Thứ tư, 2/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các nền kinh tế tìm cách thích ứng với áp lực thuế quan 

Lạc Diệp 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh nỗ lực ứng phó với nguy cơ thuế quan từ Mỹ. Bên cạnh các cuộc đàm phán với Mỹ, hoặc các biện pháp đáp trả, chính phủ nhiều nước đang có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế.

Điều chỉnh chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa

Thủ tướng Canada Mark Carney vừa đưa ra kế hoạch táo bạo nhằm đối phó với các mức thuế quan của Mỹ và tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế Canada. Trong cuộc họp báo ngày 21-3, ông đã công bố mục tiêu xóa bỏ rào cản thương mại nội bộ vào ngày 1-7 sau khi tham vấn với lãnh đạo các tỉnh và vùng lãnh thổ.

“Chúng tôi cam kết ban hành luật để hàng hóa được lưu thông tự do trên toàn Canada, không vấp phải bất kỳ rào cản liên bang nào”, Thủ tướng Carney nhấn mạnh. Ông tin rằng biện pháp này có thể bù đắp tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ.

Theo nghiên cứu được Thủ tướng Carney trích dẫn, việc dỡ bỏ rào cản nội bộ có thể giảm chi phí thương mại tới 15% và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Canada từ 4% đến 8% trong dài hạn. Ba hướng tiếp cận chính được đề xuất gồm: điều hòa quy định giữa các tỉnh, các tỉnh công nhận quy tắc của nhau, và thiết lập tiêu chuẩn quốc gia chung.

Kế hoạch này cũng nhắm tới việc tăng cường tính di động của người lao động và đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Chính phủ Canada cũng cam kết hỗ trợ tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đến các khu vực khai thác tài nguyên, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Còn tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã công bố các biện pháp mới để hỗ trợ ngành thép và kim loại của châu Âu trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc và các mức thuế quan do Mỹ áp đặt.

Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ thắt chặt hạn ngạch nhập khẩu thép để giảm thêm 15% lượng thép chảy vào thị trường châu Âu kể từ tháng 4-2025. Động thái này nhằm ngăn chặn thép giá rẻ tràn vào thị trường châu Âu sau khi Mỹ áp dụng mức thuế quan mới. EU dự kiến cũng sẽ khởi động một cuộc điều tra nhằm bảo vệ ngành nhôm đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, EC cũng đã đưa ra một kế hoạch hành động nhằm duy trì và mở rộng năng lực công nghiệp của các ngành thép và kim loại tại châu Âu. EC cũng sẽ đề xuất một biện pháp dài hạn mới để bảo vệ ngành thép châu Âu sau khi các biện pháp bảo vệ hiện tại sắp hết hạn.

Tại một nền kinh tế lớn khác là Hàn Quốc, một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đáng chú ý cũng đã được triển khai. Hồi tháng 2-2025, Seoul cho biết sẽ cung cấp chương trình tài trợ thương mại kỷ lục trị giá 366 ngàn tỉ won (253,3 tỉ đô la Mỹ) để hỗ trợ các công ty xuất khẩu chịu thiệt hại từ bất ổn thuế quan. Các phiếu hỗ trợ xuất khẩu sẽ được cung cấp cho khoảng 1.300 công ty nhỏ và vừa trong năm 2025, để giúp đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu.

Đẩy mạnh kích thích kinh tế và đầu tư công

Hôm 16-2, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã công bố một “kế hoạch hành động đặc biệt” rộng khắp nhằm thúc đẩy chi tiêu trong nước. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh giới chức Bắc Kinh đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế và hạn chế tác động tiêu cực của các biện pháp thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt.

Sáng kiến này, dù vẫn thiếu chi tiết cụ thể, nhưng đã phần nào cho thấy các nỗ lực của Bắc Kinh, khi trải rộng trên nhiều lĩnh vực: từ việc tăng thu nhập của người dân, thiết lập hệ thống trợ cấp chăm sóc trẻ em cho tới mở rộng chương trình trợ cấp để khuyến khích người tiêu dùng mua mới ô tô, đồ điện tử.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp đợt hỗ trợ tài chính đầu tiên trị giá 81 tỉ nhân dân tệ (11,2 tỉ đô la Mỹ) tới các chính quyền địa phương hồi tháng 1-2025 cho chương trình hoàn tiền nhằm thúc đẩy doanh số bán ô tô và thiết bị gia dụng. Bắc Kinh sau đó cho biết, sẽ tăng quy mô của chương trình lên 300 tỉ nhân dân tệ trong năm 2025.

Việc thúc đẩy nhu cầu nội địa hiện đang là nhiệm vụ bắt buộc sau khi Trung Quốc đặt ra mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là khoảng 5% trong năm 2025. Theo các chuyên gia, đây là cách để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không cần phải phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu - đang đối mặt với nhiều rủi ro, để thúc đẩy nền kinh tế khổng lồ của mình.

Các số liệu mới công bố gần đây cho thấy, kinh tế Trung Quốc đã có những dấu hiệu cải thiện trong hai tháng đầu năm.

Tuy nhiên, những khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn tiếp tục là trở ngại lớn đối với tăng trưởng. Đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã giảm 9,8% trong hai tháng đầu năm, trong khi giá nhà cũng tiếp tục đi xuống. Cuộc khủng hoảng bất động sản đã làm giảm niềm tin và nhu cầu chi tiêu, khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 2-2025 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước - kết quả tệ nhất trong vòng hơn một năm qua.

Trong khi đó, một nền kinh tế lớn khác là Đức lại đang hỗ trợ nền kinh tế bằng cách thúc đẩy hoạt động đầu tư công. Tuần qua, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu phê duyệt gói chi tiêu mới, mở đường cho một loạt biện pháp tài chính có thể giúp nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua những thách thức hiện tại.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của kế hoạch là quỹ đầu tư hạ tầng trị giá 500 tỉ euro, được phân bổ trong vòng 12 năm. Bên cạnh đó, các bang của Đức sẽ được phép vay thêm số tiền tương đương 0,35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi bang, tương ứng với 16 tỉ euro và có thêm dư địa để đầu tư phát triển.

Fitch Ratings dự báo, khoản chi tiêu mới, cùng với việc nới lỏng hạn chế đối với chi tiêu quốc phòng, có thể trực tiếp thúc đẩy GDP của Đức thêm 0,4 điểm phần trăm trong giai đoạn 2025-2027. Mức thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ khiến kinh tế Đức chỉ tăng trưởng nhẹ 0,1% trong năm 2025, nhưng sang năm 2026, kích thích tài khóa sẽ góp phần giúp GDP Đức tăng 1,1%.

Nhìn rộng hơn, gói chi tiêu khổng lồ này không chỉ có ý nghĩa đối với Đức mà còn có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa đối với kinh tế toàn khu vực. Khi nền kinh tế đầu tàu châu Âu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và nới lỏng chính sách tài khóa, các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên toàn khu vực có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

Đa dạng hóa thương mại

Canada và EU - hai nền kinh tế đang bị chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump nhắm tới, đều đang có những động thái hướng về nhau, để đa dạng hóa thương mại, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Giới chức hai bên đã liên lạc với các tập đoàn ở cả hai bờ Đại Tây Dương để thảo luận về cách họ có thể thúc đẩy thương mại.

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, EU và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do nhằm tạo ra một thị trường khổng lồ với gần 800 triệu người.

Ngoài ra, EU cũng đang theo đuổi các hiệp định thương mại với Ấn Độ nhằm mục đích mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong chuyến thăm gần đây tới Ấn Độ đã có các cuộc thảo luận chi tiết về một hiệp định thương mại tự do với quốc gia này. Hai bên đặt mục tiêu ký kết hiệp định vào cuối năm nay.

Cùng lúc đó, Ấn Độ cũng đẩy mạnh các nỗ lực đàm phán với những đối tác thương mại lớn khác. Nước này và New Zealand đặt mục tiêu ký một hiệp định thương mại tự do trong hai tháng tới. Các cuộc đàm phán thương mại giữa Ấn Độ và Vương quốc Anh, cũng đã được nối lại, với mục tiêu tăng gấp đôi thương mại song phương trong vòng một thập niên.

Ngay cả hai nền kinh tế đang có những bất đồng là EU và Trung Quốc cũng được dự báo sẽ xích lại gần nhau hơn trước áp lực thương mại từ Mỹ. Điều này sẽ giúp EU tăng cường tiếp cận một thị trường rộng lớn cho hàng xuất khẩu, trong khi Trung Quốc có thêm cơ hội đầu tư và giảm rào cản thương mại.

Ông Martin Jacques, cựu nghiên cứu viên cao cấp Khoa Chính trị và Nghiên cứu quốc tế, Đại học Cambridge nhận định, trong bối cảnh đang đối mặt với áp lực lớn từ Mỹ “EU có thể sẽ muốn có mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc. Việc có được một mối quan hệ thỏa đáng và bình tĩnh hơn với Trung Quốc, sẽ là tín hiệu tích cực”.

Bắc Kinh nhiều khả năng cũng sẽ hoan nghênh một kịch bản như vậy. Phát biểu trong cuộc gặp Chủ tịch Tập đoàn BMW Oliver Zipse hôm 22-3, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã thúc giục EU “giải quyết thỏa đáng vụ kiện chống trợ cấp xe điện, để gửi đi những tín hiệu tích cực và ổn định trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều bất ổn”.

Nguồn: Reuters, SCMP, Global News, Fitch Ratings, Bloomberg, CNN, AP, Korea Herald, Finance Yahoo 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới