Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các ông lớn mạng xã hội và công nghệ tự nộp thuế 20 triệu đô la Mỹ trong 3 tháng

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hoạt động thu thuế xuyên biên giới qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng Cục thuế sau 3 tháng được khoảng 20 triệu đô la Mỹ.

Thông tin trên được ngành thuế cho biết tại hội thảo “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” được tổ chức vào ngày 29-7.

Hội thảo “Thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” được tổ chức vào ngày 29-7

Nhằm tránh thất thu thuế, đẩy mạnh hoạt động thu thuế của các nền tảng xuyên biên giới, ngày 21-3 vừa qua, ngành thuế đã mở cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Theo đó các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới.

Thông tin từ hội thảo cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai cổng thông tin điện tử trên đã 26 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Microsoft, Facebook, Netfix, Samsung, TikTok, eBay… đã đăng ký, kê khai và nộp thuế với tổng số khoảng 20 triệu đô la Mỹ.

Với kết quả trên, ngành thuế cho rằng Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên Khu vực Đông Nam Á thành công trong việc thu thuế với các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng số xuyên biên giới mà không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của thương mại điện tử đã đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan thuế. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế hiện hành (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định về thuế nhà thầu).

Trước đó, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu và báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13-6-2019, theo đó lần đầu tiên đã quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế; nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam - có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế tại cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài...

Tại hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, kinh doanh thương mại điện tử là loại hình đang phát triển mạnh tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Số tiền thu được từ hoạt động này thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14-7-2022 đạt 5.458 tỉ đồng. Trong đó, một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như Facebook là 2.076 tỉ đồng, Google là 2.040 tỉ đồng, Microsoft là 699 tỉ đồng.

Ông Quỳnh cho biết với kinh tế số và thương mại điện tử, việc quản lý thuế, thu thuế gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thuế của Việt Nam cũng đã được kiện toàn và có tính bao quát, điều chỉnh đối với hoạt động này, đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc thu thuế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho rằng, để quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cần bổ sung những trường hợp mà sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân.

Ông Trường kiến nghị đối với các trường hợp sau sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho cá nhân gồm sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán; sàn giao dịch thương mại điện tử thỏa thuận với cá nhân về việc đặt hàng trực tuyến và sàn giao dịch thương mại điện tử tham gia điều hành, kiểm soát hoạt động giao hàng và thanh toán của người mua cho cá nhân.

Còn ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì cho rằng, đối với thuế giá trị gia tăng, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này. Ngoài ra, cần áp dụng thống nhất thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các nhà cung cấp nước ngoài.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, trong hai năm 2020 và 2021 vừa qua, đại dịch Covid-19 đã là yếu tố tạo nên sự tăng trưởng bứt phá cho thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng trung bình doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của 2 năm này đạt 17%/năm, đạt tổng doanh thu 13,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giai đoạn giãn cách xã hội trong thời điểm bùng phát dịch bệnh đã góp phần tạo thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, đặc biệt ở những thành phố lớn.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số dự báo năm 2022 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam khoảng 17-20%, đưa doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt trên 16 tỉ đô la Mỹ, dự kiến chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Được biết, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra dự báo tích cực đối với thương mại điện tử Việt Nam. Google và Temasek dự báo giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam (bao gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, nghe nhìn trực tuyến...) đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 29%/năm, đạt giá trị 57 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới