(KTSG) - Nhiều nền kinh tế châu Á hiện đang đối mặt với áp lực thuế quan nặng nề từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các mức thuế này được dự báo sẽ tác động lớn tới các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu trong khu vực.
- Khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp gây sức ép lên kinh tế châu Âu
- Nguy cơ thuế quan phủ bóng lên triển vọng kinh tế châu Âu

Áp lực thuế quan đè nặng lên các nền kinh tế
Đối với ông Tim Hsu, một doanh nhân chuyên cung cấp các sản phẩm đèn điện, đèn trần cho thị trường Mỹ, thông báo về mức thuế quan lịch sử của Tổng thống Donald Trump đã làm đảo lộn các kế hoạch được ông cẩn thận vạch ra.
Hồi năm ngoái, doanh nhân người Đài Loan này đã quyết định đầu tư vào Campuchia để đa dạng hóa cơ sở sản xuất của mình ngoài thành trì truyền thống của ông ở miền Nam Trung Quốc. Ông đã chủ động phòng ngừa rủi ro về khả năng Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump.
Nhưng thông báo đưa ra hôm thứ Tư (2-4) về mức thuế khắc nghiệt bất ngờ đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ từ Campuchia, mức thuế cao nhất ở châu Á và cao thứ hai trên toàn cầu, đã thay đổi mọi thứ. “Nếu mức thuế 49% vẫn không thay đổi, chúng tôi sẽ rút vốn đầu tư khỏi Campuchia”, ông Hsu nói với CNN.
Việc rút khỏi Campuchia tương đối dễ dàng đối với ông Hsu vì khoản đầu tư của ông vẫn đang trong giai đoạn đầu. Nhưng đối với nhiều công ty khác đã thiết lập nhà máy từ lâu và đang sử dụng hàng ngàn công nhân tại quốc gia này, tin tức về thuế quan cũng đồng nghĩa với những tổn thất nặng nề.
Và không chỉ Campuchia, nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á và Nam Á đều đã bị áp thuế quan hơn 40%. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, sáu trong số chín quốc gia có tên trong danh sách của Tổng thống Donald Trump đã bị áp thuế từ 32-49%. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế - nơi mà lĩnh vực xuất khẩu đóng vai trò rất quan trọng.
Ngân hàng Citi cho biết thuế quan sẽ tác động đặc biệt mạnh đến “công xưởng châu Á”, bởi ước tính mức thuế quan trung bình có trọng số của Mỹ tăng 21%, nhưng Đông Nam Á và Trung Quốc tăng tới 34%, cao hơn rất nhiều so với mức 20% của châu Âu, trong khi chỉ có một số ít nước ở Mỹ Latinh bị áp mức thuế vượt quá 10%.
Ông John Denton, Tổng thư ký Phòng Thương mại Quốc tế ,ví tác động này giống như cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc những năm 1970, đã tấn công nền kinh tế toàn cầu và làm chao đảo một loạt tài sản của các thị trường mới nổi.
Một số nhà đầu tư cho biết thuế quan có thể thay đổi cơ bản cách họ tiếp cận các thị trường mới nổi. “Nếu thuế quan vẫn như vậy, chúng ta chắc chắn cần phải suy nghĩ lại về câu chuyện tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu tại các nền kinh tế mới nổi”, ông Gary Tan, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Allspring Global Investments, cho biết.
Rủi ro với mô hình Trung Quốc cộng một
Trong hơn 15 năm qua, nhiều nền kinh tế châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, đã được hưởng lợi từ làn sóng các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm các giải pháp thay thế cho chuỗi cung ứng của Trung Quốc, vốn đang dần trở nên đắt đỏ hơn.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với đại dịch Covid-19 trong những năm gần đây đã đẩy nhanh xu hướng này. Theo Forbes, nhiều nền kinh tế đã hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc cộng một” - việc các nhà sản xuất lớn định tuyến một số chuỗi cung ứng của họ thông qua các nước thứ ba.
Các công ty lớn của Mỹ, như Nike, Inc. và Gap Inc., hay các công ty Nhật Bản, như công ty mẹ của Uniqlo là Fast Retailing Co., đều đã mở rộng sản xuất tại khu vực.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng như đại dịch càng khuyến khích các công ty như Apple đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, đặt cơ sở hoạt động tại Việt Nam và Ấn Độ để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Các nhà sản xuất máy móc và thiết bị điện tử của Nhật Bản đã thành lập các cơ sở sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ. Nhà sản xuất phụ tùng máy móc MinebeaMitsumi Inc. có các nhà máy tại Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, cùng nhiều quốc gia khác.
Nhờ chiến lược này, các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á đã thu hút được dòng vốn đầu tư để né thuế quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng hưởng lợi lớn khi vừa có thể tận dụng được mức chi phí thấp hơn so với Trung Quốc, đặc biệt là về lao động, trong khi vẫn tiếp cận được mạng lưới nhà cung cấp sâu rộng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nhưng hiện tại, các thương hiệu này phải đối mặt với một loạt lựa chọn khó khăn: Ở lại Đông Nam Á và Nam Á để phải trả mức thuế quan cao? Cố gắng tìm một khu vực pháp lý khác có mức thuế quan thấp hơn? Hay chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ - một lựa chọn rất tốn kém?
Tác động lên các nền kinh tế khu vực
Theo tính toán của CNN về dữ liệu do Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia công bố, hơn 37% hàng xuất khẩu của nước này là sang Mỹ, điều khiến Campuchia đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Theo một tính toán khác, xuất khẩu hàng may mặc và giày dép chiếm hơn 43% lượng hàng xuất khẩu của Campuchia vào năm ngoái.
Khó khăn tương tự cũng sẽ xảy ra với các nền kinh tế khác. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo, mức thuế quan 54% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể làm giảm 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này cũng có thể có tác động lan tỏa đến các thị trường mới nổi nói chung. Ngân hàng OCBC của Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng Thái Lan từ 2,8% xuống còn 2% trong năm nay.
Fred Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại HSBC, cho biết ông kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và các nơi khác ở châu Á sẽ vào cuộc bằng cách cắt giảm lãi suất, bởi họ “cần ưu tiên tăng trưởng hơn nỗi lo ngại về lạm phát”.
Giải pháp nào cho các nền kinh tế châu Á
Một số nhà phân tích tin rằng mức thuế quan cao đối với các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á phản ánh mục tiêu lớn hơn của ông Trump là nhắm vào các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã chuyển sản xuất ra nước ngoài. Theo chuyên gia Siwage Dharma Negara tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore: “Đây là cách mà Washington muốn chống lại chiến lược tiếp cận thị trường Mỹ thông qua các nước thứ ba của Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, cho dù động cơ thực sự của Chính phủ Mỹ có là gì chăng nữa, các nền kinh tế châu Á đều đang phải cố gắng tìm kiếm những giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực từ thuế quan.
Việt Nam, Campuchia và Indonesia đều đã đưa ra những đề nghị giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ, để đổi lấy việc giảm thuế quan, trong khi Ấn Độ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại song phương trong những ngày tới.
Theo báo Nikkei Asia, bên cạnh các nỗ lực đàm phán, các quốc gia Đông Nam Á nên tìm cách giảm thiểu tác động của mức thuế quan mới của Mỹ bằng cách tăng cường các mối liên kết thương mại nội khối và củng cố mối quan hệ với các thị trường như châu Âu và Ấn Độ.
Ông Ong Kian Ming, Phó hiệu trưởng tại Đại học Taylor ở Malaysia và là cựu thứ trưởng thương mại Malaysia, cho biết: “ASEAN không chỉ nên thúc đẩy hội nhập sâu hơn trong khu vực mà còn tìm cách củng cố mối quan hệ thương mại của chúng ta với các khu vực khác”.
Ông Michael Green, Tổng giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Úc và là cựu Giám đốc cấp cao của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ về các vấn đề châu Á trong chính quyền George W. Bush, cho biết khu vực này nên “chống chủ nghĩa bảo hộ bằng tự do hóa thương mại”.
“Theo lý thuyết, nếu ASEAN tăng cường tự do hóa thương mại, điều đó sẽ mang lại cho ASEAN nhiều quyền tự chủ hơn, nhiều đòn bẩy hơn”, ông Green cho biết, đồng thời nói thêm rằng một bước đi như vậy sẽ không dễ thực hiện. “Khi chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng, cần có sự lãnh đạo chính trị thực sự để thúc đẩy tự do hóa thương mại”.
Nguồn: CNN Business, Fortune, Reuters, Bloomberg, Japan News, ING, Nikkei