(KTSG Online) – Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua thêm 228 tấn vàng trong quí 1, đánh dấu khối lượng mua cao nhất trong quí đầu tiên hàng năm kể từ khi được dữ liệu thống kê vào năm 2000, theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC).
- Giới đầu tư đặt cược giá vàng tăng tiếp
- Các ngân hàng trung ương mua 1.136 tấn vàng năm ngoái, lớn nhất kể từ 1967
Báo cáo của WGC, công bố hôm 5-5, cho biết tổng nhu cầu vàng toàn cầu trong quí 1 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022, lên 1.174 tấn nhờ sự phục hồi của thị trường phi tập trung (OTC). Trong khi đó, tổng nguồn cung vàng toàn cấu cũng tăng 1%, nhờ khối lượng vàng khai thác đạt mức cao kỷ lục 856 tấn trong quí 1, và sản lượng vàng tái chế tăng 5%, đạt 310 tấn.
Trong 3 tháng tính đến cuối tháng 3, các ngân hàng trung ương đã bổ sung tổng cộng 228 tấn vào kho dự trữ vàng của họ, khối lượng mua cao nhất trong quí đầu tiên hàng năm kể từ khi WGC thống kê dữ liệu vào năm 2000.
Trao đổi với CNBC, Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại WGC, nhận định đây là sự tiếp nối của các xu hướng chứng kiến sức mua vàng của các ngân hàng trung ương tăng vọt lên mức cao nhất 11 năm vào năm 2022.
Ông giải thích các tổ chức nhà nước xem vàng là tài sản đa dạng hóa, có khả năng lưu trữ giá trị trong dài hạn. Điều này được thể hiện trong hai năm qua khi kim loại quí này có hiệu suất tăng giá tốt trong thời kỳ khủng hoảng.
Dù vậy, WGC dự báo nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ dịu lại trong năm nay sau khi tăng đột biến vào năm 2022.
Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) là ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất trong quí 1, với 69 tấn vàng bổ sung vào kho dự trữ. Khối lượng vàng mà MAS đang quản lý cao hơn 45% so với cuối năm 2022.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng mua thêm 58 tấn vàng trong quí vừa qua và hiện nắm giữ 2.068 tấn vàng trong kho dự trữ, chiếm 4% tổng dự trữ vàng được báo cáo trên toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa là người mua lớn, tăng dự trữ thêm 30 tấn vàng. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua thêm 7 tấn vàng trong quí đầu tiên.
Nhu cầu vàng trang sức toàn cầu đạt 478 tấn trong quí 1, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 198 tấn trang sức vàng trong quí 1, chiếm 41% tổng lượng mua vàng trang sức toàn cầu. Nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng trở lại sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn Covid-19. Tuy nhiên, Ấn Độ ghi nhận nhu cầu vàng trang sức suy yếu trong 3 tháng đầu năm do giá vàng tăng cao.
Giá vàng một lần nữa vượt qua ngưỡng 2.000 đô la Mỹ/ounce trong tuần này và cách không xa mức cao kỷ lục 2.069 đô la được thiết lập vào ngày 6-8-2020. Giới đầu tư đang nhắm đến kim loại quí này trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu bất ổn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng dừng tăng lãi suất và ngành ngân hàng Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thoát khỏi khủng hoảng.
Các quỹ hoán đổi danh mục ( ETF) được hỗ trợ bằng vàng vật chất chứng kiến dòng vốn chảy vào đáng kể trong tháng 3 trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về rủi ro hệ thống tài chính của nền kinh tế Mỹ sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank. Gần đây nhất, ngân hàng First Republic Bank sụp đổ và nhanh chóng được JPMorgan Chase mua lại trong một nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Tuy nhiên, nhà kinh tế nhận định tổn thương sẽ còn lan rộng hơn nữa trong các ngân hàng khu vực của Mỹ.
Trong quí vừa qua, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu của giới đầu tư nhỏ lẻ trên toàn cầu tăng 5%, lên 302 tấn. Đã có sự chuyển dịch đáng chú ý ở các thị trường quan trọng, với nhu cầu vàng thỏi và vàng xu ở Mỹ đạt mức hàng quí cao nhất kể từ năm 2010 khi giới đầu tư lo ngại khủng hoảng ngân hàng và suy thoái kinh tế.
Trái lại, nhu cầu vàng thỏi và vàng xu ở châu Âu suy yếu, đặc biệt, nhu cầu ở Đức giảm 73% trong quí 1. WGC cho rằng các nhà đầu tư ở châu Âu đã đẩy mạnh chốt lời vàng khi giá kim loại này tính theo đồng euro tăng mạnh.
Nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ tiếp tục suy yếu do môi trường kinh tế khó khăn. Nhu cầu vàng trong lĩnh vực này giảm xuống còn 70 tấn trong quí 1, mức thấp thứ hai tính theo quí kể từ năm 2000.
Theo CNBC, WGC