Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương khả năng sẽ không giảm lãi suất sớm

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại các cuộc họp trong tuần này, các ngân hàng trung ương lớn ở phương Tây dự kiến giữ nguyên chính sách tiền tệ nhưng sẽ bác bỏ khả năng giảm lãi suất sớm vào năm tới trong bối cảnh thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ.

Trong tháng trước, tăng trưởng việc làm của Mỹ vượt kỳ vọng và tăng trưởng tiền lương vẫn ổn định bất chấp Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm. Ảnh: Politico

Trong những tuần qua, giới đầu tư tăng cường đặt cược rằng các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ, khu vực đồng euro (euzone) và Anh sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào đầu năm mới, giúp cải thiện các điều kiện tài chính nới lỏng đối với doanh nghiệp.

Nhưng những kỳ vọng đó sẽ được kiểm chứng trong những ngày tới tại các cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE). Hiện cả ba ngân hàng này phát tín hiệu rằng họ muốn có bằng chứng rõ ràng hơn về việc thị trường lao động suy yếu trước khi cắt giảm lãi suất.

“Họ không thể tuyên bố chiến thắng lạm phát và đang có trong tay những dữ liệu vẫn còn đáng lo ngại để đẩy lùi kỳ vọng giảm lãi suất sớm trên thị trường”, James Knightley, nhà phân tích của ngân hàng ING, bình luận.

Fed đối mặt với một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng suy đoán rằng cơ quan này sẽ đảo ngược lộ trình chính sách tiền tệ và giảm chi phí vay sớm hơn dự kiến trong năm 2024.

Chủ tịch Fed Jay Powell đã tìm cách hạ thấp những kỳ vọng đó, nhấn mạnh rằng còn “quá sớm” để nói rằng lãi suất đã đạt đỉnh hoặc bắt đầu phác thảo thời điểm các nhà hoạch định chính sách sẽ xem xét cắt giảm.

Dữ liệu kinh tế gần đây củng cố lập luận đó. Số liệu công bố hồi cuối tuần trước cho thấy hoạt động tuyển dụng ở Mỹ vẫn mạnh hơn dự kiến, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% và mức lương hàng tháng của người lao động tăng trưởng vững chắc. Trong tháng 11,  nền kinh tế lớn nhất thế giới bổ sung thêm 199.000 việc làm, tăng từ mức 150.000 của tháng trước.

“Thị trường lao động Mỹ đang kiên cường hơn mong đợi dù lãi suất tăng lên mức cao”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Berenberg, nói.

Knightley của ING cho biết, dữ liệu lạm phát mới của Mỹ, công bố vào hôm 12-12, có khả năng giúp Fed đẩy lùi quan điểm của thị trường rằng Fed sắp xoay trục chính sách.

“Chúng tôi kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ không đề cập đến cắt giảm lãi suất cho đến đầu năm 2024. Sự bền vững của thị trường lao động sẽ khiến các quan chức Fed giữ lại một số tùy chọn cho khả năng tăng lãi suất trong tương lai, nếu cần”, Lydia Boussour, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ernst & Young, bình luận.

Có một số bằng chứng cho thấy nhà đầu tư đang bắt đầu dao động. Số liệu việc làm và tiền lương mới nhất ở Mỹ khiến các nhà giao dịch trên thị trường tương lai giảm bớt đặt cược Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách sớm nhất là vào tháng 3-2024. Hầu hết họ giờ đây mong đợi Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 5.

Schmieding nói rằng, đà suy giảm gần đây của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách vì “thị trường đang nới lỏng các điều kiện tài chính”, điều mà các ngân hàng trung ương có thể muốn thực hiện vào nửa sau của năm 2024.

Các nhà hoạch định chính sách ở eurozone và Anh dự kiến phản đối câu chuyện giảm lãi suất của thị trường và có thể lấy số liệu việc làm tương đối mạnh mẽ để làm nền tảng cho lập luận của họ.

Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn gần mức thấp kỷ lục 6,5% và chi phí lao động đơn vị cho mỗi giờ làm việc ở khu vực này đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ khi dữ liệu được theo dõi vào năm 1995. Với tốc độ tăng giá trong lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động của eurozone vẫn ở mức 4%, các quan chức ECB cho biết, họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy chi phí lao động cao hơn sẽ không gây ra áp lực lạm phát lần thứ hai.

Một số vòng đàm phán lương tập thể lớn với các công đoàn ở châu Âu sẽ kết thúc vào đầu năm tới, bao gồm cả đối với 2,5 triệu nhân viên khu vực công Đức, khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu có lý do để phản đối những kỳ vọng giảm lãi suất sắp diễn ra.

Tuần trước, Isabel Schnabel, thành viên của Hội đồng điều hành ECB, nói rằng ECB sẽ theo dõi rất chặt chẽ các thỏa thuận tiền lương sắp tới vì điều này “chắc chắn đóng vai trò quan trọng đối với các quyết định chính sách tiền tệ của chúng tôi”.

“Tôi nghĩ  ECB sẽ muốn thấy bằng chứng cho thấy tăng trưởng tiền lương phù hợp với mục tiêu đưa lạm phát giảm xuống 2% cũng như tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp hấp thụ chi phí lao động cao hơn trước khi quyết định cắt giảm lãi suất”,  Katharine Neiss, cựu quan chức của BoE, nói.

Các chỉ số về tăng trưởng tiền lương ở Anh đã chậm lại và lạm phát của nước này cũng giảm xuống mức 4,7% trong tháng 10. Tại cuộc họp trong tuần này, Ủy ban chính sách tiền tệ của BoE dự kiến giữ lãi suất ở mức 5,25%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.

“Để cố gắng ngăn chặn các điều kiện tài chính nới lỏng hơn nữa và gửi tín hiệu thận trọng trước lúc vòng đàm phán tiền lương mới hoàn tất vào đầu năm tới, BoE có thể nhấn mạnh thông điệp duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn dự kiến”, nhà kinh tế Andrew Goodwin của Oxford Economics, nhận định.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới