(KTSG Online) - Các hãng smartphone hàng đầu của Trung Quốc đang tăng tốc xâm nhập thị trường Đông Nam Á với kỳ vọng phục hồi doanh số bán hàng trong thời gian tới và dòng ‘điện thoại gập’ đang được xem là ‘át chủ bài' cho chiến lược này.
- Samsung muốn duy trì vị trí nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam
- Mời gọi Apple, Boeing, Google mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam
Chọn Singapore làm thị trường bàn đạp để tiến sâu vào ASEAN
Hãng smartphone lớn thứ tư thế giới Oppo đã tổ chức buổi ra mắt toàn cầu cho hai loại điện thoại màn hình gập cao cấp N3 và Find N3 tại Singapore trong tháng 10-2023. Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua Oppo chọn Singapore cho một sự kiện như vậy.
Trao đổi với tờ Nikkei Asia, Andy Shi, Chủ tịch của Oppo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Singapore là một trung tâm quan trọng có ảnh hưởng kinh tế và chính trị đáng kể trong khu vực. Đảo quốc này là hội tụ lượng du khách khổng lồ. Những người dùng điện thoại cao cấp này là những người có ảnh hưởng chính trong khu vực. Vì thế, Oppo chọn đảo quốc này nhằm tận dụng lợi thế để phát triển hơn nữa trên thị trường. Sản phẩm chủ lực của Oppa trong vài năm tới là dòng điện thoại gập.
Theo ông Elvis Chu, giám đốc tiếp thị ở nước ngoài của Oppo, điện thoại gập là sản phẩm chủ lực giữa một thị trường đã bão hòa trong vài năm tới.
Ông Chu nói ngành sản xuất smartphone đang trên đà phục hồi vào năm 2024-2025, và điện thoại thông minh màn hình gập sẽ là chìa khóa cho sự tăng trưởng đó. "Dù lượng đơn hàng chưa cao, nhưng smartphone gập lại đang tăng hơn 100% mỗi năm. Giá bán trung bình cao hơn nhiều so với smartphone thông thường. Đây là lý do tại sao chúng tôi tập trung toàn lực vào thị trường điện thoại gập ở nước ngoài”, Elvis Chu nói.
“Với các mẫu điện thoại gập trước đây tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 30% người mua là người dùng Samsung chuyển sang và 30% là khách cũ sử dụng”, ông Chu trích dẫn dữ liệu bán hàng của Oppo để củng cố cho ý kiến của mình.
Oppo là hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba tại Singapore, với 16% thị phần. Theo hãng dữ liệu IDC, Samsung và Apple cùng nhau chiếm 71% thị phần. Trong đó dữ liệu của hãng Canalys cho thấy, Oppo cũng đã phát triển mạnh ở những nơi khác ở Đông Nam Á, lọt vào top đầu các hãng smartphone được sử dụng phổ biến ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.
Căn cứ sản xuất lớn nhất của Oppo là ở thành phố Đông Quan thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, hãng đã nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường nước ngoài. Dữ liệu của Canalys cho thấy Oppo là nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 ở Indonesia.
Đối thủ nhỏ hơn của Oppo là Tecno, thuộc sở hữu của Transsion Holdings, từ lâu đã tập trung vào các mẫu giá rẻ dành cho thị trường châu Phi. Nhưng nay Tecno bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở ASEAN. Hãng này cũng chọn Singapore là nơi ra mắt loại điện thoại màn hình gập mới nhất của mình. Hiện Tecno có cả hai loại điện thoại gập, kiểu thông thường như các dòng điện thoại gập cũ trước đây và loại mở ra, gập lại thì sẽ có màn hình lớn hơn.
Tecno dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 2024 bất chấp những bất ổn kinh tế vĩ mô toàn cầu.
“Tham vọng” vượt Samsung và Apple nhờ điện thoại gập
Theo Counterpoint Research, các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu được dự báo sẽ đạt tổng cộng khoảng 1,15 tỉ chiếc vào cuối năm nay, mức thấp nhất trong một thập niên và giảm 6% so với năm trước. Tuy vậy, điện thoại gập được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng giữa bối cảnh nhu cầu điện tử tiêu dùng trên toàn cầu đang suy giảm. Đây có thể là thị trường khổng lồ đến 100 triệu chiếc mỗi năm vào năm 2027, tăng từ mức 18,6 triệu chiếc hiện nay, tức hơn sáu lần – theo dữ báo của hãng thông tin thị trường Counterpoint.
Samsung đã dẫn đầu trong cuộc đua màn hình gập, trong khi Apple vẫn chưa trình làng iPhone màn hình gập. Các hãng Trung Quốc đang hy vọng giành được khách từ cả hai thương hiệu lớn trên.
Trước đây, tất cả chỉ là cuộc đua giữa Samsung và Apple ở Singapore nhưng từ bây giờ, các hãng Trung Quốc đã nhập cuộc với các chiến dịch có những nhân vật có ảnh hưởng (KOL/KOC) tham gia. Những khách hàng này nhắm đến khách hàng trẻ Đông Nam Á cho các phiên bản khác nhau của điện thoại gập.
Nhà phân tích thị trường Will Wong từ hãng dữ liệu thị trường IDC nói, Đông Nam Á là một trong số ít nơi mà các hãng Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội. "Tại sao họ đặt cược lớn vào ASEAN? Kinh tế châu Âu, Trung Đông đang chịu khủng hoảng xung đột quân sự. Thị trường Trung Quốc thì quá ngạt thở, nhất là khi Huawei quay trở lại. Các hãng Trung Quốc cũng nhận ra không có nhiều cơ hội ở thị trường Bắc Mỹ. Đông Nam Á là hy vọng và cơ hội duy nhất”.
Trong tháng 10 vừa rồi, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo rằng các thị trường châu Á mới nổi và các nước đang phát triển là khu vực có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 5% trong năm 2024, vượt xa mức triển vọng toàn cầu là hơn 3%. Động lực này dự kiến sẽ kéo dài hết năm 2025, với mức tăng trưởng dự kiến là 4,8%.
Transsion đã vượt qua Vivo để trở thành tập đoàn lớn thứ năm thế giới về sản lượng trong quí 2-2023 và duy trì đà tăng trưởng hết quí 3 vừa rồi. Dữ liệu của Canalys cho thấy Vivo đã thành công ở các thị trường mới nổi ở châu Phi và Mỹ Latinh để trở thành hãng số 1 ở nhiều nước, bao gồm cả ở Philippines và nằm trong top 5 công ty hàng đầu ở Indonesia.
Sheng Win Chow, nhà phân tích của Canalys nhận định, Đông Nam Á là nơi tốt để các hãng như Oppo và Transsion phát triển người dùng cao cấp vì Apple không chú trọng giành thị trường này.
Theo Nikkei Asia