Các kỳ lân công nghệ Đông Nam Á chạy đua IPO
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Grab, Traveloka, Gojek và Tokopedia, bốn kỳ lân khởi nghiệp (công ty khởi nghiệp có mức định giá từ 1 tỉ đô la trở lên) hàng đầu ở Đông Nam Á, đều đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ. Giới phân tích nhận định họ sẽ quyết liệt chạy đua IPO để trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên ở Đông Nam Á lên sàn trong năm 2021.
Grab, Traveloka, Gojek và Tokopedia, bốn kỳ lân khởi nghiệp hàng đầu ở Đông Nam Á, đều lên kế hoạch IPO trong năm nay. Ảnh: KrAsia. |
Ráo riết lên kế hoạch IPO
Giới phân tích dự báo năm 2021 sẽ là một năm sôi động đối với hệ sinh thái công nghệ ở Đông Nam Á khi những công ty khởi nghiệp (startup) lớn nhất trong khu vực nhắm đến thực hiện các thương vụ IPO.
Cuối năm 2020, Tokopedia, startup thương mại điện tử lớn nhất Indonesia, cho biết đang cân nhắc các phương án IPO bao gồm thông qua việc sáp nhập vào một công ty thâu tóm vì mục đích đặc biệt (SPAC) tại Mỹ. Startup này đã chỉ định hai ngân hàng Morgan Stanley và Citigroup làm nhà tư vấn cho thương vụ IPO.
Chẳng bao lâu sau đó, Traveloka (Indonesia), một startup về lữ hành trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á, cho hay cũng đang xem xét tiến hành IPO qua con đường tương tự. Traveloka trải qua cơn chấn động mạnh hồi năm ngoái khi hoạt động kinh doanh của ngành du lịch và khách sạn gần như tê liệt trên toàn thế giới. Song trong cuộc trao đổi với Bloomberg hồi tháng 1, Giám đốc điều hành Traveloka, Fery Unardi, nói rằng hoạt động kinh doanh đang phục hồi.
Traveloka được cho là tiến hành các cuộc đàm phán với một số công ty SPAC ở Mỹ bao gồm Bridgetown Holdings, công ty được người đồng sáng lập PayPal, Peter Thiel, rót vốn.
Sau khi đàm phán sáp nhập thất bại, hai nền tảng công nghệ và gọi xe lớn nhất Đông Nam Á Grab và Gojek chọn lối đi riêng. Gojek đang đàm phán sáp nhập với Tokopedia trước khi tiến hành IPO, trong khi đó, Grab có thể tiến hành IPO ở Mỹ trong năm nay.
Các nhà đầu tư thường kỳ vọng các công ty nằm trong danh mục của họ phải tiến hành IPO trong một thời hạn nhất định để họ có thể chốt lời. Nếu không IPO như cam kết, công ty đó có thể chịu trách nhiệm bồi thường những khoản tiền lớn theo giao ước. Ví dụ, Grab sẽ nợ Uber 2 tỉ đô la Mỹ nếu không niêm yết cổ phiếu vào thời hạn cuối là tháng 3-2023 theo thỏa thuận giữa hai công ty này sau khi Uber đồng ý bán mảng hoạt động ở Đông Nam Á cho Grab vào năm 2018. Trong khi đó, một thương vụ IPO thành công có thể mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư sớm.
Bốn startup Grab, Gojek, Tokopedia và Traveloka có thể chọn phương án IPO ở New York, nơi Sea Group (sở hữu Shopee), trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên ở Đông Nam Á tiên phong niêm yết cổ phiếu.
Mức định giá tốt hơn nếu niêm yết cổ phiếu sớm
Những người sáng lập của Grab, Gojek, Tokopedia và Traveloka đều bày bỏ tham vọng giúp công ty của sinh lãi kể từ năm 2019. Áp lực này tăng lên hồi năm ngoái khi tác động của đại dịch Covid-19 khiến các nhà đầu tư thúc bách họ nhanh chóng tạo ra lợi nhuận. Tiến hành IPO sẽ giúp các nhà đầu tư thoái vốn để chốt lãi. Nếu IPO thành công, bốn startup công nghệ của Đông Nam Á này sẽ mở ra các kênh huy động tiền mặt lớn từ Mỹ cho các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào thị trường công nghệ Đông Nam Á.
“Thị trường đại chúng đã phản ánh ‘khẩu vị’ đầu tư ở không gian công nghệ Đông Nam Á nhưng mọi người cần nhìn xa hơn, ngoài Sea Group, để nhận diện mức độ quan tâm của thị trường trong các sự lựa chọn đầu tư vào các công ty công nghệ của khu vực”, ông Gabriel Li, đối tác ở hãng luật Withers KhattarWong (Singapore), nói.
Là một công ty công nghệ kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử, video game và thanh toán số, Sea Group đang trở thành ‘con cưng’ của thị trường đại chúng của Mỹ. Năm ngoái, các cổ đông của Sea Group đã lãi đậm trên giấy tờ nhờ giá cổ phiếu của công ty này tăng đến 400% sau hai năm lình xình. Đà tăng giá cổ phiếu mạnh mẽ giúp vốn hóa của Sea Group tăng thêm 6 tỉ đô la.
Vị chuyên gia này cho rằng cơn tăng giá cổ phiếu Sea Group có thể khuyến khích các công ty công nghệ khác trong khu vực tiến hành IPO sớm để cạnh tranh thu hút vốn.
Hiện tại, chỉ có một vài lựa chọn cho những nhà đầu tư muốn rót tiền vào ngành công nghệ của Đông Nam Á. Ông Gabriel Li cho rằng việc niêm yết cổ phiếu sớm ở New York sẽ giúp các công ty công nghệ trong khu vực tận dụng được thời cơ tốt nhất, giống như ‘rèn sắt khi đang nóng đỏ’.
Ông nhận định trong số bốn startup Grab, Gojek, Tokopedia và Traveloka, công ty nào IPO sớm hơn, sẽ có mức định tốt hơn giữa lúc giới đầu tư Mỹ và Trung Quốc đều đang đưa các công ty này vào tầm ngắm.
Gojek đang đàm phán sáp nhập với Tokopedia trước khi tiến hành IPO ở Mỹ, trong khi đó, Grab cũng lên kế hoạch IPO ở Mỹ trong năm nay. Ảnh: Vulcan Post |
Ông Masana Takahashi, người sáng lập Công ty kiểm toán và tư vấn tài chính doanh nghiệp Jidobox (Singapore), cho rằng mức độ quan tâm của giới đầu tư vào các công ty này phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế cơ bản ở những thị trường mà họ đang hoạt động.
“Có hai dạng nhà đầu tư chính: nhỏ lẻ và tổ chức. Nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đánh giá cao thị trường Indonesia và sẽ đầu tư vào Gojek hoặc Tokopedia. Họ biết Indonesia có dân số đông và nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, vì vậy, họ sẽ mua các cổ phiếu công nghệ của Indonesia. Các nhà đầu tư tổ chức có xu hướng xây dựng một danh mục phòng chống rủi ro, vì vậy, họ sẽ chọn đầu tư vào các công ty đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế ở đất nước của các công ty này”, ông Takahashi nói.
Cũng giống như ông Gabriel Li, ông Takahashi nhất trí rằng công ty nào trong số bốn công ty trên tiến hành IPO đầu tiên sẽ nhận được mức định giá cao hơn.
Cạnh tranh với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc
Nhiều nhà đầu tư tổ chức gặt hái lợi nhuận ở mức khó tin nhờ mức tăng giá cổ phiếu nhiều lần của các công ty công nghệ Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ. Song cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đặt ra hoài nghi lớn về tương lai của các công ty công nghệ Trung Quốc đang niêm yết cổ phiếu ở New York.
Theo GlobalData, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thể có thể khiến các công ty Trung Quốc còn không hứng thú IPO ở Mỹ. Thực tế, nhiều công ty Trung Quốc đang cân nhắc niêm yết bổ sung ở sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Đó là một trong những lý do có thể khiến các công ty công nghệ Đông Nam Á trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ.
Đông Nam Á là nền kinh tế kinh tế lớn thứ tư thế giới và là nơi có lực lượng dân số trẻ, chuộng sử dụng các công nghệ mới trong đời sống hàng ngày. Khu vực này có 400 triệu người dùng internet và con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Điều này mở ra tiềm năng tăng trưởng lớn cho các công ty công ty công nghệ trong khu vực, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng khi ra quyết định đầu tư.
Ông Gabriel Li nói: “Dòng vốn đầu tư vào Đông Nam Á có thể tăng bền vững nhờ khu vực này được ghi nhận là một thị trường mới nổi đầy sức sống”.
Tuy nhiên, tính phân mảnh của thị trường ở Đông Nam Á có thể là một thách thức và các nền tảng cơ bản của nền kinh tế khu vực này không vững chắc như ở Trung Quốc. Vì vậy, ít có khả năng các công ty công nghệ Đông Nam Á sẽ nhận được sự quan tâm nồng nhiệt trên thị trường chứng khoán Mỹ giống như một số công ty công nghệ Trung Quốc, theo nhận định của Takahashi.
“Trung Quốc có khoảng 300 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, vì vậy, nước này có sức mua tương đương một nước phát triển. Đây là sự khác biệt lớn so với Đông Nam Á”, ông Takahashi nói.
Dù các "ông lớn" công nghệ Đông Nam Á có kế hoạch kinh doanh dài hạn đầy hứa hẹn, giá cổ phiếu của họ có thể đi ngang hoặc giảm sau khi niêm yết lần đầu ở Mỹ giống như những gì cổ phiếu Sea Group đã trải qua,
Takahashi nhận định: “Nếu các chỉ số tài chính của họ không hấp dẫn, họ sẽ không thu hút các nhà đầu tư. Đa số giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ còn xa lạ với Đông Nam Á và bạn có lẽ không muốn đầu tư vào các tài sản mà bạn không biết rõ. Trừ phi các công ty công nghệ khổng lồ này có thể chứng minh rằng họ sẽ đạt tăng trưởng mạnh mẽ như Sea Group, không nhà đầu tư nào sẽ chú ý đến các công ty đang thua lỗ ở một đất nước xa lạ”,
Theo KrAsia