(KTSG Online) - Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), sau ba năm thua lỗ vì đại dịch, các hãng hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại vào năm 2023 nhờ nhu cầu du lịch vẫn mạnh mẽ bất chấp nền kinh tế thế giới suy yếu.
- Các hãng hàng không muốn triển khai chuyến bay một phi công để giảm chi phí
- Hơn 20 hãng hàng không quốc tế quay trở lại Đà Nẵng
- Hàng chục hãng hàng không quốc tế kết nối đường bay đến Đà Nẵng
Theo báo cáo được IATA công bố vào hôm qua (6-12), các hãng hàng không trên toàn cầu sẽ đạt lợi nhuận ròng 4,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023 sau khi chịu khoản lỗ hơn 185 tỉ đô la Mỹ trong ba năm qua do các hạn chế hàng không và các hạn chế đi lại của các nước. Tổng lượt hành khách đi máy bay trong năm tới được dự báo đạt mức 4 tỉ.
Với năm 2022, IATA dự báo ngành hàng không sẽ thua lỗ 6,9 tỉ đô la Mỹ, cải thiện so với dự báo thua lỗ 9,7 tỉ đô la Mỹ mà IATA đưa ra trong một báo cáo hồi tháng 6.
Trong khi đó, thị trường vận chuyển hàng hóa, vốn đã trở thành nguồn hỗ trợ sự sống cho các hãng hàng không trong thời kỳ đại dịch Covid-19, sẽ tiếp tục chiếm một phần doanh thu đáng kể của ngành vào năm 2023, dù ở mức thấp hơn so với những năm gần đây.
“Doanh thu dự kiến của mảng vận tải hàng hóa vào năm 2023 là 149,4 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn 52 tỉ đô la Mỹ so với năm 2022 nhưng vẫn cao hơn 48,6 tỉ đô la Mỹ so với năm 2019,” theo báo cáo của IATA.
Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh, cựu Giám đốc điều hành của hãng bay British Airways (Anh), cho biết đà phục hồi kinh tế sẽ làm nổi bật khả năng bật dậy của ngành hàng không.
“Lợi nhuận dự kiến cho năm 2023 còn rất thấp. Nhưng điều vô cùng quan trọng là chúng ta đã xoay trở vượt qua khó khăn để chuyển sang có lợi nhuận”, ông nói.
Hành khách đã nhanh chóng quay trở lại bầu trời khi các hạn chế biên giới được nới lỏng ở hầu hết các nước trong năm nay. Nhu cầu đi lại hàng không trong năm 2023 dự kiến sẽ đạt 85,5% so với mức của năm 2019 và cải thiện từ mức 70% của năm 2019 trong năm nay, theo IATA.
Tuy nhiên, ông Walsh cảnh báo vẫn còn điều cần phải làm để đưa ngành hàng không trở lại đứng trên một nền tảng tài chính vững chắc.
Với lịch sử lợi nhuận của ngành phụ thuộc vào một nhóm các hãng hàng không Bắc Mỹ và châu Âu, Walsh cho biết nhiều hãng hàng không ở những nơi khác vẫn đang vật lộn với chi phí tăng cao bao gồm nhiên liệu, các quy định quản lý cồng kềnh và cơ sở hạ tầng kém hiệu quả.
Các hãng hàng không ở châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Á-Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục lỗ vào năm 2023. IATA nhận định, chính sách ‘zero Covid’ của Trung Quốc đã kìm hãm nghiêm trọng sự phục hồi của hoạt động đi lại hàng không khắp châu Á.
Trên toàn cầu, các hãng hàng không dự kiến chỉ đạt lợi nhuận 4,7 tỉ đô la Mỹ trên mức doanh thu kỷ lục 779 tỉ đô la Mỹ, với tỷ suất lợi nhuận ròng chỉ 0,6%, giảm mạnh so với mức 3,1% vào năm 2019.
“Với biên lợi nhuận mỏng như vậy, thậm chí một mức tăng chi phí không đáng kể cũng có thể khiến ngành hàng không toàn cầu từ vị thế cân bằng hiện nay chuyển sang trạng thái thua lỗ”, Walsh nói và cho rằng, các thách thức trong năm tới tương đối nhỏ so với những gì ngành đã trải qua.
Câu hỏi lớn nhất đối với ngành là liệu nhu cầu đi lại hàng không có thể tiếp tục duy trì mạnh mẽ hay không khi người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới phải thắt chặt “hầu bao” chi tiêu để chống chọi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát tăng vọt. Cho đến nay, không có hãng hàng không lớn nào báo cáo sự sụt giảm doanh thu đáng kể.
Tuần trước, Johan Lundgren, Giám đốc điều hành hãng bay giá rẻ easyJet của Anh, cho biết dữ liệu đặt vé cho thấy nhu cầu đi lại hàng không vẫn mạnh mẽ trong các giai đoạn cao điểm bao gồm Giáng sinh và năm mới sắp tới cũng như dịp Lễ Phục sinh vào tháng 4 năm sau.
Giá cổ phiếu của các hãng hàng không cũng đã tăng mạnh khi các nhà đầu tư lạc quan trước những dấu hiệu phục hồi này.
Chỉ số MSCI World Airlines Index, theo dõi giá cổ phiếu của các hãng bay lớn trên toàn cầu, tăng 23% kể từ đầu tháng 10, nhưng vẫn đang thấp hơn 1/3 so với mức trước đại dịch Covid-19.
Dự báo của IATA được đưa ra sau một năm hỗn loạn đối với du lịch hàng không, với việc hủy, trễ chuyến bay và nhân viên đình công thường xuyên xảy ra tại nhiều sân bay lớn ở các nước phương Tây, gây ra tình trạng quá tải, khiến hành khách mệt mỏi. Tuy nhiên, Walsh cho rằng hầu hết sự gián đoạn đã qua và hành khách sẽ được trải nghiệm du lịch suôn sẻ hơn trong tương lai.
“Tôi nghĩ phần lớn điều đó đã lùi lại phía sau. Chúng ta nên tự tin rằng những vấn đề đó đã được giải quyết. Chắc chắn hoàn toàn không có lý do gì để các sân bay không cung cấp dịch vụ tốt hơn khi chúng ta bước sang năm 2023”, ông nói.
Theo CNBC, Financial Times