Chủ Nhật, 8/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các hãng xe điện Trung Quốc trong cuộc chiến khốc liệt về giá cả

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Xe điện hiện đã chiếm hơn một nửa doanh số bán xe mới tại Trung Quốc. Tuy nhiên, với phần lớn các thương hiệu, ngay cả những tên tuổi lớn như Xpeng, Zeekr hay Xiaomi, con đường hướng tới kinh doanh có lãi hiện vẫn còn rất dài.

Khi doanh số tăng chưa chắc đã đi kèm với lợi nhuận

Theo Hiệp hội Ô tô Trung Quốc, trong tháng 7, đã có tổng cộng 878.400 xe thuần điện và xe hybrid được giao tới khách hàng tại thị trường Trung Quốc đại lục, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2023. Xe điện đã chiếm 51,1% tổng số xe được bán ra tại thị trường Trung Quốc, nơi đóng góp tới hơn 60% doanh số bán xe điện toàn cầu.

Đâ là lần đầu tiên xe điện chiếm trên 50% doanh số bán xe mới tại thị trường Trung Quốc đại lục. Sự bùng nổ mạnh mẽ này có được là nhờ các biện pháp ưu đãi mạnh tay của chính phủ và sự mở rộng nhanh chóng của cơ sở hạ tầng sạc xe điện.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng về doanh số chưa hẳn đã đi kèm với lợi nhuận. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, bất chấp việc số lượng xe được bán ra tăng mạnh, triển vọng lợi nhuận của các nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc vẫn khá ảm đạm. Lý do chính là bởi cuộc cạnh tranh về giá vẫn đang diễn ra hết sức khốc liệt.

Tính đến hiện tại, các báo cáo kinh doanh cho thấy, mới chỉ có hai công ty xe điện Trung Quốc là BYD và Li Auto đạt được kết quả kinh doanh có lãi. Khoảng 30 công ty khác hiện vẫn đang phải đối mặt với áp lực hạn chế thua lỗ, ngay cả khi dự báo doanh số tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới là rất khả quan.

Ba nhà sản xuất xe điện đã công bố báo cáo tài chính quí 2 bao gồm Xpeng, Zeekr Intelligent Technology và Leapmotor đều rơi vào tình trạng thua lỗ, với mức lỗ tổng cộng là 42,9 tỉ nhân dân tệ (tương đương khoảng 6 tỉ đô la Mỹ).

Trên thực tế, con số này đã giảm khoảng 20% so với mức thua lỗ 53,5 tỉ nhân dân tệ của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ để xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư về việc cuộc cạnh tranh giảm giá xe điện, có thể làm tê liệt ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

“Thời gian đang chống lại nhiều công ty vì họ cần phải cố gắng tồn tại trong cuộc chiến giá cả ngày càng khốc liệt”, ông David Zhang, Tổng thư ký của Hiệp hội Kỹ thuật xe thông minh Quốc tế, cho biết “khi cạn kiệt nguồn tiền mặt trong bối cảnh thua lỗ nặng nề, một số nhà sản xuất ô tô sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp của mình”.

Hôm thứ Tư tuần trước, nhà cung cấp điện thoại thông minh Xiaomi, từng có màn ra mắt thành công trên thị trường xe điện vào tháng 3, cho biết rằng sẽ phải mất một thời gian trước khi liên doanh mới của họ có thể tạo ra lợi nhuận do chi phí khổng lồ cho nghiên cứu và phát triển cũng như tiếp thị.

Mẫu xe sản xuất đầu tiên của công ty, SU7 được đánh giá là một trong những mẫu xe điện thành công nhất trong năm. Theo báo cáo tài chính mới nhất, kể từ khi bắt đầu giao xe cho khách hàng hôm 3-4 với mức giá khởi điểm là 215.900 nhân dân tệ, Xiaomi đã bán được tổng cộng 27.307 chiếc SU7 tại thị trường Trung Quốc đại lục trong quí 2.

Mức lỗ mà Xiaomi phải gánh chịu từ việc bán SU7 có thể rất lớn. Vào tháng 4, Citigroup ước tính trong một báo cáo nghiên cứu rằng nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba của Trung Quốc có thể ghi nhận mức lỗ ròng 4,1 tỉ nhân dân tệ trong mảng kinh doanh xe điện.

Ước tính này dựa trên khối lượng xe được giao, dự kiến ​​là 60.000 chiếc trong năm 2024. Điều đó tương đương với khoản lỗ 68.000 nhân dân tệ cho mỗi chiếc xe được bán ra. Mức lỗ thậm chí có thể còn lớn hơn nữa, bởi trong báo cáo tài chính mới công bố Xiaomi cho biết hãng đặt mục tiêu giao 120.000 xe điện trong cả năm nay.

Một tên tuổi lớn khác là Xpeng có trụ sở tại Quảng Châu cũng đã báo cáo khoản lỗ ròng 1,28 tỉ nhân dân tệ trong quí 2, dù có ghi nhận một số tín hiệu cải thiện. Mức thua lỗ đã giảm 6,6% so với khoản lỗ 1,37 tỉ nhân dân tệ trong quí 1, trong khi doanh thu tăng 23,8% so với quí 1 lên 8,1 tỉ nhân dân tệ.

Zeekr, nhà sản xuất xe điện cao cấp thuộc sở hữu của Geely Auto, đã ghi nhận khoản lỗ ròng 1,81 tỉ nhân dân tệ trong giai đoạn ba tháng kết thúc vào tháng 6 mặc dù doanh thu hàng quí đạt mức kỷ lục là 20 tỉ nhân dân tệ.

Cuộc chiến giá cả vẫn sẽ khốc liệt

Ngay cả với những hãng xe có lãi như BYD hay Li Auto, tình hình cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi. Các hãng xe này đều ghi nhận kết quả thấp hơn dự kiến, hoặc mức tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước đó.

Báo cáo mới công bố của BYD cho thấy lợi nhuận ròng của hãng trong sáu tháng đầu năm đạt 13,6 tỉ nhân dân tệ (1,9 tỉ đô la Mỹ), tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kém hơn nhiều so với mức tăng gấp 3 lần đã đạt được trong nửa đầu năm 2023.

Trước đó, hồi tháng 2, chính BYD – nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, đã khai hỏa loạt đạn đầu tiên trong cuộc chiến giá cả tại Trung Quốc đại lục, khi giảm giá gần như tất cả các loại xe của mình từ 5-20 %.

Tương tự, Li Auto – nhà sản xuất xe điện lớn thứ ba thế giới, chỉ ghi nhận mức lợi nhuận ròng 1,1 tỉ nhân dân tệ trong quí 2, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 1,82 tỉ nhân dân tệ mà Bloomberg đưa ra. Kết quả này cũng giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy áp lực từ việc công ty hạ giá toàn bộ dòng xe điện của mình hồi tháng 4.

Một báo cáo của Goldman Sachs cho biết, ngay sau khi BYD châm ngòi cho cuộc chiến giảm giá, giá của 50 mẫu xe thuộc nhiều thương hiệu khác nhau tại Trung Quốc đã giảm trung bình 10%. Theo Deutsche Bank, hầu hết các công ty đều sẵn sàng giảm giá mạnh tay để đạt được mục tiêu về doanh số bán hàng.

Chen Jinzhu, Tổng giám đốc điều hành của Công ty tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service, cho biết: “Họ phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc mất thị phần nếu không tham gia vào cuộc cạnh tranh về giá với đối thủ, hoặc vật lộn với những khó khăn khi việc giảm giá đồng thời cũng làm giảm biên lợi nhuận của họ. Cuộc chiến giá cả dường như gây bất lợi cho tất cả các nhà sản xuất ô tô”.

Thực vậy, cuộc chiến hạ giá kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất xe điện Trung Quốc. Goldman Sachs ước tính rằng lợi nhuận của toàn bộ ngành công nghiệp này có thể rơi về mức âm trong năm nay nếu BYD tiếp tục cắt giảm giá bán xe thêm 7%, tức là giảm 10.300 nhân dân tệ so với mức giá hiện tại.

Áp lực tiếp tục đè nặng lên ngành xe điện Trung Quốc

Không chỉ gặp thách thức tại thị trường nội địa, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, được cho là dẫn đầu về năng lực sản xuất và phát triển trên toàn thế giới, cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng ở nước ngoài.

Hồi tháng 5, Mỹ đã công bố quyết định tăng gấp 4 lần thuế quan đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, lên mức 100%. Hồi háng trước, các mức thuế bổ sung từ 17,4-37,6% cũng đã có hiệu lực tạm thời tại Liên minh châu Âu (EU). Mới đây nhất, hôm thứ Hai tuần trước, Canada đã trở thành quốc gia tiếp theo tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu sản xuất tại Trung Quốc.

Áp lực từ cả thị trường trong và ngoài nước, đang khiến giới chức Trung Quốc phải đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ ngành xe điện.

Hồi tháng 4, Bắc Kinh đã triển khai các ưu đãi để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô trong nước, trong đó, người tiêu dùng khi thay thế xe sử dụng động cơ truyền thống bằng xe điện sẽ nhận được khoản trợ cấp 10.000 nhân dân tệ cho mỗi chiếc xe.

Chỉ ba tháng sau đó, khoản trợ cấp này đã được tăng gấp đôi, lên 20.000 nhân dân tệ/chiếc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức tăng doanh số dự kiến ​đạt được ​từ chương trình ưu đãi này sẽ là không đủ để hỗ trợ lợi nhuận của các nhà lắp ráp xe điện, vốn đang lún sâu vào cuộc chiến giảm giá.

Ông Nick Lai, chuyên gia phân tích của JPMorgan, nhận định nếu cuộc cạnh tranh về giá tiếp tục leo thang, thị trường xe điện Trung Quốc sẽ đối mặt với biến động lớn khi các công ty hoạt động kém hiệu quả buộc phải đóng cửa.

Tương tự, khi được các phóng viên hỏi về thời điểm cuộc chiến giá cả tại thị trường xe điện Trung Quốc sẽ kết thúc, giám đốc điều hành của Geely Automobile Holdings, Li Donghui, đã không đưa ra dự báo cụ thể, nhưng cho biết năng lực của một công ty ô tô phụ thuộc vào khả năng tạo ra lợi nhuận của công ty đó.

“Thật khó để tưởng tượng rằng một công ty ô tô không kiếm được tiền trong nhiều năm và cũng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào về lợi nhuận trong những năm tới. Tôi nghĩ rằng một công ty như vậy không thể tiếp tục tồn tại”, ông Li Donghui kết luận.

Nguồn: SCMP, Nikkei Asia, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới