(KTSG Online) - Các chương trình trợ cấp khổng lồ và chủ nghĩa bảo hộ công nghiệp của các nước lớn đang làm đảo lộn hàng thập niên thương mại tự do. Các nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn, ngay cả Anh lẫn Singapore, đang bị bỏ lại phía sau.
- 'Quả ngọt' từ chính sách hỗ trợ của Mỹ: 200 tỉ đô la đổ vào hoạt động sản xuất
- Châu Âu công bố kế hoạch hành động để dẫn đầu cách mạng công nghiệp xanh
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tung ra chương trình trợ cấp hào phóng trong cuộc chạy đua khốc liệt để chiếm lĩnh các ngành công nghiệp của tương lai. Tất cả nền kinh tế không đủ khả năng chi tiêu trong cuộc chạy đua này sẽ thua thiệt.
Các khoản tín dụng thuế mới dành cho sản xuất pin, thiết bị năng lượng mặt trời và các công nghệ xanh khác đang thu hút dòng vốn đổ vào Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) đang phản ứng bằng gói hỗ trợ năng lượng xanh riêng. Nhật Bản đã công bố kế hoạch vay 150 tỉ đô la để tài trợ cho làn sóng đầu tư vào công nghệ xanh. Tất cả họ đều đang nỗ lực để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nước dẫn đầu trong các lĩnh vực bao gồm pin và khoáng sản để sản xuất pin.
Điều này khiến những nước nhỏ hơn bị bỏ lại phía sau. Ngay cả các nước công nghiệp hóa như Anh và Singapore đều thiếu quy mô để cạnh tranh với các khối kinh tế lớn nhất trong cuộc chạy đua trợ cấp.
Các thị trường mới nổi như Indonesia, vốn hy vọng sử dụng tài nguyên thiên nhiên dồi dào để leo lên bậc thang kinh tế, cũng bị đe dọa trước các thay đổi.
Các nền kinh tế nhỏ lép vế
Trong năm nay, hãng chip Intel của Mỹ nhận được cam kết trợ cấp 11 tỉ đô la Mỹ từ chính phủ Đức để xây dựng hai nhà máy sản xuất bán dẫn ở nước này. Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước Đức. Khoản trợ cấp nói trên cao hơn đáng kể so với ngân sách hàng năm của Bộ Công thương Singapore.
Tại một sự kiện gần đây, Phó thủ tướng Singapore Lawrence Wong nói: “Chúng ta không thể chi trả trợ cấp nhiều hơn hơn các nước lớn”.
Đối với nhiều công ty công nghệ được nuôi dưỡng ở Anh, triển vọng tăng trưởng nằm ở nơi khác. Công ty khởi nghiệp công nghệ pin Nexeon của Anh, sẽ khai trương nhà máy đầu tiên ở Hàn Quốc, sau đó có thể là một nhà máy ở Bắc Mỹ.
AMTE Power, một trong số ít các nhà sản xuất pin trong nước của Anh, đang cân nhắc lại kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá hơn 200 triệu đô la ở Scotland do sự chênh lệch về trợ cấp ở châu Âu so với Mỹ. Năm ngoái, Arrival, một công ty khởi nghiệp về xe điện, cho biết muốn tập trung sản xuất ở Mỹ thay vì Anh, với lý do được giảm thuế.
Mỹ đang cung cấp 369 tỉ đô la ưu đãi và trợ cấp cho năng lượng sạch như một phần của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Vì vậy, dòng tiền đầu tư nước ngoài đang chảy cuồn cuồn vào nước này.
Nhà sản xuất ô tô Đức BMW vừa động thổ một nhà máy sản xuất pin mới ở bang Nam Carolina, Mỹ. Hai công ty Hàn Quốc Hyundai và LG đã công bố dự án nhà máy pin trị giá 4,3 tỉ đô la ở bang Georgia. Panasonic của Nhật Bản cũng đang xây dựng một nhà máy pin ở bang Kansas.
Cuộc chạy đua trợ cấp đánh dấu một bước thụt lùi khỏi sự hội nhập kinh tế đã giúp phá vỡ các rào cản thương mại và đầu tư giữa các quốc gia trong nhiều thập niên qua. Toàn cầu hóa đã biến nền kinh tế từng nghèo nàn như Hàn Quốc và Đài Loan thành những siêu cường về công nghệ cao, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Ngành sản xuất chi phí thấp ở châu Á giúp người tiêu dùng phương Tây tiếp cận nhiều hàng hóa tiêu dùng giá cả phải chăng và mức sống cao hơn.
Tuy nhiên, mô hình toàn cầu hóa cũng gây ra những tổn thất lớn. Các cộng đồng thịnh vượng một thời ở Mỹ và Tây Âu đã trở nên xơ xác khi các công việc sản xuất chuyển đến châu Á hoặc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Môi trường bị đặt vào tình thế nguy cấp khi nền kinh tế toàn cầu tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn.
Các nhà kinh tế cho biết, việc đảo ngược quá trình hội nhập toàn cầu, dù là vì lý do an ninh quốc gia, cạnh tranh địa chính trị hay mối lo lắng về chuỗi cung ứng, đều có thể gây ra các hậu quả.
Các nền kinh tế nhỏ hơn, đang phát triển, đặc biệt dễ tổn thương vì họ cần tiếp cận thị trường toàn cầu nếu muốn thúc đẩy thương mại để đạt thịnh vượng hơn.
“Toàn thế giới đang trở nên hướng nội hơn và quay lưng lại với thương mại và đầu tư mở. Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trợ cấp và những người thua cuộc trong cuộc cạnh tranh đó là các nền kinh tế nghèo hơn với ít nguồn lực tài chính hơn”, David Loevinger, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là giám đốc bộ phận các thị trường mới nổi của Công ty quản lý tài sản TCW Group, nhận định.
Việc phương Tây áp dụng chính sách trợ cấp công nghiệp có thể đặc biệt gây đau đớn cho các nước từng hy vọng tận dụng các công nghệ xanh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính họ.
Indonesia có tham vọng dựa vào nguồn tài nguyên nickel dồi dào của nước này để xây dựng một ngành công nghiệp pin hàng đầu thế giới. Nhưng các quy tắc của Mỹ trong đạo luật IRA, từ chối trợ cấp cho pin EV chứa một lượng lớn khoáng sản được khai thác và chế biến từ những nền kinh tế không phải là đối tác thương mại tự do của Mỹ, trong đó có Indonesia.
“Chúng tôi có tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi có nguồn nhân lực. Và chúng tôi là một quốc gia dân chủ. Xin đừng đóng cửa lại với chúng tôi”, Arsjad Rasjid, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Mỹ hút vốn đầu tư của toàn cầu
Là nước đi đầu trong cuộc đua trợ cấp, Mỹ đang chứng kiến cơn bùng nổ đầu tư. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, Mỹ đã nhận khoảng 22% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu vào năm ngoái. Con số này thấp hơn một chút so với mức 26% FDI toàn cầu mà Mỹ nhận được vào năm 2021 nhưng cao hơn đáng kể so với mức 13% vào năm 2019. Trong tháng 5, chi tiêu cho xây dựng liên quan đến sản xuất ở Mỹ tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức hàng năm là 194 tỉ đô la.
Tại Anh, nguồn tài trợ eo hẹp mà Nexeon nhận được tại Anh cho thấy sức mạnh nguồn vốn trợ cấp của Mỹ đang làm lệch sân chơi. Ngoài số vốn tư nhân huy động được vào năm ngoái, Nexeon đã nhận được hai triệu bảng từ một quỹ hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện của chính phủ Anh.
Nhưng tại Mỹ, hai đối thủ, Sila Nanotechnologies và Group14 Technologies, nhận được 100 triệu đô la từ Bộ Năng lượng Mỹ theo chương trình tài trợ cho ngành công nghiệp pin trong một đạo luật thúc đẩy đầu tư hạ tầng. Giống như Nexeon, hai công ty này đang chế tạo vật liệu dựa trên silicon để sử dụng trong cực dương của pin nhằm cải thiện hiệu suất.
Guy Debelle, cựu Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Úc và hiện là giám đốc của Fortescue Future Industries, đơn vị phát triển năng lượng xanh của Công ty khai khoáng Fortescue Metals, cho biết công ty ông đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư và đang coi Mỹ là địa điểm khả thi nhất vì chi phí phát triển dự án ở đây có thể giảm đến 60% nhờ trợ cấp.
EU đang chuẩn bị gói hỗ trợ của riêng, nới lỏng các giới hạn trợ cấp mà các nước thành viên có thể cung cấp cho ngành công nghiệp. EU đặt mục tiêu đến năm 2030, 40% công nghệ then chốt cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh phải được sản xuất trong khối, bao gồm thiết bị năng lượng mặt trời, tuốc bin gió và pin.
Công suất ở các dự án sản xuất pin ở Mỹ đã tăng 67% kể từ khi IRA được công bố, theo ước tính của Benchmark Minerals Intelligence.
Sự thay đổi trong thương mại toàn cầu diễn ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn đối với Anh, vốn đang chật vật vạch ra một lộ trình mới trong nền kinh tế sau khi rời EU (Brexit) vào năm 2020.
Gần đây, lĩnh vực ô tô của Anh được tiếp sức khi Tata Motors, chủ sở hữu của thương hiệu Jaguar Land Rover, quyết định xây dựng nhà máy sản xuất pin trị giá 4 tỉ bảng ở Anh. Tata Motors được cho là sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng trăm triệu bảng cho dự án này.
Theo Chad Bown, một chuyên gia thương mại và cựu quan chức ở Ngân hàng Thế giới, một giải pháp cho các nước không đủ nguồn lực thể cạnh tranh là thu hút các đối tác thương mại giàu có lại gần hơn và hưởng lợi từ các chính sách công nghiệp của họ. Chẳng hạn, Canada và Mexico đang được hưởng lợi từ Đạo luật IRA nhờ ký kết thỏa thuận thương mại tự do ba bên với Mỹ.
Indonesia đang tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu. Indonesia hy vọng hiệp định kinh tế này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận của các nguồn khoáng sản trong nước đối với thị trường Mỹ.
Theo WSJ