Hiện nay, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng dẫn đến ung thư dạ dày ngày càng nhiều do chế độ ăn uống sinh hoạt bất hợp lý, cũng như tính chất của công việc hành chính, văn phòng. Theo các bác sĩ, stress do áp lực công việc, bỏ bữa, giờ giấc ăn uống thất thường, tần suất sử dụng rượu, thuốc lá và cà phê cao đã tạo cơ hội cho căn bệnh dạ dày trở nên quen thuộc với những người “bán mặt cho máy tính, bán lưng cho trần nhà”.
- Rủi ro từ trào lưu detox thải độc, thanh lọc cơ thể
- Nhiễm HP dạ dày – hiểu đúng để không trở thành nỗi ám ảnh
Các triệu chứng ban đầu của bệnh dạ dày thường mơ hồ, không gây đau đớn dữ dội mà tương tự như các rối loạn tiêu hóa khác nên thường bị coi nhẹ và bỏ qua. Dù bệnh không gây tử vong nhưng nếu không điều trị dứt điểm và tuân thủ chế độ sinh hoạt hợp lý, bệnh rất dễ tái phát hoặc dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày hay thủng dạ dày…
Vậy các dấu hiệu phổ biến để nhận biết chứng đau dạ dày là gì? Bên cạnh việc bỏ bữa và ăn uống thất thường, những nguyên nhân nào làm a-xít dạ dày tăng cao, dẫn đến các bệnh liên quan như đau dạ dày và làm thế nào để dân văn phòng thoát khỏi căn bệnh này… Tất cả những thắc mắc này sẽ được bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa Nội soi Tiêu hoá, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) giải đáp trong Bản tin 360 độ sống khoẻ ngày 22-11.
Ngoài ra, thông tin về ca ghép da từ người chết não đầu tiên ở Việt Nam; Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế cảnh báo về viên bổ phổi DK3 “đánh bật Covid-19” quảng cáo sai sự thật… là những nội dung nổi bật trong phần điểm tin của bản tin ngày hôm nay.