Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các hãng công nghệ Mỹ chạy đua sản xuất chip công nghệ cao

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Intel, Microsoft và Nvidia gần như cùng lúc tái cam kết chiến lược phát triển chip công nghệ cao với các dự án phát triển mới hay trong báo cáo kinh doanh cuối quí.

Trong một nhà máy chip ở bang Arizona. Ngành chip Mỹ đang ráo riết cạnh tranh với Đài Loan và Hàn Quốc để lấy lại vị thế cũ. Ảnh: Getty Images

Intel tuyên bố sẽ cạnh tranh với TSMC và Samsung trong sản xuất chất bán dẫn công nghệ cao, giành vị trí thứ hai thế giới về gia công chip. Microsoft khẳng định tiếp tục tăng sức mạnh của chip AI đế cạnh tranh với Nvidia. Trong khi đó, Nvidia tin rằng chip AI sẽ giúp doanh thu của hãng tiếp tục tăng mạnh trong quí tới.

Intel: đặt mục tiêu là hãng gia công chip lớn thứ hai thế giới

Intel sẽ sản xuất chip tiên tiến 1,4 nm trong thời gian tới. Hãng chip Mỹ sẽ bước vào mảng gia công chất bán dẫn để cạnh tranh với TSMC – hãng sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới của Đài Loan.

“Hôm nay chúng tôi công bố Intel 14A lần đầu tiên. AI và chip AI đang thay đổi thế giới. Điều này mang đến cơ hội chưa từng có cho nhà thiết kế chip AI tạo sinh (GenAI) và cho Intel Foundry, nhà máy gia công chip theo hệ thống đầu tiên trên thế giới”, CEO Pat Gelsinger phát biểu tại sự kiện khai trương Intel Foundry Direct Connect.

Intel hiện đang tụt hậu so với TSMC của Đài Loan và Samsung Electronics của Hàn Quốc – hai hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thể giới – về số lượng bóng bán dẫn có thể ép trên một con chip. TSMC và Samsung hiện đang sản xuất chip 3 nm, trong khi Intel ở mốc 5 nm. Cả ba đầu đang chạy đua sản xuất chất bán dẫn 2 nm hoặc nhỏ hơn vào năm 2025.

Samsung đang đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt ở cấp độ 1,4 nm vào năm 2027. TSMC đang nhắm đến cột mốc 2027-2028. TSMC hiện dẫn đầu ngành công nghiệp chế tạo chất bán dẫn với thị phần gần 60%, theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint. Samsung đứng thứ hai với thị phần khoảng 13%, tiếp theo là UMC của Đài Loan với 6%.

Tại sự kiện Intel Foundry hôm 21-2, Gelsinger đã nhắc lại mục tiêu của Intel là trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ hai thế giới vào năm 2030 và cho biết AI đang thúc đẩy nhu cầu chất bán dẫn. Gã khổng lồ chip Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip nhằm ứng phó với những rủi ro địa chính trị.

Microsoft đã trở thành khách hàng đặt hàng chip Intel đầu tiên khi chọn quy trình 18A – công nghệ chip 1,8 nm – của Intel. Quá trình triển khai sản xuất chip 1,8 nm sẽ được thực hiện trong năm 2024 và chip 1,4 nm khoảng năm 2027.

Intel hy vọng sẽ giành lại vị thế dẫn đầu thế giới với chip Intel 18A vào năm 2025. Tuy nhiên, TSMC nói rằng công nghệ 2 nm của hãng Đài Loan “tiên tiến hơn” so với 18A vì “thời gian đưa ra thị trường sớm hơn, độ chín công nghệ tốt hơn và chi phí tốt hơn nhiều”.

“Các ngành công nghiệp lớn luôn có hai hoặc ba đối thủ mạnh. Tôi nghĩ TSMC là một công ty tuyệt vời và chúng tôi cũng sẽ xây dựng tên tuổi riêng. Cả hai sẽ thách thức nhau đạt được những đỉnh cao mới. TSMC sẽ luôn tập trung vào châu Á. Chúng tôi sẽ luôn hướng đến sự tập trung vào nước Mỹ”.

Microsoft: giới thiệu chip AI riêng cạnh tranh với Nvidia

Microsoft đã ra mắt chip AI riêng hồi tháng 11-2023 nhằm giảm sự phụ thuộc vào các con chip cao cấp hơn của Nvidia. Microsoft đang chật vật để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng với các con chip AI hiệu suất cao của Microsoft.

Azure Maia 100 là chip mới của Microsoft dùng cho các hệ thống đào tạo AI, được kỳ vọng có thể cạnh tranh với sản phẩm từ Nvidia.

Ra mắt tại hội nghị dành cho nhà phát triển Ignite ở Seattle giữa tháng 11-2023, Azure Maia 100 được Microsoft giới thiệu là "một trong những mẫu chip tiên tiến nhất theo công nghệ 5 nm với 105 tỉ bóng bán dẫn. Phó chủ tịch Rani Borkar nói Microsoft đang thử nghiệm cách Maia 100 đáp ứng khả năng huấn luyện chatbot AI trên công cụ tìm kiếm Copilot - tên mới của Bing Chat, trợ lý mã hóa GitHub Copilot và cả GPT-3.5-Turbo, một mô hình ngôn ngữ lớn từ OpenAI.

CEO Satya Nadella phát biểu trong một video công bố hôm 21-2: “Chúng ta đang ở giữa một sự thay đổi nền tảng rất thú vị. Quá trình này sẽ thay đổi căn bản năng suất của mọi tổ chức và toàn bộ ngành. Để đáp ứng quá trình thay đổi này, chúng ta cần một nguồn cung cấp chip cao cấp đáng tin cậy và chất lượng cao”.

Nvidia: doanh thu tăng hơn ba lần do bùng nổ AI

Nvidia đã nổi lên như là kẻ chiến thắng lớn nhất trong thời kỳ bùng nổ AI, với các con chip tiên tiến có tốc độ xử lý cao cho các mô hình AI.

Trong ba tháng kết thúc vào tháng 1, công ty có trụ sở tại California đã báo cáo doanh thu kỷ lục 22,1 tỉ đô la, tăng 265% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ròng tăng 769% lên 12,3 tỉ đô la. Nguồn doanh thu chính của công ty, các sản phẩm trung tâm dữ liệu, đạt doanh thu cao kỷ lục là 18,4 tỉ đô la, tăng 409% trong năm.

Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh hôm 21-2, Jensen Huang, người sáng lập và CEO của Nvidia phát biểu: “Về cơ bản, các điều kiện để tăng trưởng là tuyệt vời để tiếp tục tăng trưởng ấn tượng hơn trong năm 2024, 2025 và xa hơn. Yêu cầu về tốc độ tính toán và AI tạo sinh đạt đến đỉnh điểm. Nhu cầu đang tăng cao trên khắp thế giới, ở cấp độ công ty, ngành và quốc gia”.

Nvidia dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng hơn nữa trong quí sắp tới khi ngày càng nhiều công ty đầu tư vào phát triển các dịch vụ AI.  Trong quí từ tháng 2 đến tháng 4 tới, Nvidia dự báo doanh thu của hãng xoay quanh  mức ±2% của 24 tỉ đô la, tăng gần 10% và cao hơn ước tính của các nhà phân tích.

Dan Ives, CEO kiêm nhà phân tích nghiên cứu vốn cổ phần cấp cao tại hãng Wedbush Securities, cho biết: “Cuộc cách mạng AI bắt đầu với Nvidia. Theo quan điểm của chúng tôi, bữa tiệc AI chỉ mới bắt đầu và thật khó để tranh luận sau những con số và các buối báo cáo lạc quan như thế này”.

Doanh số bán hàng của Nvidia tại Trung Quốc, vốn luôn chiếm khoảng 20-25% doanh thu trung tâm dữ liệu của hãng, đã giảm "đáng kể" trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 do các hạn chế xuất khẩu chip mới nhất của Mỹ.

Dự kiến doanh thu sẽ tiếp tục giảm trong quí tới. Huang cho biết Nvidia đã "thiết lập lại" việc cung cấp sản phẩm của mình cho Trung Quốc và bắt đầu vận chuyển các chip cho khách hàng ở Trung Quốc theo các quy định mới của Mỹ.

Theo Nikkei Asia, Blomberg, Tech Wire Asia

1 BÌNH LUẬN

  1. Cả nước Mỹ, một đại cường quốc mạnh nhất về công nghệ chip, cũng chỉ có vài công ty dám tham gia cuộc chơi này. Nhưng chưa rõ cầm chắc thắng bại. Đây không phải là đấu trường dành cho nhiều công ty, hoặc địa phương này nọ, mà phải là cuộc chiến của cả một quốc gia có khát vọng cao, có nội lực mạnh mẽ. Một khi xác định được mục tiêu rõ ràng, thì mới có giải pháp thực sự khả thi. Mọi sự hồ hởi, hô hào đều không có ý nghĩa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới