Thứ Sáu, 5/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương mua vàng với tốc độ kỷ lục

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong hai tháng đầu năm 2023, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tích lũy vàng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WGC).

Tính đến tháng 2, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng trong 7 tháng liên tiếp. Ảnh: Investing News

Trong tháng 1 và tháng 2, các ngân hàng trung ương đã mua ròng tổng cộng 125 tấn vàng, mức mua cao nhất trong khoảng thời gian kể từ khi bắt đầu mua ròng vào năm 2010. Tính đến tháng 2, các ngân hàng trung ương đã mua vàng 7 tháng liên tiếp.

Báo cáo của WGC cho biết, các nước mua vàng nhất trong 2 tháng đầu năm là Singapore (51,4 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (45,5 tấn), Trung Quốc (39,8 tấn) và Ấn Độ (2,8 tấn). Khối lượng dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Nga tăng thêm 31,1 tấn. Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ mới công bố thông tin cập nhật về dự trữ vàng lần đầu tiên sau khoảng một năm. Vì vậy,  số vàng tăng thêm này có thể được mua trong nhiều tháng.

Trong khi đó, rất ít ngân hàng trung ương giảm dự trữ vàng. Những nước bán ròng vàng trong hai tháng đầu năm gồm  Kazakhstan, Uzbekistan, Croatia và Các Tiểu vương quốc Arab thông nhất (UAE).

Theo dữ liệu mới nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tăng lượng nắm giữ vàng thêm khoảng 18 tấn trong tháng 3. Tổng dự trữ vàng của PBoC đang ở mức khoảng 2.068 tấn, sau khi tăng khoảng 102 tấn trong bốn tháng trước tháng 3.

Trong những nước mua ròng vàng, có ba thành viên của khối các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Xét theo sức mua tương đương, lần đầu tiên tỷ trọng của các nước BRICS trong nền kinh tế toàn cầu đã vượt qua tỷ trọng của các quốc gia G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ),

Vàng đóng vai trò quan trọng trong một thế giới đa cực. BRICS cần kim loại quý này để hỗ trợ tiền tệ và tránh xa đô la Mỹ, đồng tiền dự trữ ngoại hối thống trị toàn cầu trong khoảng một thế kỷ qua. Ngày càng có nhiều giao dịch thương mại toàn cầu được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Có thông tin cho biết, BRICS đang phát triển phương thức thanh toán riêng. Các nước BRICS được dự báo sẽ tiếp tục mua ròng vàng khi tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối để giảm phụ thuộc vào đô la.

Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Robert Minter, Giám đốc chiến lược đầu tư ETF của Công ty đầu tư Abrdn, cho biết nhu cầu của ngân hàng trung ương là động lực quan trọng khiến các nhà đầu tư cần cân nhắc mua vàng.

Theo ông, vàng sẽ là tài sản hưởng lợi lớn nhất trong một một thế giới tiền tệ đa cực. “Các ngân hàng trung ương sẽ chưa dừng mua vàng sớm. Đô la Mỹ cũng sẽ không sớm đánh mất vị thế thống trị với tư cách là ngoại tệ dự trữ hàng đầu. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đa dạng hóa khỏi  đô la”, ông nói.

Xu hướng phi đô la hóa đã đạt được động lực chú ý trong năm qua khi các nước phương Tây trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Một diễn biến đáng chú ý khác là các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng đón nhận dòng vốn ròng trong tháng 3 vừa qua sau khi bị rút ròng 10 tháng liên tiếp. Giới đầu tư đã bổ sung gần 1 triệu ounce (28,34 tấn) vàng vào các quỹ ETF vàng vật chất trong tháng 3, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3-2022. Tính đến cuối 3, tổng lượng vàng mà các quỹ nắm giữ khoảng 93,2 triệu ounce (2.642 tấn), theo dữ liệu của Bloomberg

Trước những tin tức kinh tế ảm đạm như lạm phát vẫn cao, lãi suất tăng, lĩnh vực ngân hàng bất ổn và căng thẳng địa chính trị leo tháng, vàng đang có xu hướng tăng mạnh khi giới đầu tư tìm nơi nương náu an toàn. Hôm 6-4, giá vàng tương lai trên thị trường New York lên mức 2.032 đô la/ounce, chỉ thấp hơn 43 đô la so với mức cao kỷ lục được thiết lập vào tháng 8-2020.

Tích trữ vàng có thể là chiến lược khôn ngoan vào thời điểm này, đặc biệt là khi các tín hiệu suy thoái đang bắt đầu lóe lên. Hoạt động sản xuất nhà máy của Mỹ giảm với tốc độ nhanh hơn trong tháng thứ tư liên tiếp, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất  giảm xuống còn 46,3 điểm trong tháng 3. Đây là mức điểm PMI sản xuất thấp thứ ba trong 15 năm qua ở Mỹ, theo Viện Quản lý cung ứng (ISM).

Chiến dịch thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) nhằm hạ nhiệt nền kinh tế dường như đang có tác dụng như kỳ vọng. Điều này có nghĩa là Fed có thể tính đến việc dừng tăng lãi suất.

Theo hai nhà phân tích Alexander Redman và Della Chen của hãng môi giới và đầu tư CLSA, trong 70 năm qua, mỗi khi Fed dừng tăng lãi suất sau một chu kỳ tăng, suy thoái kinh tế thường xảy ra sau đó, với độ trễ trung bình là 6 tháng.

Hai nhà phân tích này tin rằng, Fed chỉ còn tiến hành một đợt tăng lãi suất nhỏ nữa trước khi dừng lại và bắt đầu đảo ngược hướng đi. Dự báo, chu kỳ tăng lãi suất lần này của Fed sẽ hoàn thành vào tháng 7 tới.

Nếu dự báo trên là chính xác, nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào cuối quí 4. Khi suy thoái sắp xảy ra, mua vàng vào thời điểm này để vượt qua thời kỳ khó khăn phía trước là điều hợp lý, theo nhận định của giới phân tích.

 Theo Mining, Kitco News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới