(KTSG Online) – Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nắm giữ 1,16 tỉ ounce vàng, với tổng trị giá ước tính khoảng 3.100 tỉ đô la Mỹ. Dữ liệu mới nhất của của Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) cho thấy, vàng hiện chiếm gần 20% trong tổng dự trữ vàng và ngoại hối 15.450 tỉ đô la của các ngân hàng trung ương.
Đô la Mỹ vẫn là tài sản dự trữ chính của các ngân hàng trung ương dù tỷ trọng dự trự của đồng bạc xanh giảm đều đặn trong thập kỷ qua. Các ngân hàng trung ương đang nắm giữ 6.700 tỉ đô la, tương đương 43% tổng dự trữ vàng và ngoại hối, theo dữ liệu của IMF.
Đứng ở vị trí thứ hai là vàng (19,8%), tiếp theo là đồng euro (14,7%), đồng yen Nhật (4,2%), bảng Anh (3,7%), đồng đô la Canada (1,9%). đồng đô la Úc (1,7%) và đồng nhân dân tệ Trung Quốc (1,6%).
Tỷ trọng vàng trong tài sản dự trữ của các ngân hàng trung ương tăng lên đáng kể sau khi họ mua 305 triệu ounce trong 15 năm qua. Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.672,77 đô la Mỹ/ounce vào ngày 26-9, và hiện giao dịch ở mức 2.619 đô la tính đến tối thứ Tư (9/10).
Vàng tăng giá mạnh mẽ do các ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mua số lượng lớn trong vài năm qua. Nhiều nhà đầu tư lo ngại, cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel mới đây sẽ làm leo thang xung đột ở Trung Đông. Điều này có thể tiếp tục thúc đẩy giá vàng.
Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, các lệnh trừng phạt toàn cầu chống lại Nga và căng thẳng Mỹ-Trung cũng khiến vàng càng trở nên hấp dẫn để đầu tư.
Các ngân hàng trung ương vẫn bổ sung vào kho dự trữ dù tốc độ mua trong tháng Tám đã chậm lại. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố hôm 3-10, trong tháng Tám, các ngân hàng trung ương mua ròng 8 tấn vàng, mức mua ròng thấp nhất kể từ tháng 3. Con số này thấp hơn nhiều so với mức mua ròng trung bình 33 tấn mỗi tháng trong 12 tháng qua.
Dù vậy, các ngân hàng trung ương của thị trường mới nổi vẫn tiếp tục thúc đẩy nhu cầu, chiếm 70% tổng lượng mua ròng vàng từ đầu năm đến nay.
Trong số này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là nước mua vàng lớn nhất, đóng góp 25% lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương trong năm 2024.
Chỉ có 4 ngân hàng trung ương bổ sung hơn 1 tấn vàng vào kho dự trữ trong tháng Tám. Ngân hàng quốc gia Ba Lan mua nhiều nhất, lên đến 6 tấn, nâng tổng dự trữ vàng lên 398 tấn. Trong 5 tháng qua, Ba Lan liên tục là nước mua ròng, tích lũy tổng cộng 39 tấn trong thời gian đó.
Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ bổ sung thêm 3 tấn vào kho dự trữ trong tháng Tám và đã mua ròng vàng tháng thứ 15 liên tiếp. Tính đến thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là nước mua vàng nhiều nhất trong năm 2024 với 52 tấn, tương đương 35% tổng dự trữ vàng của nước này.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng mua thêm 3 tấn vàng trong tháng Tám, đánh dấu tháng tích lũy vàng thứ tám liên tiếp. Ấn Độ hiện là nước mua ròng vàng lớn thứ hai trong năm 2024, với 45 tấn mua từ đầu năm đến nay. Ngân hàng quốc gia Czech mua thêm 2 tấn vàng, kéo dài chuỗi mua ròng lên 18 tháng.
Trái lại, ngân hàng trung ương Kazakhstan bán ròng 5 tấn vàng tháng Tám, Đây là tháng bán ròng thứ tư liên tiếp, khiến tổng dự trữ vàng của Kazakhstan giảm xuống còn 290 tấn.
Hoạt động mua vàng của khu vực ngân hàng trung ương chậm lại đáng kể trong tháng Tám có thể là do giá vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, số vàng mà các ngân hàng trung ương bán ra không tăng so với tháng trước đó. Điều này cho thấy các nhà quản lý tiền tệ quốc gia chưa thay đổi chiến lược dài hạn đối với vàng. Họ vẫn đánh giá cao hiệu suất tăng giá ổn định của vàng trong thời kỳ rủi ro, cũng như xem kim loại quí này là tài sản đa dạng hóa hiệu quả.
Theo Business Times, Gold.org