Thứ Ba, 16/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trên toàn cầu tăng tốc sa thải nhân sự

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các ngân hàng trên toàn cầu tăng tốc sa thải nhân sự

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Số việc làm bị cắt giảm ở các ngân hàng trên thế giới trong năm nay sẽ lên mức cao nhất kể từ năm 2015 khi những tên tuổi lớn thông báo kế hoạch sa thải nhân sự để ứng phó với nợ xấu và xu hướng số hoá.

Các ngân hàng trên toàn cầu tăng tốc sa thải nhân sự
Trụ sở của Ngân hàng HSBC ở London, Anh. Ảnh: Getty

Theo dữ liệu của Bloomberg, cho đến nay, có hơn 30 ngân hàng lớn ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và châu Phi đã cắt giảm hoặc lên kế hoạch cắt giảm tổng cộng 63.785 nhân sự. Con số thực tế có thể còn cao hơn vì nhiều ngân hàng cắt giảm nhân sự nhưng không thông báo.

Với tốc độ sa thải như hiện tại, số nhân sự ngành ngân hàng trên toàn cầu bị mất việc trong năm nay sẽ vượt con số gần 80.000 nhân sự bị mất việc vào năm ngoái và đạt mức lớn nhất kể từ năm 2015.

Ngành ngân hàng châu Âu đua nhau cắt giảm nhân sự

Đa số ngân hàng xem hạ giảm quỹ lương như là một phần trong nỗ lực cắt giảm chi phí để bù đắp cho các khoản thu lỗ vì nợ xấu tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh cũng như đáp ứng các quy định quản lý tài chính nghiêm ngặt hơn và để có thêm nguồn vốn đầu tư vào các công nghệ số hoá.

Nhiều ngân hàng ở châu Âu tạm dừng sa thải trong giai đoạn cao trào của đại dịch Covid-19 để tránh gây tổn thương cho nhân viên. Hồi đầu năm, Ngân hàng HSBC (Anh) thông báo kế hoạch sa thải 35.000 nhân sự nhưng việc thực hiện tạm dừng lại giữa lúc đại dịch Covid-19 ập đến.

HBSC bắt đầu sa thải nhân sự từ tháng 7 và đến đầu tháng 9, ngân hàng này thông báo tăng tốc sa thải sau khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 80% trong quí 2, chỉ còn 1,1 tỉ đô la Mỹ so với 6,2 tỉ đô la vào cùng kỳ năm ngoái.

Trong quí vừa qua, HSBC phải trích lập dự phòng đến 3,8 tỉ đô la cho các khoản nợ xấu do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong quí 1, HSBC cũng đã trích lập dự phòng 3 tỉ đô la. Giờ đây, HSBC dự báo các khoản thua lỗ do trích lập dự phòng cho nợ xấu có thể lên mức 8 đến 13 tỉ đô la vào cuối năm. Kết quả kinh doanh tệ hại khiến giá cổ phiếu HSBC giảm 40% trong năm nay.

Một báo cáo mới đây của các nhà phân tích ở ngân hàng Barclays cảnh báo các ngân hàng của Anh bao gồm
HSBC, Standard Chartered và NatWest cần cắt giảm hơn 150.000 việc làm để bảo đảm tỷ suất mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 10% trong ba năm tới.  Con số này tuơng đuơng 50% tổng nhân sự hiện nay của họ.

Các nhà phân tích gọi đây là thời kỳ ‘tái cấu trúc đớn đau’ của các ngân hàng này trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Riêng HSBC cần sa thải hơn 97.000 việc làm để đáp ứng mục tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt mức 10-12% vào cuối năm 2022.

Ngân hàng NatWest đã sa thải 130 nhân sự hồi tháng từ và tiếp tục sa thải 500 nhân nữa sự vào tháng 8 khi phải đóng cửa thêm nhiều chi nhánh. Hồi cuối tháng 7, Standard Chartered cho biết sẽ nối laị kế hoạch cắt giảm khoảng vài trăm nhân sự để cải thiện lợi nhuận trong tương lai sau khi tạm dừng sa thải trong thời kỳ cao trào của dịch bệnh.

Hai ngân hàng lớn ở Thuỵ Sĩ, UBS và Credit Suisse, đang thảo luận kế hoạch sáp nhập. Nếu điều này xảy ra, sẽ có khoảng 10-20% nhân sự ở hai ngân hàng này bị cho thôi việc. Tháng trước, Credit Suisse cho biết có thể cắt giảm 500 việc làm và đóng cửa 25% số chi nhánh ở Thụy Sĩ để tập trung vào chiến luợc số hoá. Credit Suisse hy vọng sẽ thu hút các khách hàng trẻ bằng cách ra mắt các sản phẩm số hoá trong tháng 10 tới.

Deutsche Bank (Đức) là ngân hàng lớn đầu tiên ở châu Âu tái khởi động sa thải nhân sự hồi tháng 5 với mục tiêu cắt giảm 4.000 việc làm  trong năm nay. Đây chỉ là một phần trong kế  hoạch giảm 18.000 nhân sự trong vòng ba năm tới của ngân hàng này để tiết kiệm 2 tỉ euro chi phí.

Hồi tháng 6, Giám đốc điều hành Commerzbank, ngân hàng lớn thứ hai Đức, cho biết có thể sa thải thêm hơn 7.000 nhân sự và đóng cửa khoảng 400 chi nhánh trong 4-5 năm tới để tăng tốc các nỗ lực cắt giảm chi phí và tập trung vào các hoạt động số hoá. Năm ngoái, ngân hàng này đã quyết định sa thải hơn 4.000 nhân sự.

Các ngân hàng Mỹ cũng bắt đầu sa thải

Hồi mùa xuân, khi dịch Covid-19 ập đến, nhiều ngân hàng lớn ở Mỹ cũng cam kết không sa thải nhân viên trong năm 2020 vì xem đó là điều sai trái về đạo đức. Nhưng khi phải trích lập dự phòng quá lớn cho các khoản nợ xấu và dự báo cơn suy thoái kinh tế còn kéo dài, các lãnh đạo ngân hàng ở Mỹ buộc phải tính toán việc cắt giảm nhân sự. Hơn nữa, một số lãnh đạo ngân hàng thấy rằng với xu hướng làm việc từ xa tại nhà, họ chỉ cần ít nhân viên hơn để thực hiện khối lượng công việc tương tự.

Barry Schwartz, Giám đốc đầu tư ở Công ty Baskin Wealth Management, nói: “Không nghi ngờ gì nữa, sa thải sẽ diễn ra khắp các ngân hàng”. Ông cho rằng các ngân hàng cần phải giảm chi phí vì vấn đề nợ xấu cũng như mức lãi suất thấp kỷ lục

Theo dự báo của Alan Johnson, Giám đốc Công ty Johnson Associates, chuyên tư vấn chế độ thù lao trong ngành tài chính, các ngân hàng nhỏ và vừa ở Mỹ sẽ phải cắt giảm trung bình 5-10% nhân sự ở bộ phận công nghệ, nhân sự và tài chính.

Ngân hàng Citigroup cho biết sẽ nối lại sa thải trong tuần này nhưng mức cắt giảm sẽ chưa đến 1% của tổng nhân sự 204.000 của ngân hàng này trên toàn cầu.

Ngân hàng Wells Fargo & Co đã nối lại sa thải trong tháng 8. Các nguồn tin cho biết ngân hành dự định cắt giảm hàng ngàn việc làm trong năm nay và năm sau.

Trong khi đó, JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nuớc Mỹ, chỉ mới sa thải khoảng 100 nhân viên hồi giữa tháng 7.
“Chúng ta không thấy nhiều hoạt động tái cấu trúc hoặc sa thải ở các ngân hàng trong thời kỳ ban đầu của đại dịch. Nhưng giờ đây, chúng ta bắt đầu chứng kiến điều đó”,  Dennis Baden, đối tác quản lý ở Công ty săn đầu người Heidrick & Struggles, nói.

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới