Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương mua 1.136 tấn vàng năm ngoái, lớn nhất kể từ 1967

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các ngân hàng trung ương đã mua một lượng vàng khổng lồ 1.136 tấn, trị giá khoảng 70 tỉ đô la Mỹ trong 2022, lớn nhất kể từ năm 1967, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết trong một báo cáo hôm 31-1.

Tron năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua tổng cộng 1.136 tấn vàng, cao nhất kể từ năm 1967. Ảnh: thegoldobserver

Số liệu trên phản ánh sự thay đổi quan điểm đối với vàng kể từ những năm 1990 và 2000, khi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là các ngân hàng ở Tây Âu sở hữu nhiều vàng thỏi, đã bán hàng trăm tấn mỗi năm. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, các ngân hàng trung ương ở châu Âu ngừng bán vàng đồng thời ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ mua vào kim loại quí này.

Các ngân hàng trung ương chuộng vàng vì cho rằng vàng sẽ giữ được giá trị trong những thời kỳ kinh tế và chính trị bất ổn. Và không giống như tiền tệ và trái phiếu, vàng không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức phát hành hoặc chính phủ nào.

Vàng cũng cho phép các ngân hàng trung ương giảm sự phụ thuộc vào các tài sản khác trong kho dự trữ ngoại hối của họ bao gồm trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng đô la Mỹ.

Các ngân hàng trung ương đã tích trữ vàng với tốc độ lịch sử trong nửa cuối năm 2022, một động thái mà nhiều nhà phân tích cho rằng phản ánh mong muốn đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng đô la sau khi Mỹ đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga như một phần của lệnh trừng phạt đối với Moscow để đáp trả cuộc chiến ở Ukraine.

James Steel, nhà phân tích kim loại quý kỳ cựu của Ngân hàng HSBC, cho rằng chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư là lý do chính khiến các ngân hàng trung ương nắm giữ nhiều đô la Mỹ chuyển sang mua vàng. Ông giải thích thêm rằng lý do chính để chọn vàng là các ngân hàng trung ương bị hạn chế về các tài sản mà họ có thể nắm giữ và họ có thể không muốn mua vào các loại tiền tệ khác.

Theo WGC, lực mua vàng giảm trong đại dịch Covid-19 nhưng tăng tốc vào nửa cuối năm 2022, với việc các ngân hàng trung ương mua 862 tấn vàng trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12. Các ngân hàng trung ương mua đến 417 tấn vàng trong ba tháng cuối năm, cao hơn khoảng 12 lần so với cùng kỳ năm trước.

Nhà phân tích Krishan Gopaul của WGC nhận định: “Đây là sự tiếp tục của một xu hướng. Trên mặt trận địa chính trị và mặt trận kinh tế vĩ mô, vẫn có rất nhiều bất ổn và biến động”.

Các ngân hàng trung ương ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập và Qatar cho biết họ đã mua vàng vào năm ngoái. Tuy nhiên, khoảng 2/3 khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào năm ngoái đã không được báo cáo công khai, WGC cho biết.

Các ngân hàng không thường xuyên công bố thông tin về những thay đổi trong kho dự trữ vàng của họ bao gồm cả Trung Quốc và Nga.

Các khối lượng vàng mua đã được báo cáo cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu với gần 400 tấn vàng mua vào trong năm ngoái, tiếp theo là Trung Quốc, mua 62 tấn vàng trong tháng 11 và 12.

Giới phân tích tin rằng những bên mua số vàng còn lại chưa được báo cáo có thể là các ngân hàng trung ương và các cơ quan chính phủ ở Trung Quốc, Nga và các nước Trung Đông.

Lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương đã đưa tổng nhu cầu vàng toàn cầu vào năm ngoái lên 4.741 tấn, tăng 18% so với năm 2021 và là mức cao nhất kể từ năm 2011.

Krishan Gopaul cho rằng sức mua khổng lồ của các ngân hàng trung ương là một yếu tố tích cực đối với thị trường vàng, dù WGC cho rằng khối lượng vàng mà họ mua trong năm 2023 sẽ không sánh được với năm 2022 do tăng trưởng dự trữ ngoại hối của họ chậm lại.

“Kể từ năm 2010, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng sau hai thập niên bán ròng. Những gì chúng ta thấy gần đây trong môi trường này là các ngân hàng trung ương đã tăng tốc mua vàng lên mức cao nhất trong nhiều thập niên”, Gopaul nói.

Một lò tinh luyện vàng ở Sydney, Úc. Ảnh: Bloomberg

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đổ xô mua vàng thỏi và vàng xu để phòng thủ lạm phát cao. Họ đã mua tổng cộng 1.200 tấn vàng trong năm ngoái, mức cao nhất trong 9 năm, với lực mua mạnh nhất đến từ châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông.

Giá vàng đã giảm sâu từ mức cao kỷ lục hơn 2.000 đô la/oune vào tháng 3 năm ngoái,  xuống chỉ còn hơn 1.600 đô la/ ounce vào tháng 11 do lãi suất tăng, dẫn đến khoảng 3 tỉ đô la bị bị rút ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng trong năm ngoái. Vàng không có lãi suất, làm giảm sức hấp dẫn của nó đối với các nhà đầu tư khi lợi suất trái phiếu tăng lên.

Tuy nhiên, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã ngăn kim loại quý giảm giá sâu hơn nữa và tạo tiền đề cho một đợt phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng 11.

Trong ba tháng đó, giá vàng đã tăng gần 20%, lên mức cao nhất trong 9 tháng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ báo hiệu sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Trong phiên giao dịch sáng nay (1-2), giá vàng tương lai giao tháng 4 trên sàn Comex ở New York giao dịch trên mức 1.941 đô la/ounce, giảm nhẹ so với giá đóng cửa hôm trước.

WGC kỳ vọng nhu cầu vàng từ các nhà đầu tư tổ chức sẽ phục hồi trong năm nay khi lãi suất ở các nền kinh tế lớn đạt mức cao nhất, nhưng lạm phát suy yếu có thể làm giảm nhu cầu đối với vàng thỏi và vàng xu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Với lực mua mạnh của các ngân hàng trung ương và dòng vốn dự kiến sẽ quay trở lại đối với các quỹ ETF vàng, Ngân hàng UBS nâng giá mục tiêu cuối năm đối với vàng lên 2.100 đô la/ounce, tăng từ mức 1.850 đô la trong dự báo trước đó.

Theo Reuters, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới