Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các hãng công cụ sản xuất chip của Mỹ chuyển nguồn lực sang Đông Nam Á

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu của Mỹ đang chuyển hoạt động kinh doanh từ Trung Quốc sang Đông Nam Á. Đây là dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đang đẩy nhanh quá trình tách chuỗi cung ứng công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sau khi bị chính phủ Mỹ hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, các nhà cung cấp công sụ sản xuất chip của Mỹ Applied Materials, Lam Research và KLA tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á. Ảnh: Getty

Chuyển nhân sự sang Đông Nam Á

Nikkei Asia dẫn lời các nguồn tin cho biết kể từ tháng 10 năm ngoái, ba hãng công cụ sản xuất chip của Mỹ gồm Applied Materials, Lam Research và KLA đã chuyển nhân viên nước ngoài từ Trung Quốc sang Singapore và Malaysia, hoặc tăng tài sản sản xuất tại các cơ sở của họ ở Đông Nam Á. Singapore là nơi đặt trụ sở chính của KLA ở châu Á. Ba hãng này cùng nhau kiểm soát khoảng 35% thị trường toàn cầu về công cụ sản xuất chip.

Một nguồn tin nói: “Các hãng này không thể phục vụ thị trường Trung Quốc hiệu quả như trước đây nữa”. Dù vậy, cả ba công ty vẫn tiếp tục  duy trì sự hiện diện ở Trung Quốc.

Lãnh đạo của một nhà cung cấp cho Lam Research và KLA nói: “Khách hàng yêu cầu chúng tôi tăng cường hỗ trợ cho các địa điểm ở Đông Nam Á của họ trong vài tháng qua. Chúng tôi cũng nhận thấy họ đã tăng cường nhân sự ở đó”.

Hồi tháng 10-2022, chính phủ Mỹ đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các công cụ xuất chip tiên tiến nếu chúng sử dụng công nghệ của Mỹ. Các biện pháp đó cũng hạn chế khả năng người Mỹ làm việc cho một số công ty công nghệ Trung Quốc. Tháng trước, Mỹ đạt được thỏa thuận với Nhật Bản và Hà Lan, hai nước dẫn đầu toàn cầu khác về công cụ sản xuất chip, để hạn chế xuất khẩu sản phẩm của họ sang Trung Quốc.

Chính sách kiểm soát xuất khẩu là đòn giáng mạnh vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Các nhà cung cấp công cụ sản xuất chip và kỹ sư của họ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà sản xuất chip như TSMC của Đài Loan và Công ty sản xuất chất bán dẫn quốc tế Trung Quốc (SMIC) xây dựng, vận hành và bảo trì các dây chuyền sản xuất chip.

Áp lực khi doanh thu tại Trung Quốc suy giảm

Nhưng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cũng gây áp lực đối với Applied Materials, Lam Research và KLA. Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính cho ngành công cụ sản xuất chip trong nhiều năm và là khách hàng lớn nhất của ngành này vào năm 2020 cũng như 2021. Trung Quốc từng chiếm gần 30% doanh thu của các nhà cung cấp công cụ sản xuất chip của Mỹ, nhưng con số đó đã giảm 20% với Applied Materials, 24% với Lam Research và 23% với KLA trong kết quả kinh doanh hàng quí gần nhất của họ.

Hôm 25 -1, Lam Research cho biết sẽ cắt giảm 7% lực lượng lao động toàn cầu. “Chúng tôi đang phát triển kinh doanh ở Đông Nam Á trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, nhưng câu hỏi đặt ra cho ngành của chúng tôi là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu Trung Quốc không còn là động lực tăng trưởng của chúng tôi nữa?”, một lãnh đạo cấp cao của KLA nói với Nikkei Asia.

Các nguồn tin cho biết việc chuyển nhân sự nhàn rỗi từ Trung Quốc sang Đông Nam Á là một bước đi tự nhiên đối với các hãng công cụ sản xuất chip của Mỹ vì tất cả họ đều đã có sự hiện diện trong khu vực. Khi ngành công nghiệp chip của Mỹ bắt đầu chuyển năng lực sản xuất  sang châu Á vào thập niên 1960 để giảm chi phí, Singapore và Malaysia đã trở thành những điểm đến được lựa chọn. Ngày nay, họ có các cụm sản xuất, đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn tại hai nước này. Các hãng chip của Mỹ như Intel, GlobalFoundries và United Microelectronics đều có cơ sở hoạt động ở Đông Nam Á và có kế hoạch mở rộng hoạt động ở đây.

Cuối năm ngoái, Applied Materials đưa ra kế hoạch “Singapore 2030” để tăng cường năng lực sản xuất cũng như nghiên cứu và phát triển tại đảo quốc sư tử. Công ty này cho biết việc mở rộng sẽ được xây dựng dựa trên lịch sử 30 năm hoạt động của hãng tại Singapore.

Theo Lucy Chen, Phó chủ tịch của Công ty nghiên cứu Isaiah Research, sau khi kiểm tra chuỗi cung ứng của mình, các nhà cung cấp công cụ sản xuất chip của Mỹ đã sa thải nhân viên ở Trung Quốc và đưa nhâm viên nước ngoài rời khỏi nước này theo từng đợt.

Chen cho biết thách thức đối với họ là ngành này đang suy thoái theo chu kỳ.

Bà nói thêm: “Tốc độ phát triển chip của Trung Quốc sẽ bị chậm lại trong vòng 3 -5 năm tới do thỏa thuận Mỹ-Nhật Bản-Hà Lan, nhưng nước này sẽ tăng đầu tư vào lĩnh vực thiết bị sản xuất chip. Về lâu dài, Trung Quốc vẫn sẽ tìm ra cách để tự lực cánh sinh”.

Khi được hỏi về các hoạt động của mình ở Đông Nam Á, đại diện của Lam Research nói nnhững khó khăn về kinh tế vĩ mô, những hạn chế thương mại gần đây kìm hãm khả năng kinh doanh của hãng ở Trung Quốc. Do vậy, Lam Research buộc phải tìm cách cắt giảm chi phí. Trong khi đó, người phát ngôn cho biết KLA có nhân viên và hoạt động trên khắp thế giới, đồng thời tiếp tục đầu tư vào các khu vực bao gồm châu Á để giúp công ty tiếp tục đáp ứng nhu cầu cho khách hàng của mình.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới