(KTSG Online) - Các nhà máy lọc dầu châu Á đang săn tìm dầu thô thay thế nguồn cung của Kuwait khi nước này cắt giảm xuất khẩu gần 20% để phục vụ nhu cầu của một nhà máy lọc dầu khổng lồ mới trong nước. Quyết định của Kuwait đang đẩy giá các loại dầu thô chua khác lên cao và có khả năng làm giảm biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở châu Á.
- Lợi nhuận ngành lọc dầu châu Á giảm nhanh khi nhu cầu nhiên liệu hạ nhiệt
- Saudi Arabia gia hạn cắt giảm sản xuất 1 triệu thùng/ngày sang tháng 9
Động thái giảm xuất khẩu của Kuwait diễn ra sau khi Saudi Arabia, nước dẫn đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ của (OPEC), tự nguyện giảm sản xuất 1 triệu thùng dầu mỗi tháng trong những tháng gẩn đây, khiến giá dầu Brent lên gần 90 đô la/thùng.
Vì vậy, nguồn cung càng eo hẹp đối với các máy lọc dầu châu Á, có 2/3 lượng dầu thô nhập khẩu phụ thuộc vào các nước Trung Đông.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, vốn đã đầu tư mạnh vào các nhà máy mới được thiết kế để xử lý dầu chua (hàm lượng lưu huỳnh cao), đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.
Dầu giảm giá từ Nga đã giảm bớt phần nào khó khăn cho Trung Quốc và Ấn Độ, giúp họ thay thế một số nguồn cung của Kuwait. Nhưng hầu hết các khách hàng của Kuwait sẽ phải trả tiền cao hơn để mua dầu có chất lượng tương tự từ các nhà cung cấp khác như Saudia Arabia, Iraq và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hoặc mua các loại dầu ngọt đắt tiền hơn từ các khu vực khác.
“Saudi Arabia và UAE là những ứng cử viên hàng đầu để lấp đầy khoảng trống nguồn cung ở Trung Đông do họ cũng sản xuất và xuất khẩu các thùng chua vừa. Tuy nhiên, vẫn không chắc chắn họ có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà máy lọc dầu châu Á”, Janiv Shah, nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, nói.
Nhà phân tích Sun Jianan của Energy Aspects nhận định, việc cắt giảm sản lượng liên tục từ các nhà sản xuất OPEC và các đồng minh của họ cũng như công suất lọc dầu mới được thiết kế để xử lý dầu thô chua có thể dẫn đến nguồn cung bị thắt chặt cho đến cuối năm 2024.
Theo dữ liệu của Kpler, các lô hàng xuất khẩu dầu thô của Kuwait đã giảm khoảng 10% xuống còn 1,61 triệu thùng mỗi ngày trong giai đoạn 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022 khi nhà máy lọc dầu Al Zour của nước này tăng công suất vận hành.
Dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu thô của Kuwait sang Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ giảm hơn 17% trong cùng kỳ, trong khi khối lượng xuất khẩu sang Pakistan, Philippines và Thái Lan giảm xuống zero.
Trong nửa cuối năm, Kuwait sẽ giảm xuất khẩu tới 300.000 thùng/ngày, giảm 18% so với nửa đầu năm, do nước này chuyển nguồn cung sang nhà máy Al Zour 615.000 thùng/ngày.
Ngoài ra, nhà máy lọc dầu Duqm công suất 230.000 thùng/ngày thuộc sở hữu một liên doanh của Kuwait tại Oman dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2023. Điều này có thể làm giảm xuất khẩu dầu thô của Kuwait thêm 100.000 thùng/ngày xuống 200.000 thùng/ngày vào năm 2024, các chuyên gia tư vấn dự báo.
Tập đoàn Dầu mỏ Kuwait (KPC) đã thông báo cho khách hàng rằng, khối lượng dầu xuất có thể dao động mỗi tháng và có thể giảm hơn nữa khi nhà máy Al Zour đi vận hàng hết công suất.
Nguồn cung càng bị siết chặt khi công suất lọc dầu mới 1 triệu thùng/ ngày ở Trung Quốc đi vào hoạt động. Nhà máy lọc dầu công suất 320.000 thùng/ngày của Shenghong Petrochemical và một nhà máy khác công suất 400.000 thùng/ngày của PetroChina đã bắt đầu hoạt động thương mại vào đầu năm nay. Trong khi đó, nhà máy lọc dầu công suất 400.000 thùng/ngày của Yulong Petrochemical dự kiến bắt đầu chạy thử trong quý 4
“Hầu như tất cả các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc được thiết kế để xử lý chủ yếu dầu thô chua vừa”, một thương nhân dầu mỏ Trung Quốc nói, đồng thời cho biết nguồn cung khan hiếm sẽ làm giảm lợi nhuận tại các nhà máy lọc dầu trong nước vốn đang vật lộn với nhu cầu ảm đạm.
Xuất khẩu dầu của Kuwait sang những khách hàng chính, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan, dự sẽ giảm hơn nữa từ tháng 10 sau khi Kuwait nối lại cung cấp cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ở Việt Nam sau hai tháng bảo trì theo lịch trình. Nhà máy này là một liên doanh bao gồm Công ty Kuwait Petroleum International.
KY Lin, người phát ngôn của Tập đoàn hóa dầu Formosa Đài Loan, cho biết Formosa có thể thay thế nguồn cung của Kuwait bằng các loại như Basra Medium của Iraq, dầu al-Shaheen của Qatar và Oman. Ngoài ra, Formosa cũng có thể xử lý dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ.
Theo James Forbes, nhà phân tích của FGE, trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu dầu thô của khu vực Trung Đông dự kiến sẽ giảm gần 8%, tương đương 1,35 triệu thùng/ngày, so với nửa đầu năm.
Các nhà máy lọc dầu châu Á đang chịu áp lực khi các nhà sản xuất Trung Đông đã tăng giá bán chính thức cho nguồn cung từ tháng 7 đến tháng 9. Mức chiết khấu của dầu thô Dubai chua so với dầu thô Brent ngọt đã thu hẹp mạnh xuống còn khoảng 1 đô la một thùng từ mức gần 6 đô la vào đầu năm.
Theo Reuters