Thứ tư, 13/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các hãng chip toàn cầu “khát” nhân tài

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đang chạy đua giành giật nhân tài trong nỗ lực cung cấp đủ nhân sự trình độ cao cho các cơ sở sản xuất trị giá hàng tỉ đô la mà họ đang xây dựng trên khắp thế giới nhằm giải quyết tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu.

Nhân tài trong ngành công nghiệp chip càng trở nên khan hiếm hơn khi các hãng chip chạy đua xây dựng các nhà máy mới. Ảnh: The Developing China

Nhân lực trình độ cao ngày càng khan hiếm

Nguồn cung nhân lực có trình độ ngày càng cạn kiệt đã khiến giới lãnh đạo trong ngành công nghiệp chip chất bán dẫn lo lắng trong nhiều năm qua. Giờ đây, mối lo ngại đó càng tăng lên vì tình trạng thiếu lao động trên toàn cầu, nhu cầu thiết bị kỹ thuật số trong thời kỳ dịch bệnh tăng bùng nổ và cuộc chạy đua giữa các chính phủ để tăng cường năng lực sản xuất chip trong nước.

Nhiều ngành kinh doanh đang xảy ra tình trạng thiếu lao động. Dù các hãng chip có lợi thế hơn vì quy trình sản xuất của ngành này được tự động hóa ở mức độ cao, những thiết bị công nghệ tân tiến được sử dụng tại các cơ sở sản xuất của họ vẫn đòi hỏi đội ngũ nhân viên có tay nghề cao để vận hành. Quy mô sản xuất chip đang mở rộng hiện nay tạo ra nhu cầu đặc biệt lớn về nhân sự, thường là trong các lĩnh vực ngách của ngành chip.

Jim Koonmen, Phó chủ tịch điều hành tại Công ty ASML Holding (Hà Lan), nhà sản xuất công cụ sản xuất chip chất bán dẫn, cho biết: “Chúng tôi đang rơi vào một cuộc chiến tranh giành nhân tài”.

Các nhà máy sản xuất chip mới được xây dựng, cần hàng nghìn kỹ sư có trình độ đại học để vận hành. Tại các nhà máy này, các kỹ thuật viên đảm nhận công việc giám sát và quản lý quá trình sản xuất, trong khi đó, các nhà nghiên cứu giúp phát triển các loại chip mới và cách chế tạo chúng.

“Trong ngành công nghiệp chip bán dẫn, các kỹ năng cần được phát triển ở bất kỳ đâu từ lĩnh vực xây dựng để hỗ trợ việc thiết lập các nhà máy, cho đến những nhà nghiên cứu cao cấp nhất”, Phó chủ tịch điều hành hãng chip Intel, Ann Kelleher, nói tại một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ mới đây.

Intel đã cam kết đầu tư hơn 100 tỉ đô la vào các nhà máy sản xuất chip trong những năm tới tại Mỹ và châu Âu. Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), hãng điện tử Samsung và những công ty khác trong ngành chip cũng đang triển khai các kế hoạch tham vọng để nâng cao công suất.

Theo báo cáo của Eightfold.ai, một công ty quản lý tài năng, chỉ riêng tại Mỹ, khoảng 70.000-90.000 nhân sự ngành chip cần phải được được bổ sung trong giai đoạn 2020-2025 để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Báo cáo cho biết nếu Mỹ theo đuổi tham vọng lớn hơn để tránh phụ thuộc vào nguồn cung chip từ nước ngoài, số lao động ngành chip cần được bổ sung sẽ lên đến 300.000.

Tại Đài Loan, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, chênh lệch giữa nhu tuyển dụng và khả năng đáp ứng nhân sự trong ngành chip đang ở mức cao nhất trong hơn sáu năm qua, theo Công ty tư vấn và tuyển dụng việc làm 104 Job Bank.

Một báo cáo của 104 Job Bank, công bố hồi tháng 8 năm ngoái, ước tính mức thiếu hụt lao động trung bình hàng tháng trong ngành chip ở Đài Loan là khoảng 27.700 nhân sự, tăng 44% so với năm trước. Báo cáo cho biết mức lương trung bình hàng tháng trong ngành chip đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên.

Yao-Wen Chang, hiệu trưởng Trường Khoa học máy tính và kỹ thuật của Đại học Đài Loan, nói: “Vấn đề thiếu hụt nhân tài trong ngành chip càng trở nên trầm trọng hơn, chủ yếu là do nhu cầu sản xuất ngày càng tăng. Tôi không lạc quan rằng chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này".

Chạy đua chiêu mộ nhân tài

Jim Koonmen, Phó chủ tịch điều hành tại Công ty ASML Holding, cho biết nhu cầu nhân sự của công ty ông tại Hà Lan dự kiến ​​sẽ tăng 10% hoặc hơn mỗi năm trong giai đoạn tới, mới có thể theo kịp nhu cầu bùng nổ đối với các công cụ sản xuất chip khi các nhà máy sản xuất chip liên tiếp được xây dựng trên toàn cầu.

Để thu hút nhân tài, ông Koonmen cho hay: "Chúng tôi đang đẩy mạnh cuộc chiến của mình trên một số mặt trận, bao gồm cả việc củng cố bộ phận tuyển dụng của mình”.

Ông nói ASML Holding cũng đào sâu quan hệ với các trường đại học để tiếp nhận nguồn sinh viên tốt nghiệp trong tương lai. Công ty này cần những nhân sự có các kỹ năng cao cấp từ lĩnh vực quang học, phần mềm đến kỹ thuật điện.

Giám đốc tài chính hãng chip GlobalFoundries (Mỹ), David Reeder, nói: “Đối với chúng tôi, thị trường lao động Mỹ có lẽ là thị trường cạnh tranh nhất". Ông cho biết thêm rằng có khả năng nguồn cung lao động ngành chip ở Mỹ còn thắt chặt trong những năm tới.

Các giáo sư chuyên ngành kỹ thuật nói mối lo ngại thiếu lao động ngành chip càng thêm trầm trọng khi sự quan tâm của sinh viên đối với lĩnh vực sản xuất chip giảm xuống trong những năm gần đây vì nhiều người thích tìm việc làm trong lĩnh vực phần mềm hoặc dịch vụ internet.

Santosh Kurinec, giáo sư tại Học viện Công nghệ Rochester (Mỹ), cho biết số lượng sinh viên đăng ký theo chương trình kỹ thuật điện ở học viện này đang giảm dần đều, từ khoảng 50 người vào giữa thập niên 1980, xuống còn khoảng 10 hiện nay. Bà cho biết nhiều sinh viên giờ đây chỉ muốn phát triển ứng dụng cho Google, Facebook, hoặc các công ty công nghệ khác.

Ở Đài Loan, tình trạng thiếu các kỹ sư có tay nghề cao có thể cản trở các nỗ lực duy trì sự dẫn đầu công nghệ tiên tiến trong ngành chip. Terry Tsao, Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Hiệp hội quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI) và là chủ tịch chi nhánh Đài Loan của SEMI, nói: “Chúng tôi cần nhiều những người có bằng tiến sĩ hơn nữa để bổ sung vào thế hệ tiếp theo của ngành công nghiệp bán dẫn”.

Trong cuộc chạy đua thu hút nhân tài này, vai trò của các chính phủ có thể rất quan trọng. Các hãng chip ở Mỹ đã vận động các nhà lập pháp cho phép họ tuyển lao động nước ngoài khi số lượng sinh viên Mỹ tốt nghiệp trong ngành chip giảm dần.

Hồi tháng 5 năm ngoái, Đài Loan đã thông qua luật thúc đẩy đổi mới và giáo dục trong các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, dẫn đến việc một số trường đại học ở đây hợp tác với các hãng sản xuất chip bao gồm TSMC để thành lập các trường cao đẳng chuyên ngành bán dẫn.

“Tôi tin rằng sự hợp tác này có thể tạo nền tảng cho 10 năm tới của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan và hy vọng sẽ thu hút các chuyên gia nước ngoài và tăng cường trao đổi nhân tài,” Chủ tịch TSMC, Mark Liu nói tại một diễn đàn công nghệ hồi tháng 12.

Trung Quốc cũng đã thành lập các trường nghiên cứu và trung tâm đào tạo chuyên về chip bán dẫn như một phần của nỗ lực thúc đẩy khả năng tự cung cấp các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả chip và trí tuệ nhân tạo.

12 trường đại học của Trung Quốc đã thành lập các trường cao đẳng tập trung vào chip kể từ tháng 12-2021, bao gồm các học viện danh tiếng nhất của đất nước, chẳng hạn Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

Ivan Platonov, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứ công nghệ EqualOcean, có trụ sở tại Bắc Kinh, ước tính lực lượng lao động ngành chip của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua nhờ các nỗ lực tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chip. Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc vẫn thiếu khoảng 250.000 kỹ sư trong năm 2020.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới