây Sumatra 5 giờ lái xe. Ở cao nguyên với độ cao 1.400 mét, người ta có thể thấy những ống khói đang bốc hơi nước và nghe cả tiếng động từ các tháp làm mát hơi nước thoát ra từ các giếng bơm nước nóng dưới lòng đất.

Inpex có kế hoạch mở rộng dự án trong năm nay để tăng gấp đôi công suất tối đa của nhà máy lên thành 85 MW. “Chúng tôi có thể sẽ xây dựng một tòa nhà khác có cùng quy mô bên cạnh nhà máy điện hiện tại”, giám đốc của Inpex Geothermal Development nói.

Vào cuối năm 2022, tổng công suất địa nhiệt của Inpex tại xứ vạn đảo là 110 MW, tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021. Với kế hoạch mở rộng nhà máy Muara Laboh, Inpex có thể sẽ vượt qua công suất của Ayala Group từ Philippines và đứng thứ ba trong số các nhà sản xuất địa nhiệt điện ở Indonesia. Tập đoàn Star Energy đứng thứ hai với khoảng 500 MW còn Pertamina Geothermal Energy (PGE), hãng con của tập đoàn Pertamina được chính phủ Indonesia bảo trợ, đứng đầu với công suất 700 MW.

"Chúng tôi muốn tập trung vào phát triển địa nhiệt ở những khu vực có tiềm năng cao", Phó chủ tịch điều hành Kenji Kawano của Inpex phát biểu cuối năm 2022.

Đầu tháng 1-2023, Inpex thông báo sẽ hợp tác với tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản và các công ty đa quốc gia khác để khảo sát nguồn địa nhiệt ở phía đông nam đảo Sumatra. Các bên đưa ra mục tiêu đưa các dự án mới phát điện từ cuối thập niên này.

Các đối thủ cạnh tranh cũng không khoanh tay đứng nhìn. Trong đó, PGE có kế hoạch tăng tổng công suất hiện tại khoảng 700 MW lên khoảng 1.300 MW vào năm 2027. Nguồn vốn được bảo đảm thông qua vụ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong năm nay. Việc liên minh với các đối tác chiến lược, chẳng hạn như các công ty của UAE (các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) vẫn đang được xem xét. PGE tìm cách thúc đẩy các dự án địa nhiệt bằng cách khai thác bí quyết từ các nước đứng đầu thế giới về trữ lượng dầu mỏ.

Nhà máy điện địa nhiệt Wayang Windu trên đảo Java có kế hoạch tăng công suất lên gần gấp đôi, từ 230 MW thành 420 MW trong thập niên này. Đây là nhà máy thuộc sở hữu của Star Energy, nơi Tập đoàn Mitsubishi có 20% cổ phần.

Nguồn tài nguyên nhiệt của Indonesia rất hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Tập đoàn Dầu khí và kim loại quốc gia Nhật Bản, tài nguyên địa nhiệt của Indonesia ước tính đạt 27.790 MW, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ tài nguyên đã được phát triển được cho là thấp hơn so với Mỹ và Philippines. Vì thế, tiềm năng tăng trưởng của ngành địa nhiệt Indonesia rất lớn.

Những nỗ lực giảm phát thải toàn cầu cũng tạo cú hích phát triển cho Indonesia và các nhà đầu tư quốc tế.

Với Inpex, tập đoàn này có kế hoạch tăng gấp đôi hoặc gấp bốn lần công suất phát điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, lên 1.000-2.000 MW vào khoảng năm 2030. Tập đoàn cũng tập trung vào năng lượng địa nhiệt và năng lượng gió ngoài khơi.

Theo khảo sát của Hội đồng Năng lượng Quốc gia Indonesia, tính đến cuối năm 2021, nhiệt điện than chiếm khoảng một nửa nguồn cung cấp điện của Indonesia, trong khi năng lượng tái tạo chỉ chiếm 15%.

Thủy điện chiếm phần lớn sản lượng năng lượng tái tạo hiện tại của đất nước, tiếp theo là địa nhiệt ở mức 20% và điện sinh khối. Chính phủ nước này đang khuyến khích sử dụng năng lượng địa nhiệt nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2060.

"Tiềm năng địa nhiệt của Indonesia đạt 24 GW và hiện chỉ có 2,4 GW, tức chỉ 10% đang được sử dụng", Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Erick Thohir nói.

Tuy nhiên, đầu tư vào địa nhiệt cũng có rủi ro. Nhiều địa điểm thích hợp để sản xuất điện địa nhiệt nằm ở khu vực miền núi, cần phải đầu tư ban đầu đáng kể để đưa nguồn nhiệt từ lòng đất vào khai thác.

Thêm vào đó, cần phải đào nhiều giếng để xác định nguồn địa nhiệt có thể khai thác mà chi phí mỗi giếng có thể từ 1 triệu đô la Mỹ trở lên mà nhiều giếng thăm dò không thể đưa vào sản xuất. Thời gian từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi phát điện mất khoảng 15 năm. Chi phí thương mại hóa ở mức cao.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới