Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các nước EU nhất trí trì hoãn thực hiện quy định chống phá rừng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nước Liên minh châu Âu (EU) nhất trì trì hoãn một năm đối với việc thực hiện quy định chống phá rừng (EUDR), vốn đòi hỏi những mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu chủ chốt không được sản xuất trên đất rừng bị phá kể từ sau năm 2020.

EUDR dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay nhưng mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất trì hoãn thực hiện do quy định này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đối tác thương mại lớn từ Brazil cho đến Mỹ.

EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu của EU phải chứng minh bảy mặt hàng nông nghiệp chủ lực gồm dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Ảnh minh họa: TL

Tại cuộc họp hôm 16-10, Hội đồng châu Âu (EUCO), cơ quan chính trị đại diện cho các nước thành viên EU, nhất trí trì hoãn thực hiện một năm đối với EUDR theo đề xuất của EC. Trong phiên họp toàn thể vào giữa tháng tới, Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của EU, cần bỏ phiếu tán thành để quyết định trì hoãn có hiệu lực.

Tai cuộc họp hôm 14-10, các nghị sĩ châu Âu thuộc đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) và đảng Đổi mới châu Âu (RE) cũng đã bày tỏ ý định bỏ phiếu ủng hộ đề xuất hoãn thực hiện EUDR. Ba đảng này chiếm 401 ghế trong tổng số 720 ghế của Nghị viện châu Âu.

EUDR yêu cầu nhà nhập khẩu của EU phải chứng minh bảy mặt hàng nông nghiệp chủ lực gồm dầu cọ, đầu nành, gỗ, ca cao, cà phê, gia súc (bò) và cao su không được sản xuất từ đất rừng bị phá sau năm 2020. Nếu không chứng minh được, những mặt hàng này sẽ bị cấm nhập khẩu. EUDR được thiết kế nhằm chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn tình trạng xói mòn đa dạng sinh học. Theo EU, nạn phá rừng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, gây biến đối khí hậu, chỉ đứng sau các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, sự thiếu rõ ràng về các chi tiết của EUDR cũng như lộ trình triển khai gấp gáp khiến quy định này vấp phản sự đối ngày càng lan rộng trên toàn cầu. Do sức ép từ các đối tác thương mại lớn và ngay cả các nước thành viên EU bao gồm Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, hồi đầu tháng 10, EU đề xuất lùi thời điểm thực hiện EUDR một năm so với kế hoạch ban đầu.

Brazil, Mỹ và các đối tác thương mại khác của EU ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin cho biết, EUDR sẽ đẩy chi phí sản xuất và xuất khẩu tăng cao, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ. Họ cũng phàn nàn về việc thiếu hướng dẫn chi tiết để tuân thủ EUDR.

EUCO thừa nhận, EUDR thiếu các yếu tố quan trọng, chẳng hạn tài liệu hướng dẫn giúp các công ty và quốc gia tuân thủ tốt hơn.

Theo thông báo của cơ quan này, việc trì hoãn sẽ cho phép các nước thứ ba, các quốc gia thành viên EU, doanh nghiệp và thương nhân chuẩn bị đầy đủ các nghĩa vụ thẩm định.

“Sự trì hoãn này mang lại sự chắc chắn về mặt pháp lý, khả năng dự đoán và đủ thời gian để thực hiện suôn sẻ và hiệu quả các quy tắc của EUDR, bao gồm việc thiết lập đầy đủ các hệ thống thẩm định tất cả các hàng hóa và sản phẩm có liên quan”, trích thông báo.

Tuy nhiên, các nhóm vận động bảo vệ môi trường không hài lòng trước quyết định trên của EUCO.

Anke Schulmeister-Oldenhove, người đứng đầu chính sách rừng của Văn phòng chính sách thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại châu Âu, cáo buộc các chính phủ EU đã đặt những công ty nỗ lực tuân thủ EUDR vào tình thế bất lợi và phớt lờ quan điểm của các công dân tham gia cuộc tham vấn chính sách chống phá rừng với quy mô lớn thứ hai ở EU.

“Với quyết định này, các quốc gia thành viên EU không chỉ coi thường các quyết định dân chủ đã được đưa ra và 1,2 triệu người dân châu Âu đã bỏ phiếu kêu gọi chấm dứt nạn phá rừng, mà còn phản bội các công ty đã đầu tư rất nhiều để tuân thủ EUDR”, bà Oldenhove nói.

Hôm 15-10, hơn 200 tổ chức môi trường và nhân quyền gửi thư cho các nghị sĩ EU, cảnh báo việc trì hoãn EUDR sẽ làm suy giảm đáng kể uy tín của EU với tư cách là người đi đầu toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và vi phạm nhân quyền.

Theo AFP, Euronews

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới