Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng toàn cầu nhận định Mỹ sẽ không suy thoái trong năm 2024

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các ngân hàng đầu tư toàn cầu tin rằng trong năm 2024, suy thoái kinh tế, điều mà họ liên tục dự báo trong hai năm qua, sẽ không xảy ra với Mỹ. Nhưng giới doanh nghiệp và nhà đầu tư có quan điểm thận trọng hơn, với nhận định tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chậm lại do nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Cuối năm ngoái, nhiều ngân hàng đầu tư toàn cầu dự báo kinh tế Mỹ có khả năng suy thoái trong năm nay. Rút cục, điều đó đã không xảy ra. Giờ đây, họ lạc quan hơn, cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được suy thoái trong năm 2024. Ảnh: iStock

Sự bất đồng giữa các nhà phân tích ngân hàng đầu tư có thói quen lạc quan và các nhà quản lý tiền không phải là điều mới mẻ. Điều khác biệt lần này là mức độ thận trọng cao của một số doanh nghiệp lớn khi họ vạch ra kế hoạch cho năm tới.

Các nhà quản lý tiền cho rằng, sau nhiều tháng mắc sai lầm, các nhà phân tích quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng, khả năng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và sức mạnh của tiêu dùng trong năm tới.

Dự báo đồng thuận từ các ngân hàng lớn, bao gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley, UBS và Barclays, cho rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ bị kìm hãm vào năm 2024 do lãi suất cao, giá dầu tăng và kinh tế Trung Quốc suy yếu, nhưng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ rất thấp. Quan điểm này trái ngược với một năm trước khi nhiều ngân hàng dự báo về viễn cảnh kinh tế Mỹ suy thoái.

Tuy nhiên, quan điểm của giới kinh doanh về triển vọng trong năm tới bi quan hơn. Thống kê bình luận của lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ từ 150 cuộc họp báo về kết quả kinh doanh quí 3, ngân hàng Deutsche Bank nhận thấy, các công ty thường mô tả nhu cầu là hơi yếu, nhưng không đến mức đáng báo động. Các công ty tiếp tục cắt giảm hàng tồn kho để ứng phó với nhu cầu hàng hóa chậm lại.

Deutsche cho biết, những từ ngữ được các công ty sử dụng để mô tả nhu cầu bao gồm: yếu, chậm chạp, mờ nhạt, không ổn định, trầm lắng, hạn chế, thách thức, không đồng đều.

Đầu tháng này, tập đoàn bán lẻ Walmart cho biết rất ngạc nhiên trước sức chống chịu tốt của người tiêu dùng Mỹ trong năm nay trước tình trạng giá cả tăng cao, nhưng tâm lý của họ giờ đây đã thận trọng hơn. Giám đốc tài chính của Walmart, John David Rainey, nói sự thận trọng đó “chắc chắn khác với những gì chúng ta đã thấy trong ba quí đầu năm”.

Trong báo cáo thu nhập mới nhất, chuỗi bán hàng giảm giá Dollar General (Mỹ) ghi nhận lợi nhuận gộp giảm, chi phí lãi vay tăng lên. Công ty dự đoán “chi tiêu của khách hàng có thể tiếp tục bị hạn chế khi bước sang năm 2024, đặc biệt là trong các danh mục các mặt hàng tùy ý”.

Tập đoàn hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G) có quan điểm lạc quan hơn. Andre Schulten, Giám đốc tài chính của công ty, tiết lộ, P&G đã tăng thị phần về khối lượng và giá trị tại thị trường Mỹ trong quí gần nhất, đồng thời lưu ý rằng sức chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ.

Điều quan trọng đối với các nhà quản lý tiền là liệu Fed có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế và kiềm chế lạm phát mà không làm giảm sức mua của người tiêu dùng hay không. Sau khi khiến thị trường phải suy đoán trong nhiều tháng, trong cuộc họp vừa qua, các quan chức Fed nói họ nhận ra nhu cầu đang cân bằng và rất chý ý đến những rủi ro của chính sách thắt chặt quá mức, có thể đẩy nền kinh tế vào tình trạng giảm tốc nhanh hơn cần thiết.

“Người tiêu dùng bắt đầu chi tiêu chậm lại một chút và các công hàng tiêu dùng lớn cũng bắt đầu nói về điều đó”, Patrick McDonough, nhà quản lý danh mục đầu tư của PGIM Quantitative Solutions, công ty quản lý tài sản toàn cầu trị giá 1,27 nghìn tỉ đô la Mỹ, nói.

Theo khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM), chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ thực sự đã hạ nhiệt. Một cuộc khảo sát vào tháng 11 của tổ chức tư vấn Conference Board cho thấy, khoảng 30% người tiêu dùng Mỹ cho rằng suy thoái kinh tế là “phần nào” hoặc “rất có thể” xảy ra trong năm tới.

Hai năm qua không hề dễ dàng đối với các chuyên gia vĩ mô đang cố gắng đưa ra các dự báo kinh tế khi họ phải xem xét các động lực thúc đẩy sự phục hồi sau đại dịch và các gói kích thích trị giá hàng nghìn tỉ đô la trên thị trường toàn cầu cùng với chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển

Các cuộc thăm dò của Reuters, thực hiện từ năm 2022 đến giữa năm 2023 đều cho thấy xác suất trung bình trong dự báo của các nhà kinh tế về một cuộc suy thoái ở Mỹ trong vòng một năm là trên 60%. Xác suất đó hiện tại là gần 45%.

“Công bằng mà nói, đây là một năm khó khăn trong dự báo. Ví dụ, nếu bạn căn cứ dữ liệu vào lịch sử, nếu bạn sử dụng các chỉ số kinh tế hàng đầu của Mỹ, thì lẽ ra Mỹ đã bước vào thời kỳ suy thoái từ 12 tháng trước. Nhưng nếu đưa ra dự báo kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới, có khả năng bạn bị xem là ngớ ngẩn”, Chris Rands, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao của nhóm đa tài sản toàn cầu của Nikko Asset Management, nói

Năm ngoái, các ngân hàng lớn dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại vào năm 2023, với khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ. Ngay cả những dự báo lạc quan nhất cho rằng chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ chỉ tăng khoảng 9% vào năm 2023, nhưng cho đến nay, chỉ số này đã tăng 21%.

Vào năm 2022, các ngân hàng lớn dự đoán tăng trưởng của Mỹ sẽ sụt giảm nhưng cổ phiếu vẫn tiếp tục tăng. Rốt cục, chỉ số S&P 500 giảm 19% trong năm đó. Các dự báo của họ cho năm 2024 thận trọng hơn. Ngay cả những dự báo lạc quan nhất của Phố Wall đối với chứng khoán Mỹ cũng chỉ kỳ vọng mức tăng một chữ số.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới