Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nhà điều hành trạm sạc xe điện của Trung Quốc chật vật tìm kiếm lợi nhuận

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dù doanh số xe điện của Trung Quốc liên tiếp tăng lên các mức cao kỷ lục, triển vọng lợi nhuận của các nhà điều hành trạm sạc pin vẫn mờ mịt do mức độ sử dụng vẫn còn quá thấp so với công suất thiết kế. Một vấn đề khác là số lượng trạm sạc phân bố không đồng đều, tập trung quá nhiều ở khu vực đô thị và thưa thớt ở khu vực ít dân cư.

Các điểm sạc dành cho xe điện Buick Velite EV của General Motors ở Thượng Hải. hơn 70% điểm sạc công cộng hiện tại của Trung Quốc được đặt tại 10 tỉnh và thành phố phát triển kinh tế nhất. Ảnh: Bloomberg

Jiang Guotao, tài xế xe công nghệ làm việc ở Thượng Hải, đã lái chiếc Qin, một mẫu xe lai sạc điện (hybrid) nhỏ gọn do BYD sản xuất, về quê hương Hợp Phì ở phía tỉnh An Huy trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh hồi đầu tháng 10. Trong bốn giờ lái xe với quãng đường 400 km, anh chỉ sạc xe một lần, mất chưa đầy 30 phút, tại một điểm sạc ở trạm dịch vụ dừng chân trên đường cao tốc.

Trong khi đó, Hou Jiajin, nhân viên 33 tuổi tại một công ty internet, vốn đã quen với sự hiện diện nhan nhãn của các trạm sạc ở Thâm Quyến, lái chiếc Tesla Model 3 trong chuyến đi đến Tân Cương hồi tháng 8. Nhưng sau nhiều lần không tìm được trạm sạc trong suốt hành trình 4.300 km và suýt cạn pin trên đường cao tốc, Jiajin không dám mạo hiểm lái xe đường dài nữa.

Khi Trung Quốc dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện, chiếm 60% doanh số bán xe điện toàn cầu, hạ tầng trạm sạc của nước này cũng được triển khai với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Guotao và Jiajin cho thấy những thách thức lớn tiếp theo đối với cả các nhà hoạch định chính sách và công ty điều hành trạm sạc có thu phí.

Sự phân bố không đồng đều các trạm sạc trên khắp đất nước rộng lớn, cũng như sự không chắc chắn về triển vọng lợi nhuận của các trạm sạc thương mại đặt ra nghi ngờ về việc Trung Quốc có thể cung cấp đủ năng lượng để tiếp tục thúc đẩy cuộc cách mạng xe điện hay không.

70% điểm sạc công cộng tập trung ở 10 tỉnh thành lớn

Theo Bộ Công an Trung Quốc, tính đến cuối tháng 9, Trung Quốc có 18,2 triệu xe năng lượng mới (NEV), một danh mục bao gồm xe thuần điện, xe hybrid và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai cơ sở hạ tầng sạc với quy mô ấn tượng, Abhishek Murali, nhà phân tích cấp cao tại Công ty tư vấn nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho biết. Theo Liên minh Xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc xe điện Trung Quốc (EVCIPA), tính đến cuối tháng 9, số lượng điểm sạc đạt 7,6 triệu, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Murali cho biết, hầu hết các mẫu xe điện phổ biến của Trung Quốc đều có kích thước nhỏ, giúp dễ dàng triển khai nhanh chóng những thiết bị sạc nhỏ, chi phí rẻ.

Tỷ lệ xe điện so với điểm sạc trên toàn quốc hiện ở mức 2,5:1, so với 3:1 một năm trước. Nhưng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đặt những mục tiêu đầy tham vọng hơn: tăng tỷ lệ lên đạt 2:1 vào năm 2025 và 1:1 vào năm 2030. Các thành phố lớn, bao gồm các trung tâm xe điện của Trung Quốc như Thâm Quyến và Thượng Hải, cũng đã đặt ra kế hoạch mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng sạc.

Ở Thượng Hải, Guotao không sở hữu bộ sạc tại nhà. Mỗi buổi sáng, anh thường đến cây xăng gần nhất, nơi có lắp đặt các điểm sạc để nạp điện cho xe. Trong khi lái xe chở khách quanh thành phố, anh ghé vào bãi đậu xe ngầm của một trung tâm mua sắm khi xe cần sạc. Là chủ sở hữu xe điện của BYD, Guotao được phép hai giờ đỗ xe miễn phí ở đó.

“Trong bán kính hai km, bạn có thể tìm thấy 10 đến 15 trạm sạc xe điện khi lái xe ở Thượng Hải. Không ai phải lo lắng về việc sạc pin”, Jiang nói.

Nhưng những người lái xe điện ở những khu vực ít dân cư không cảm thấy như vậy. “Cơ sở hạ tầng sạc công cộng của Trung Quốc phân bổ không đồng đều. Có nhiều điểm sạc ở thành thị hơn ở nông thôn, ở các tỉnh miền đông nhiều hơn miền tây”, Shen Fei, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách quản lý năng lượng của nhà sản xuất xe điện Nio (Trung Quốc), nói.

Trên thực tế, hơn 70% điểm sạc công cộng hiện tại của Trung Quốc được đặt tại 10 tỉnh và thành phố phát triển kinh tế nhất, bao gồm Quảng Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Thượng Hải và Bắc Kinh, theo EVCIPA.

Triển vọng lợi nhuận còn xa vời

Sự phân bố không đồng đều của các điểm sạc không lạ vì điều đó phản ánh mô hình phân bổ quyền sở hữu xe điện. Tuy nhiên, mật độ điểm sạc cao ở khu vực thành thị dẫn đến việc sử dụng dưới công suất thiết kế.

Shen cho biết, các điểm sạc được triển khai dọc theo đường cao tốc và ở khu vực nông thôn có thể không được sử dụng nhiều, chỉ đáp ứng được nhu cầu trong những ngày nghỉ lễ khi có nhiều người đi du lịch hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu thốn trạm sạc cũng có thể cản trở doanh số bán xe điện ở những khu vực đó.

Theo EVCIPA, chỉ có khoảng 30% điểm sạc ở Trung Quốc phục vụ công cộng, tương đương với 2,5 triệu điểm sạc do các nhà khai thác thương mại quản lý và lắp đặt dọc đường, bãi đỗ xe, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác. Phần còn lại là các điểm sạc riêng được lắp đặt tại nhà hoặc dành riêng cho nhân viên kinh doanh hoặc đội xe.

Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng mức các điểm sạc nói chung có nghĩa là triển vọng lợi nhuận vẫn còn mờ mịt với đối với các nhà khai thác thương mại, đặc biệt là khi chi tiêu cho thiết bị, hoạt động lắp đặt, phần mềm, bảo trì và đào tạo nhân viên dịch vụ ngày càng tăng.

Hồi tháng 4, mạng lưới sạc xe điện lớn nhất Trung Quốc của TELD, có hơn 466.000 điểm sạc trên toàn quốc, báo cáo lỗ ròng 26 triệu nhân dân tệ (3,6 triệu đô la Mỹ) trong năm 2022. Đây là khoản lỗ ròng hàng năm thứ tư liên tiếp của công ty. TGOOD, công ty mẹ của TELD, giải thích khoản lỗ này là do chi tiêu tốn kém cho hạ tầng và tỷ suất lợi nhuận của hoạt động kinh doanh sạc xe điện thường thấp.

Doanh thu phí sạc chưa đủ trả tiền mua điện

StarCharge, mạng sạc công cộng lớn thứ hai ở Trung Quốc, với khoảng 419.000 điểm sạc, ước tính chỉ tiêu thụ khoảng 40 kilowatt giờ (kWh) điện mỗi ngày cho mỗi trạm, với tỷ lệ sử dụng hàng ngày là 8%. Theo Rystad Energy, trung bình mỗi trạm sạc được sử dụng ít hơn hai giờ mỗi ngày.

Rystad ước tính, với mức phí từ 0,2-0,25 đô la mỗi kWh, 40 kWh tiêu thụ mang lại doanh thu hàng ngày chỉ 10 đô la cho mỗi điểm sạc, thấp hơn nhiều so với chi phí mua điện, chưa tính chi phí đầu tư

“Một cách để bù đắp những chi phí này là tính phí nhiều hơn cho lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên, phí cao có thể khiến người tiêu dùng không muốn sử dụng các trạm sạc công cộng, đặc biệt là khi so sánh với chi phí sạc tại nhà”, Murali cho biết.

Theo Liu Bo, người sáng lập KeyCool, nhà điều hành mạng sạc công cộng có trụ sở tại Thượng Hải với khoảng 10.000 điểm sạc trên toàn quốc, thị trường sạc công cộng hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào công suất sử dụng điểm sạc và và khối lượng sạc để kiếm lợi nhuận.

Ông cho rằng, dù cho thuê quảng cáo (ở điểm sạc) và trợ cấp của chính phủ mang lại một khoản doanh thu nhỏ nhưng điều cấp thiết là các nhà khai thác phải đa dạng hóa danh mục đầu tư kinh doanh.

Theo Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research, thị trường sạc hiện tại của Trung Quốc cũng rất đông đúc khi có nhiều công ty nhảy vào với kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai.

Các nhà khai thác hàng đầu tiếp tục mở rộng nhanh chóng. TELD cho biết đã bổ sung 111.000 điểm sạc công cộng vào năm ngoái, nâng tổng số điểm sạc tăng 40% so với năm 2021. Dữ liệu từ EVCIPA tính đến tháng trước cho thấy, 15 nhà mạng sạc lớn nhất Trung Quốc chiếm 92% thị trường. Theo Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc, điều đó khiến khoảng 3.000 nhà khai thác khác đang phải tranh giành 8% thị phần còn lại.

“Khi số lượng trạm sạc và điểm sạc dành cho những tay chơi dẫn đầu tăng lên, cùng với hoạt động có trật tự và lợi nhuận được cải thiện, chúng tôi tin rằng những đối thủ nhỏ hơn sẽ dần biến mất”, Lam nói.

Theo Alex Wu Xuelu, đồng sáng lập NaaS Technology, một trong những dịch vụ sạc xe điện lớn nhất Trung Quốc, việc kết hợp dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và phân tích vào quy hoạch và triển khai cơ sở hạ tầng sạc xe điện có thể tăng hiệu quả và mức sử dụng đồng thời giảm chi phí vận hành của nhà cung cấp.

Nhà sản xuất xe điện Nio đã sử dụng thuật toán để tập trung vào các địa điểm có nhu cầu sạc cao khi triển khai các trạm sạc. Hệ thống dịch vụ điện của Nio, được hỗ trợ bởi công nghệ đám mây, khuyến nghị sạc, hoán đổi pin hoặc nâng cấp dựa trên thói quen và nhu cầu lái xe của mỗi người dùng, từ đó cải thiện hiệu quả và công suất sử dụng của trạm sạc.

Bất chấp những thách thức, các công ty năng lượng và nhà sản xuất ô tô vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường sạc xe điện tại Trung Quốc. Hồi tháng 9, Tập đoàn Shell đã khai trương trạm sạc xe điện lớn nhất toàn cầu tại Thâm Quyến. Trạm này có 258 điểm sạc nhanh công cộng và có thể phục vụ hơn 3.300 xe điện mỗi ngày. Các nhà khai thác điểm sạc gần đây cũng đã có thể tăng phí. Tháng trước, Tân Hoa Xã đưa tin phí tại một số trạm sạc ở Thượng Hải đã tăng gần gấp đôi trong vài tháng qua.

Theo SCMP

1 BÌNH LUẬN

  1. Xe động cơ đốt trong có hơn một thế kỷ để tiến hóa. Đến ngày nay phải nhường chỗ cho xe điện vì không thể thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, mọi sự khởi đầu nan. Để xe điện chiếm lĩnh thị trường, đừng nôn nóng có lợi nhuận ngay và cao. Đó là điều không tưởng. Đây phải là cuộc chơi của người kiên quyết và kiên nhẫn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới