Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các quỹ đầu tư quốc gia chuyển hướng sang thị trường mới nổi

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các quỹ đầu tư quốc gia và ngân hàng trung ương, nơi đang quản lý 22.000 tỉ đô la Mỹ, kỳ vọng tài sản ở khu vực thị trường mới nổi được hưởng lợi trong một thế giới đa cực với các căng thẳng địa chính trị dâng cao.

Đặc biệt, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho các nước phát triển khi các công ty dịch chuyển chuỗi cung ứng để quản lý rủi ro từ các rào cản thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Báo cáo của Invesco Asset Management cho thấy các nhà đầu tư chủ quyền đang chuyển hướng chú ý sang tài sản ở thị trường mới nổi trong 3 năm tới. Ảnh: Invesco

Sức hút của thị trường mới nổi

Thông tin trên được nêu ra trong cuộc khảo sát hàng năm của Invesco Asset Management (Mỹ), được thực hiện với các nhà đầu tư chủ quyền gồm 83 quỹ đầu tư quốc gia và 57 ngân hàng trung ương, công bố hôm 22-7. Invesco Asset Management đang quản lý 1.700 tỉ đô la tài sản trên toàn cầu.

Theo khảo sát, 2/3 nhà đầu tư chủ quyền kỳ vọng lợi nhuận từ các tài sản ở thị trường mới nổi sẽ cao hơn so với thị trường phát triển trong 3 năm tới. Các quỹ đầu tư quốc gia không phải của phương Tây có quan điểm lạc quan hơn về hiệu suất của tài sản ở thị trường mới nổi. Các quỹ này đánh giá, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc sẽ thúc đẩy nền kinh tế của các nước đang phát triển. Lý do là các công ty đa quốc gia sẽ tăng tốc dịch chuyển hoạt động sản xuất và nhà cung cấp sang các nước này trong bối cảnh lo ngại các rào cản thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, những nhà đầu tư chủ quyền không coi các thị trường mới nổi là một khối đồng nhất. Các nước đang phát triển ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc đang trở thành những thị trường được yêu thích. Đặc biệt, với thị trường nội địa rộng lớn và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, Ấn Độ được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn dẫn nhất ở khu vực mới nổi. 88% nhà đầu tư chủ quyền bày tỏ mong muốn tăng tiếp xúc trái phiếu chính phủ Ấn Độ. Tỷ lệ này tăng từ mức 66% trong cuộc khảo sát của Invesco Asset Management vào năm 2022.

Theo Invesco, Indonesia cũng nhận được nhiều sự quan tâm hơn. 47% nhà đầu tư chủ quyền cho biết, sẽ tăng tiếp xúc với trái phiếu chính phủ Indonesia từ 27% vào năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ nhà đầu tư muốn tăng mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc giảm từ 71% vào năm 2022 xuống 35% trong cuộc khảo sát năm nay.

Hơn một nửa nhà đầu tư chủ quyền đang đầu tư vào nợ của các thị trường mới nổi, bao gồm cả trái phiếu bằng đồng nội tệ và lẫn ngoại tệ.

Một chỉ số của Bloomberg cho thấy, trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp định dang bằng đồng đô la Mỹ từ khu vực thị trường mới nổi tăng giá 3,4% trong năm nay. Trái lại, các chỉ số theo dõi trái phiếu toàn cầu và trái phiếu chính phủ Mỹ lần lượt giảm 1,3% và 2,8%.

Theo Rod Ringrow, người đứng đầu các tổ chức chính thức của Invesco, nhiều nền kinh tế mới nổi khác gồm Mexico, Brazil và Hàn Quốc cũng sẽ hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển hoạt động thương mại và kinh tế.

Theo báo cáo của Invesco, 30% quỹ đầu tư quốc gia và ngân hàng trung ương xem chuyển đổi năng lượng là chủ đề đầu tư ưu tiên phân bổ tài sản. Trong khi đó, số lượng ngân hàng trung ương áp dụng chính sách đầu tư ESG tiếp tục tăng. Ảnh: Invesco

Căng thẳng địa chính trị là mối lo ngại lớn nhất

Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhà đầu tư chủ quyền ngày càng quan tâm đến lĩnh vực tín dụng tư nhân. 2/3 trong số này có kế hoạch tăng phân bổ tài sản vào các quỹ tín dụng tư nhân trong năm tới. Sự quan tâm đó có thể là do các yếu tố như hiệu suất lợi nhuận cao của lĩnh vực này cũng như nhu cầu đa dạng hóa để tránh tập trung vào mảng trái phiếu.

Về tổng thể, các nhà đầu chủ quyền duy trì tỷ lệ phân bổ 28% tài sản cho mảng thu nhập cố định (trái phiếu). Trong khi đó, tỷ lệ tài sản phân bổ tài sản cho cổ phiếu tăng lên 32% so với 30% cách đây một năm. Cơ sở hạ tầng dẫn đầu với tư cách là hạng mục tài sản được các nhà đầu tư chủ quyền ưu tiên đầu tư nhất trong 12 tháng tới, tiếp theo là cổ phiếu niêm yết.

Cũng theo cuộc khảo sát, các căng thẳng địa chính trị trên toàn, bao gồm cuộc chiến thương mại giữ Mỹ và Trung Quốc vượt qua lạm phát để trở thành mối lo ngại lớn nhất của các nhà đầu tư chủ quyền.

Sự gia tăng xung đột địa chính trị, từ cuộc chiến Nga-Ukraine đến các biện pháp hạn chế thương mại đã ám ảnh nhà đầu tư toàn cầu trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi làn sóng lạm phát hạ nhiệt và gần một nửa dân số thế giới bỏ phiếu bầu lãnh lãnh đạo mới trong năm 2024, căng thẳng địa chính trị trở thành tâm điểm.

“Địa chính trị trở thành mối lo ngại lấn át lạm phát trong ngắn hạn lẫn dài hạn”, Rod Ringrow nói.

Khoảng 83% nhà đầu tư chủ quyền xem căng thẳng địa chính trị là mối lo ngại hàng đầu trong ngắn hạn, cao hơn tỷ lệ 73% xem lạm phát là mối lo lớn nhất. Sự phân mảnh địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ cũng đứng đầu danh sách những mối ngại lớn trong thập niên tới đối 86% nhà đầu tư chủ quyền.

Nâng cao tiêu chuẩn đầu tư ESG

Về dài hạn, nhà đầu tư xem biến đổi khí hậu là rủi ro lớn thứ hai. Ringrow cho biết, đầu tư cho khí hậu hiện là xu hướng chủ đạo. Các quỹ đầu tư quốc gia và ngân hàng trung ương đang bắt đầu xem xét tăng phân bổ vốn vào lĩnh vực này.

Theo khảo sát của Invesco, 30% quỹ đầu tư quốc gia và ngân hàng trung ương xem chuyển đổi năng lượng là chủ đề đầu tư ưu tiên phân bổ tài sản. Hiện tại, 27% trong số họ đang nắm giữ các khoản đầu tư vào công nghệ sạch và tái tạo.

Xu hướng đầu tư theo chủ đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có xu hướng tăng hơn một thập niên qua, với các nhà đầu tư chủ quyền dần kết hợp yếu tố ESG vào phương pháp đầu tư.

Tuy nhiên, báo cáo khảo sát năm 2024 của Invesco cho thấy có sự thay đổi. Trong khi số lượng ngân hàng trung ương áp dụng chính sách đầu tư ESG tiếp tục tăng thì đã có một sự thụt lùi nhẹ trong tỷ lệ phần trăm của các quỹ đầu tư quốc gia áp dụng chính sách này.

Bước lùi đó không phải là dấu hiệu của sự quan tâm hay cam kết suy giảm mà đúng hơn là sự phản ánh của sự trưởng thành và tiêu chuẩn cao hơn trong môi trường đầu tư ESG. Các quỹ đầu tư quốc gia đang áp dụng các định nghĩa chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn ESG.

Báo cáo của Invesco cũng cho biết, 1/3 số nhà đầu tư chủ quyền đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quy trình đầu tư, với 6% sử dụng rộng rãi.

Theo  Bloomberg, Reuters, invesco.com

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới