Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nhà sản xuất điện mặt trời Hàn Quốc kiện vì bị buộc cắt giảm công suất

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - 12 nhà sản xuất năng lượng mặt trời quy mô nhỏ trên hòn đảo nhiệt đới Jeju vừa nộp kiện Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco) - cơ quan điều hành lưới điện quốc gia Korea Power Exchange (KPX), và Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc. Lý do kiện là họ bị yêu cầu giảm công suất mà không có lời giải thích rõ ràng từ các cơ quan quản lý.

Một trang trại điện mặt trời trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: Arirang

Hãng tin Bloomberg đưa tin đơn kiện được nộp ở tòa quận Gwangju ở thành phố Gwangju hôm 8-6.

“Nhà máy của tôi về cơ bản là ngừng hoạt động mỗi khi mặt trời mọc. Đó là sự không công bằng và không thể đoán trước vì một số nhà máy bị yêu cầu cắt giảm công suất nhiều hơn những nhà máy khác”, Kim Jaekwon, một trong những nguyên đơn và là chủ sở hữu một trang trại năng lượng mặt trời có tổng công suất 4,5 MW, nói.

Kepco và KPX từ chối bình luận về vụ kiện, nói rằng họ cần thời gian để kiểm tra đơn kiện chính thức của các chủ sở hữu nhà máy điện mặt trời. Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc cho biết việc cắt giảm công suất điện mặt trời là biện pháp không thể tránh khỏi vì việc duy trì nguồn cung điện ổn định là ưu tiên hàng đầu so với nhu cầu ngăn ngừa tổn thất do cắt giảm công suất.

Việc cắt giảm công suất điện mặt trời trở thành một vấn đề ngày càng lớn đối với ngành điện lực toàn cầu khi các nước bổ sung năng lượng tái tạo nhanh hơn so với việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng liên quan, dẫn đến lưới điện bị quá tải.

Tại các nước như Mỹ, Đức và Trung Quốc, điện sạch được ưu tiên hơn điện than và điện khí khi lưới điện quá tải. Tình hình ở Hàn Quốc khác hoàn toàn vì giới chức trách thường yêu cầu cắt giảm công suất điện mặt trời và điện gió trước tiên. Họ lo ngại việc cắt giảm tại các nhà máy nhiệt điện than và điện khí quy mô lớn sẽ gây quá nhiều rủi ro đối với nguồn cung điện của quốc gia.

“Công suất lưới điện không đủ, hoạt động không linh hoạt của các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thiếu các nguồn lực linh hoạt như cơ sở lưu trữ năng lượng bằng pin đều góp phần gây ra vấn đề này. Cắt giảm công suất năng lượng tái tạo là một giải pháp tạm thời nhanh nhất”, Kim Joojin, CEO của tổ chức Solutions for Our Climate (Hàn Quốc), nói

Vụ kiện trên được tiến hành sau khi hồi tháng 3,  Bộ Thương mại, công nghiệp và năng lượng Hàn Quốc tuyên bố sẽ hạn chế sản lượng năng lượng mặt trời ở các tỉnh Nam Gyeongsang và Jeolla để ổn định lưới điện quốc gia.

Các nguyên đơn lập luận rằng các nhà máy của họ đang thua lỗ do giới chức trách thường xuyên ra lệnh họ giảm công suất trong khi họ đang chật vật trả các khoản nợ. Họ cũng cho rằng các yêu cầu cắt giảm công suất mâu thuẫn với chính sách khí hậu quốc gia và khu vực. Jeju đặt mục tiêu trở thành một hòn đảo không có carbon (không sử dụng nhiên liệu hóa thạch) vào năm 2030, trong khi Hàn Quốc cam kết đạt mức phát thải zero ròng vào năm 2050.

Theo Hiệp hội Doanh nhân quang điện Hàn Quốc, một trong những nguyên đơn đang sở hữu trang trại năng lượng mặt trời công suất 1 MW đã nhận được khoảng 60 lệnh cắt giảm công suất trong 14 tháng tính đến đầu tháng 5, gây thiệt hại tài chính khoảng 40 triệu won (31.000 đô la Mỹ). Hiệp hội này cho biết thêm, số lượng lệnh cắt giảm công suất mà mỗi nguyên đơn nhận chênh lệch đáng kể, cho thấy sự không công bằng trong hệ thống.

“Các chủ trang trại năng lượng mặt trời nhỏ hiện phải chịu trách nhiệm về việc quá tải lưới điện. Chính phủ cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể, cung cấp các tiêu chí rõ ràng về thời điểm và lý do cắt giảm công suất điện mặt trời”, Kwak Youngju, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nhân quang điện Hàn Quốc, nói.

Theo Viện Năng lượng xanh (Nhật Bản), dù điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo hàng đầu của Hàn Quốc, nhưng quốc gia này cần ít nhất tăng công suất điện mặt trời thêm 400 GW để đạt mục tiêu phát thải zero ròng. Tính đến cuối năm 2021, Hàn Quốc đã lắp đặt tổng cộng 21 GW công suất điện mặt trời, theo BloombergNEF.

Năng lượng tái tạo dự kiến chiếm 21,6% tổng sản lượng điện của Hàn Quốc năm 2030, theo kế hoạch chính sách khí hậu mới nhất của Hàn Quốc, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu là là 30,2%.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới