Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các kho dự trữ kim loại công nghiệp cạn kiệt vì chi phí năng lượng kìm hãm sản xuất

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các kho dự trữ của một số kim loại công nghiệp quan trọng nhất thế giới đã giảm xuống mức thấp đáng báo động khi giá điện cao kỷ lục ở châu Âu kìm hãm hoạt động sản xuất và chiến sự Ukraine làm gián đoạn nguồn cung từ Nga. Tình trạng thiếu hụt tồn kho này đe dọa đẩy tăng giá một loạt kim loại từ nhôm cho đến kẽm.

Nhôm thỏi bên ngoài một nhà kho của sàn LME trong khu thương mại tự do cảng Klang ở Malaysia. Ảnh: Reuters

Lượng tồn kho của nhôm, đồng, nickel và kẽm, 4 trong số các kim loại chính giao dịch trên sàn giao dịch kim loại London (LME), trung tâm giao dịch kim loại của thế giới, đã giảm tới 70% trong năm qua, do các thương nhân và những công ty tiêu thụ lớn đã rút chúng khỏi các nhà kho của sàn này với tốc độ chưa từng có. Các kho dự trữ kim loại cơ bản của sàn LME đang ở mức thấp nhất kể từ 1997. Điều này diễn ra giữa lúc nhu cầu tăng bùng nổ khi các nền kinh tế phục hồi từ các đợt phong tỏa kiểm soát đại dịch Covid-19 và cơn rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong những tuần gần đây, xu hướng tồn kho giảm rõ rệt nhất là đối với  kẽm, khi giá kim loại này tăng 2,8% vào hôm 12-4, lên mức cao nhất trong 16 năm, gần 4.400 đô la Mỹ / tấn. Kẽm được sử dụng để làm lớp mạ cho thép xây dựng, sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị gia dụng .

Kể từ đầu tháng 3, nguồn dự trữ kẽm có sẵn ở các kho của LME đã giảm gần 60.000 tấn xuống mức thấp nhất trong 2 năm, chỉ còn hơn 45.000 tấn.

Các nhà phân tích cho rằng giá khí đốt đắt kỷ lục và giá điện tăng cao là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm lượng kẽm tồn kho. Trong vài tháng qua, giá điện tăng liên tục đã buộc các công ty giao dịch kim loại và luyện kim như Glencore, Trafigura, Norsk Hydro và những công ty khác phải cắt giảm sản lượng tại các nhà máy luyện kẽm và nhôm của họ, vốn đang hoạt động thua lỗ.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt trong sản xuất, một số công ty trên đã rút nguồn hàng dự trữ từ các kho nằm trong và ngoài hệ thống LME để đáp ứng các nghĩa vụ hợp đồng với các khách hàng trong ngành sản xuất. Lượng kẽm ở các kho dự trữ của LME giảm đến hơn 60% chỉ trong vòng 3 tuần do Trafigura đăng ký rút ra với khối lượng lớn.

Trong khi đó, thị trường nickel vẫn đối mặt với rủi ro biến động hơn nữa.

Hoạt động sản xuất các kim loại như nhôm và kẽm chịu áp lực lớn ở châu Âu do giá điện tăng cao, khiến một số nhà máy không có lãi và buộc phải đóng cửa.

Nhà phân tích Marius van Straaten ở Ngân hàng Morgan Stanley viết trong một báo cáo gần đây: “Giá điện hiện tại có thể thúc đẩy các nhà máy luyện kim giảm công suất hơn nữa và những quyết định cắt giảm này có thể diễn ra nhanh hơn đối với kẽm so với nhôm trong thời gian tới”.

Sự suy giảm nguồn hàng ở các kho dự trữ kẽm diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với LME khi sàn giao dịch này buộc phải tạm ngừng giao dịch bằng nickel vào đầu tháng khi giá kim loại này tăng sốc hơn 250% chỉ trong vài ngày.

Đà suy giảm tồn kho các kim loại công nghiệp có thể đẩy tăng giá của chúng trên sàn LME khi các thương nhân và nhà sản xuất đóng vị thế bán khống bằng cách mua lại các hợp đồng, thay vì giao nguồn hàng đang ký gửi tại một trong các kho của LME.

Sản lượng bị cắt giảm là một trong những yếu tố đằng sau tình trạng căng thẳng trên các thị trường kim loại. Các lo ngại về việc các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể làm gián đoạn nguồn cung đồng và nickel từ Nga, cũng đẩy giá hai kim loại này tăng cao.

Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo tồn kho kim loại đồng có thể dần cạn kiệt. Họ dự báo nguồn cung đồng tinh luyện sẽ tăng chậm hơn nhu cầu khoảng 375.000 tấn trong năm nay, tức gấp đôi con số ước tính trước đây và lớn đủ để làm tiêu hao sạch các nguồn dự trữ có thể tính toán được vào cuối năm nay. Nick Snowdon, nhà phân tích của Goldman Sachs, cho rằng giá đồng tăng lên các mức cao hơn trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi, đòi hỏi thị trường phải tìm kiếm thêm nguồn cung đồng phế liệu.

“Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư vẫn chủ quan trước các rủi ro đối với nguồn cung đồng từ Nga vì chúng không gây ra tác động mạnh mẽ và tức thời giống như những gì đã diễn ra trên các thị trường ngũ cốc hay năng lượng”, Nick Snowdon viết trong một báo cáo gửi cho khách hàng.

Theo Financial Times, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới