Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các ngân hàng trung ương nhắm đến nhân dân tệ để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các ngân hàng trung ương đang nhắm đến đến đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối vì lo ngại sự thống trị của đồng đô la Mỹ có thể dần suy giảm trong bối cảnh các căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu ngày càng gia tăng, theo cuộc khảo sát của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ).

Theo một cuộc khảo sát hàng năm của UBS ở 30 ngân hàng trung ương hàng đầu được thực hiện giữa tháng 4 và tháng 6 năm nay, tỉ lệ các nhà quản lý dự trữ ngoại hối ở ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã đầu tư hoặc quan tâm đến việc đầu tư vào đồng NDT đã tăng lên 85% trong năm nay. Vào năm ngoái, tỉ lệ này là 81%.

“Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự xói mòn dần của đồng đô la. Bức tranh đang xuất hiện là một hệ thống tiền tệ đa cực”, ông Massimiliano Castelli, Giám đốc chiến lược phụ trách các thị trường có chủ quyền toàn cầu tại UBS nói.

Mối quan tâm ngày càng tăng đối với NDT của Trung Quốc diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh đóng băng khoảng 300 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ của Nga để trừng phạt Moscow vì đã phát động cuộc chiến tranh ở Ukraine vào đầu năm nay.

Việc các cường quốc phương Tây gia tăng trừng phạt Nga đang làm phức tạp thêm mối quan hệ với các nước không tham gia vào các lệnh trừng phạt, trong đó có Trung Quốc.

Điều này càng làm gia tăng sự chia rẽ giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn bắt đầu bị đẩy cao lên trong cuộc chiến thương mại mà chính quyền Mỹ tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump phát động để chống lại Bắc Kinh.

Kết quả cuộc khảo sát của USB cho thấy, 80% nhà quản lý ở các ngân hàng trung ương tin rằng, việc hướng tới một thế giới đa cực sẽ có lợi cho đồng NDT, chưa đến một nửa trong số này cho biết điều đó sẽ có lợi cho đồng đô la Mỹ.

Lo ngại về mức lạm phát cao ở Mỹ và nỗ lực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) để hạ nhiệt giá cả đã ảnh hưởng đến tâm lý ngắn hạn đối với đồng đô la Mỹ. Các ngân hàng trung ương thường nắm giữ đô la thông qua trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn bị bán tháo mạnh trong năm nay do Fed thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cuộc khảo sát của Ngân hàng UBS cũng cho thấy các nhà quản lý dự trữ ngoại hối ở các ngân hàng trung ương đang tìm kiếm các tài sản thay thế khác như cổ phiếu, nợ “xanh” và trái phiếu được bảo vệ chống lạm phát (lãi suất được điều chỉnh theo tốc độ tăng của lạm phát) do lo ngại rủi ro khi nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ. Gần một nửa nhà quản lý dự trữ ngoại hối được hỏi cho biết danh mục đầu tư hiện đa dạng hơn so với năm ngoái.

Tuy hiện tại đồng đô la Mỹ vẫn là đồng tiền dự trữ hàng đầu của thế giới nhưng khoảng cách dẫn đầu của đồng tiền này đã giảm trong những năm gần đây. Đồng bạc xanh chiếm dưới 60% dự trữ ngoại hối được phân bổ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu vào cuối quí đầu tiên của năm 2022, giảm so với mức 65% của cùng kỳ năm 2016, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, tỉ lệ phân bổ dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương dành cho NDT vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ, dưới 3%.

Cho đến nay, phần lớn các nhà quản lý dự trữ ngoại hối ở các ngân hàng trung ương đã bổ sung lượng đô la vào kho dự trữ. Trong số các nhà quản lý được khảo sát, 62% nói rằng đã bổ sung thêm đô la cho kho dự trữ đồng ngoại hối trong năm ngoái, trong khi 54% cho biết tăng nắm giữ NDT.

“Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy các ngân hàng trung ương và các nhà quản lý dự trữ ngoại hối tính toán những gì họ có thể nắm giữ trong danh mục đầu tư để chống lại sự biến động của thị trường và các sự kiện kinh tế vĩ mô”, Castelli nói.

Trong một diễn biến khác, vào cuối tuần qua, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, đã ký Thỏa thuận thanh khoản nhân dân tệ (RMBLA) với Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Ngân hàng trung ương Indonesia, Ngân hàng trung ương Malaysia, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông, Cơ quan Tiền tệ Singapore và Ngân hàng trung ương ương Chile.

PBoC cho biết thỏa thuận này sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các bên tham gia trong thời điểm thị trường biến động. Mỗi bên tham gia sẽ đóng góp tối thiểu 15 tỉ nhân dân tệ (2,2 tỉ đô la) hoặc số đô la Mỹ có giá trị tương đương vào một quỹ chung.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới