Thứ Ba, 6/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các hãng hàng không xoay xở ra sao khi thiếu hụt máy bay?

Bình Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Do triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, các hãng hàng không Việt Nam đang tìm nhiều phương án, trong đó, bổ sung, thay thế các máy bay đang dừng khai thác.

Bay đêm hoặc sáng sớm là một trong những giải pháp các hãng đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu máy bay. Ảnh: Đạt Thành

Theo Cục Hàng không, năm 2023, tỷ lệ máy bay khai thác của các hãng nội địa trên tổng số máy bay được cấp AOC đạt 94,4%. Tuy nhiên, năm 2024, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 85,6%, TTXVN đưa tin..

Trong khi đó, Cục dự báo tổng thị trường vận tải hàng không năm nay sẽ đạt xấp xỉ 78,3 triệu khách và hơn 1,2 triệu tấn hàng hóa, tăng lần lượt 7,7% và 13,4% so với năm trước.

Để tăng nguồn cung cho thị trường hàng không nội địa, các hãng đã liên tục thông báo thuê máy bay trong thời gian gần đây. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Bamboo Airways đã thuê 3 máy bay, tập trung khai thác các địa điểm có nhu cầu cao vào dịp Hè.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, hãng này đã và đang tích cực bổ sung máy bay mới. Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc hãng hàng không này cho biết, công ty sẽ tiếp tục tăng cường đội bay, tập trung vào các tuyến bay nội địa như TPHCM – Đà Lạt, TPHCM – Thanh Hóa…

Theo dự báo của Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, tình trạng thiếu máy bay có thể kéo dài đến năm 2025. Để giảm thiểu tác động, hãng đã tạm dừng hoặc giảm tần suất một số tuyến ít hiệu quả, tăng cường giờ bay cho các chuyến khác và tăng cường thuê máy bay.

Hãng hàng không quốc gia sẽ tập trung khai thác các chuyến bay đêm hoặc sáng sớm với giá vé ưu đãi. Theo ghi nhận của hãng, tỷ lệ lấp đầy các chuyến từ 21:00 đến 5:00 vào tháng 5, 6 đến các điểm du lịch đạt mức cao, từ 75-94%.

Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết công ty có kế hoạch nhận 10 máy bay từ này đến cuối năm. Sang năm 2025, hãng cũng sẽ nhận thêm nhiều máy bay khác từ Boeing và Airbus.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Đỗ Hồng Cẩm đã chỉ ra rằng việc giá thuê tăng cao cùng sự biến động của giá nhiên liệu và tỷ giá ngoại tệ, đã gây áp lực lên các hãng, dẫn đến tình trạng giá vé nội địa tăng cao.

Sản lượng vận chuyển hàng không trong 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 37,5 triệu khách, tăng 3,7% so với cùng kỳ và bằng 96% cùng kỳ năm 2019, chủ yếu là từ thị trường quốc tế với sản lượng đạt 20,2 triệu khách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới