Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các hãng vận tải biển có thể lao vào cuộc chiến giá cước trong năm 2023

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, năng lực vận tải biển bị hạn chế khiến giá cước vận chuyển container tăng cao ngất ngưỡng đã xảy ra trong hai năm qua. Tuy nhiên, năm 2023 sẽ khá khác biệt, các hãng vận tải biển có thể phải bước vào cuộc đua giảm giá cước để giành khách hàng.

Các hãng vận tải biển có thể sẽ bước vào một cuộc chiến giá cước trong năm 2023 vì  nhu cầu suy giảm, công suất dư thừa. Ảnh: lloydslist

Giá cước container giao ngay bắt đầu giảm vào đầu năm 2022. Tốc độ giảm nhanh hơn vào nửa cuối năm. Chỉ số giá cước container thế giới do Công ty tư vấn vận tải biển Drewry Shipping Consultants tổng hợp, giảm 77% từ đầu năm đến nay.

Chỉ số này có thể trượt xuống sâu hơn nữa, báo hiệu sự kết thúc của chu kỳ kiếm lợi nhuận kỷ lục đối với các hãng vận tải biển. Giá cước vận chuyển container hiện nay không cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch Covid-19.

Một cuộc chiến giá cước giữa các hãng vận tải biển có vẻ như sẽ xảy ra vào năm tới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, thậm chí lạm phát và lãi suất cao ở Mỹ cũng như khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể dẫn đến các cơn suy thoái kinh tế. Nhu cầu khựng lại đúng lúc ngành vận tải biển đang chuẩn bị nhận một loạt tàu container mới.

Drewry dự báo, năm 2023 sẽ chứng kiến lượng tàu mới được bổ sung lớn nhất từ trước đến nay, với tổng cộng suất khoảng 2,5 triệu container 20 feet (TEU), trừ khi một số đợt giao hàng bị hoãn lại.

Do vậy, các hãng vận tải biển sẽ phải chật vật để quản lý sự suy giảm thương mại toàn cầu cùng lúc với sự gia tăng nguồn cung tàu trừ khi những doanh nghiệp này có thể thành lập các liên minh để cắt giảm các chuyến tàu, bán công suất dư thừa và thuyết phục khách hàng ký hợp đồng dài hạn

Alexia Dogani, nhà phân tích của Ngân hàng Barclays, nhận định giá cước vận chuyển container sẽ chưa ổn định cho đến khi nền kinh tế toàn cầu cải thiện, chu kỳ giải phóng hàng tồn kho dư thừa kết thúc và thói quen của người tiêu dùng ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 trở về trạng thái bình thường.

Cho đến lúc đó, các hãng vận tải biển sẽ cần phải đàm phán với khách hàng để ký kết các hợp đồng vận chuyển hàng hóa dài hạn. Nhà vận chuyển vẫn có một số lập luận xác đáng để thuyết phục khách hàng làm như vậy. Đó là, hậu quả khó lường của việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế và rủi ro xảy ra những gián đoạn hơn nữa trong chuỗi cung ứng liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine hoặc các điểm nóng địa chính trị khác như Đài Loan.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sẽ không dễ dàng. Khi giá cước vận tải container giao ngay đang giảm nhanh, giá cước cho hợp đồng dài hạn dự kiến cũng giảm theo. Christian Roeloffs, Giám đốc điều hành của Container xChange, một nền tảng trực tuyến cho dịch vụ hậu cần container, nhận định các công ty giao nhận vận tải có thể chủ yếu quan sát thị trường trong 2023 ,đặc biệt là trong những tháng đầu năm.

Theo ông, khả năng cao sẽ xảy ra một cuộc chiến giá cước toàn diện trong năm 2023. "Chúng tôi dự báo giá cước vận chuyển container sẽ giảm xuống hơn nữa và sự hợp nhất sẽ diễn ra trên thị trường vận tải biển”, ông nói.

Container xChange cũng lưu ý rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng của các hãng vận tải biển. Ví dụ, các thông tin hiện nay cho thấy hãng vận tải biển CHINA United Lines (Trung Quốc) có nguy cơ vỡ nợ đối với một hợp đồng thuê hơn 10 tàu container.

Các nhà đầu tư của Maersk (Đan Mạch), hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới, xử lý khoảng 20% tổng lượng container trên toàn cầu, có lẽ nhận ra những khó khăn sắp tới của ngành vận tải biển. Cổ phiếu của Maersk giảm 32% trong năm nay, giảm mạnh hơn chỉ số chuẩn OMX Copenhagen của thị trường chứng khoán Đan Mạch.

Những bất ổn địa chính trị hiện nay vẫn mang lại cho các hãng vận tải biển một số lợi thế đàm phán với khách hàng. Tuy nhiên, thời kỳ kinh doanh bùng nổ đã qua.

Hãng tư vấn vận tải biển Xeneta dự báo khối lượng hàng hóa  vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu trong năm 2023 có thể suy giảm 2,5%.

Theo Patrik Berglund, Giám đốc điều hành Xeneta, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang bào mòn sức chi tiêu của người tiêu dùng, khiến người dân giảm sử dụng hàng hóa đóng gói nhập khẩu. Giá cước vận chuyển container trên thị trường giao ngay có thể giảm trở lại mức trước đại dịch Covid-19 trên một số tuyến đường biển trong năm 2023. Giá cước đối với các hợp đồng dài hạn cũng sẽ giảm mạnh.

"Chúng tôi dự báo khối lượng hàng hóa vận chuyển hàng hóa đường biển trên toàn cầu sẽ giảm, có thể khoảng 2,5%. Nếu tình hình kinh tế xấu hơn nữa, mức suy giảm này sẽ càng tồi tệ hơn”, ông nói.

Trong khi đó, Alan Murphy, Giám đốc điều hành và người sáng lập Công ty tư vấn Sea-Intelligence lại cho biết thị trường container đang trở lại bình thường. Tuy nhiên,  ông đặt câu hỏi liệu thị trường sẽ trở về mức bình thường trước đại dịch trong năm 2019 hay rơi vào kịch bản tồi tệ hơn nhiều vào 5-6 năm trước.

Năm 2109 là năm tương đối tốt đối với dịch vụ vận tải container còn năm 2020 - 2022 là giai đoạn rất tốt với ngành này.

Điểm khác biệt chính so với các thời kỳ khó khăn trước đây là các hãng vận tải biển hiện nắm một lượng tiền mặt khổng lồ. Mức lãi những hãng này kiếm được trong 6 tháng đầu năm 2022 ngang bằng với 10 năm trước đại dịch cộng lại.

Murphy nhìn thấy hai kịch bản có thể diễn ra: các hãng vận tải biển buộc phải cắt giảm nhân sự ngay từ bây giờ hoặc bước vào một cuộc chiến giá cước.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng nhiều khả năng chúng ta đang bước vào trong một cuộc chiến giá cước”, ông nói và nhận định có 80% xác suất xảy ra cuộc chiến giá cước. Điều mà các hãng vận tải biển đang lo ngại là một cuộc chiến giá cước kéo dài có thể dẫn đến cơn suy sụp của thị trường giống như thời kỳ 2009-2010.

Theo WSJ, Phaata

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới