Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các loại thuốc đặc trị sốt xuất huyết được cung ứng trở lại

Minh Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng đã được cung ứng lại. Trong tuần sau, 500 túi Dextran 40 (dịch truyền điều trị sốc sốt xuất huyết) sẽ được nhập về cho các bệnh viện trên địa bàn thành phố để điều trị cho bệnh nhân.

Nhập thêm 500 túi thuốc điều trị sốt xuất huyết

Trong thời gian vừa qua, việc một số loại thuốc sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết bị thiếu hụt, đứt nguồn cung đã gây ra không ít khó khăn cho các bệnh viện tuyến cuối tại TPHCM. Trước tình trạng này, ngày 18-8, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình Covid-19 và các vấn đề kinh tế – xã hội ở TPHCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết hiện các loại thuốc bị thiếu như thuốc Dopamin, Methotrexat dạng viên… trong thời gian vừa qua do gián đoạn cung ứng do xung đột Nga-Ukraine, dịch Covid-19 đã được cung ứng lại.

Đối với thuốc Dextran 40 trong điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyếtngành y tế thành phố đang làm việc với công ty nhập khẩu thuốc. Dự kiến tuần sau sẽ cung ứng được 500 túi Dextran 40; sau đó tháng 102022 sẽ cung ứng được số lượng lớn, bà Quỳnh Như cho biết.

Trong thời gian chưa có dịch truyền Dextran 40, Sở Y tế thành phố đã hướng dẫn các đơn vị sử dụng các phác đồ thay thế trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết.

Đối với Protamin sulfat – thuốc cầm máu và chống đông máu sử dụng trong mổ tim, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM có triển khai phẫu thuật tim hở khẳng định đều không có tình trạng thiếu Protamin sulfat. Hoạt động mổ tim vẫn diễn ra bình thường tại các bệnh viện này, bà Như cho biết thêm.

Theo bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, các loại thuốc điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết nặng đã được cung ứng lại. Ảnh: T.N.

Theo Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, để chủ động trong việc cung ứng thuốc, ngành y tế thành phố đã đề nghị các đơn vị báo cáo định kỳ hằng tuần về tình hình cung ứng các thuốc đã có trong danh mục thuốc của đơn vị nhưng đang gặp khó khăn về nguồn cung ứng và không có phác đồ thay thế.

Ngoài ra, các bệnh viện còn thành lập tổ tiếp nhận thông tin về tình trạng thiếu thuốc, kịp thời báo báo cho ban giám đốc sở để tìm giải pháp xử lý, đảm bảo đủ thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân.

Trước đó, ngày 17-8, thông tin từ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho biết, 28.000 ống thuốc Protamin sulfat đã về đến Việt Nam. Các đơn vị đang chuyển đến các bệnh viện để dùng phẫu thuật tim cho bệnh nhân. Như vậy, với thêm 28.000 ống thuốc Protamin sulfat, các bệnh viện chuyên khoa tim mạch và cơ sở y tế triển khai mổ tim có thêm nguồn thuốc để sẵn sàng phục vụ nhu cầu mổ tim cho bệnh nhân.

Bảo vệ bác sĩ với quy trình báo động “Code grey”

Liên quan đến vụ việc nhân viên y tế của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) bị người nhà bệnh nhân hành hung, bà Quỳnh Như cho biết, vừa qua, Ban giám đốc Sở Y tế TPHCM đã tổ chức họp với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa để trao đổi một số giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, an ninh trật tự tại bệnh viện.

Qua báo cáo rút kinh nghiệm của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, “Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện rà soát và củng cố quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự bệnh viện, trong đó lưu ý rút ngắn hơn nữa thời gian kích hoạt đến công an địa phương để kịp thời hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện trấn áp các nhóm gây rối an ninh, trật tự trong bệnh viện”, bà Như cho biết.

Ngành y tế cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định và các bệnh viện trực thuộc nghiên cứu triển khai thêm các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình huống thân nhân người bệnh bất ngờ gây rối hoặc hành hung nhân viên khoa cấp cứu của bệnh viện.

Ngành y tế TPHCM có chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố củng cố quy trình báo động “Code grey” về an ninh trật tự bệnh viện. Ảnh: Minh Thảo

Theo bà Quỳnh Như, các đơn vị sẽ triển khai áp dụng “nguyên tắc 4 giờ” hoặc “6 giờ” là thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa cấp cứu và phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu tại khoa cấp cứu.

Ngoài ra, các bệnh viện cũng cần có giải pháp tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa cấp cứu giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết; đồng thời tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ của bệnh viện có chốt trực tại khoa cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định “một người bệnh, một thân nhân”, bố trí tủ để vật dụng có khoá cho thân nhân người bệnh gửi vật dụng mang theo trước khi vào khu vực buồng bệnh.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới