(KTSG Online) - Các quỹ gia đình châu Á đang nỗ lực tăng nhanh tỷ lệ danh mục tài sản số khi chiến lược thanh khoản này thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân và gia tộc kinh doanh giàu có ở châu lục này.
- Singapore: Quỹ gia đình bị nghi ngờ “rửa tiền”
- Quỹ gia đình sẽ là nguồn vốn mới cho thị trường Việt Nam
Quỹ gia đình hay văn phòng gia đình (family office – FO) là công ty được lập ra để quản lý và khuếch trương gia sản của một gia đình hay gia tộc kinh doanh giàu có. Quỹ gia đình có thể là công ty thuê ngoài theo hợp đồng của một hay nhiều gia tộc kinh doanh khác. Loại hình công ty này đang hoạt động mạnh mẽ tại Singapore và Hồng Kông.
Tài sản số hiện chiếm 0,5% danh mục đầu tư
Zann Kwan, đối tác quản lý và giám đốc đầu tư của quỹ Revo Digital Family Office cho rằng, quỹ này đang quan sát xu hướng các quỹ gia đình đang gia tăng đầu tư vào các loại tài sản số. “Người bên ngoài đang ngày càng quan tâm và tìm hiểu cách phân bổ tài sản kỹ thuật số của quỹ gia đình có thể giảm rủi ro hoặc nâng cao lợi nhuận cho đầu tư như thế nào”, Kwan trả lời DealStreetAsia trong một email.
Kwan nói việc phân bổ bao gồm tích lũy trực tiếp và gián tiếp tiền điện tử trên nhiều loại quỹ tiền điện tử, sản phẩm có cấu trúc và đầu tư vốn cổ phần tư nhân trực tiếp (PE).
Là công ty con của Raffles Family Office quản lý tài sản cho nhiều gia tộc giàu có, Revo Digital Family Office tập trung vào tài sản kỹ thuật số từ tháng 9 vừa rồi. Revo được quỹ Signum Capital, Gate.io và một quỹ gia đình Hàn Quốc đầu tư để mở rộng hoạt động kinh doanh trên các thị trường lớn ở châu Á. Revo tập trung vào các “thị trường cửa ngõ” như Hồng Kông, Singapore, Thượng Hải và Đài Bắc.
Sau khi khảo sát 76 quỹ gia đình ở châu Á – Thái Bình Dương, báo cáo chung của quỹ Campden Wealth và Raffles Family Office nói rằng tài sản số chỉ chiếm 0,5% tài sản được quản lý (AUM) của các quỹ này. Khoảng 9% quỹ không có kế hoạch phân bổ vốn cho danh mục tài sản số.
Khung pháp lý rõ hơn, tài sản số lên giá
Theo dữ liệu của hãng CoinMarketCap, năm 2023 giá Bitcoin tăng hơn 160% và giá Ethereum tăng 95%. Bước vào năm 2024 giá Bitcoin tiếp tục leo thang và đạt ngưỡng 52.000 đô la Mỹ hôm 14-2, đẩy vốn hóa thị trường của đồng tiền ảo này lên hơn 1.000 tỉ đô la lần đầu tiên kể từ tháng 12-1991.
Bối cảnh này đã khiến Hồng Kông sớm ban hành các quy định quản lý tài sản số, bao gồm phê duyệt nền tảng giao dịch tài sản ảo (VA) để cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư cá nhân. Tháng 12 năm ngoái, đặc khu này cấp phép cho các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) Bitcoin giao ngay. Đây là thị trường châu Á đầu tiên tung ra sản phẩm như vậy. Trước đó, Mỹ cho phép nhà đầu tư cá nhân và định chế được phép thực hiện các giao dịch tài sản số mà không cần phải mua trực tiếp.
Với khung pháp lý rõ ràng hơn, tài sản số tăng giá. Đây là những là tín hiệu tốt cho ngành quản lý tài sản số. Nhưng các điều kiện kinh tế địa chính trị toàn cầu đã khiến các quỹ gia đình châu Á thận trọng hơn.
Brian Chan từ Venture Smart Financial Holdings (VSFG) nói rằng, các danh mục tài sản số có tính thanh khoản cao là mục tiêu lớn nhất của các FO châu Á. Trong đó, các quỹ phòng hộ tiền điện tử được quan tâm nhiều nhất bởi môi trường vĩ mô hiện nay khiến các quỹ FO không muốn chôn vốn quá lâu.
Trong khi đó, công ty đầu tư tiền điện tử Galaxy Digital cho biết, quỹ phòng hộ tiền điện tử đang có dấu hiệu hồi phục sau hàng loạt khủng hoảng vào năm 2022 khiến ít nhất 35% mô hình quỹ này đóng cửa. Sau ba quí đầu năm án binh bất động các quỹ đã mở rộng tổng tài sản họ quản lý thêm 41,6% lên 15,2 tỉ đô la trong quí 4-2023.
Tính đến giữa tháng 12, quỹ token thanh khoản do quỹ đầu tư Pantera Capital – công ty đầu tư tổ chức có trụ sở tại California quản lý 4,8 tỉ đô la tài sản có liên quan đến blockchain. Tức đã tăng gần 80% trong năm 2023, trong khi năm trước đó khi công ty lỗ hơn 80%.
Ngược lại, hạng mục đầu tư mạo hiểm tiền điện tử đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2023. Theo nền tảng dữ liệu tài sản số Vision Track ghi nhận hạng mục này chỉ còn 1/3 mức của năm 2022 .
Chew Min Wei, cố vấn của công ty đầu tư mạo hiểm Arcane Group có trụ sở tại Singapore, cho rằng: “Việc phân bổ vốn đã giảm đáng kể từ năm ngoái, do nguồn vốn khả dụng để quay vòng hay tái đầu tư còn hạn chế. Người ra quyết định cũng thường chọn các sản phẩm an toàn, lãi suất cao hơn trong môi trường lãi suất cao hiện nay".
Khi các hoạt động đầu tư mạo hiểm tiền điện tử giảm sút, các sản phẩm thử nghiệm (beta) càng mở rộng việc thống lĩnh thị trường quỹ tiền điện tử. Tính đến tháng 12, các sản phẩm này chiếm khoảng 76%, tương đương 48,5 tỉ đô la, trong tổng giá trị quỹ thanh khoản của các định chế là 63,7 tỉ đô la. Đây là mức cao kỷ lục kể từ khi VisionTrack bắt đầu ghi nhận dữ liệu chiến lược tiền điện tử có tính thanh khoản cao trên toàn cầu vào tháng 11-2021.
Gần đây, công ty quản lý tài sản ảo VSFG có trụ sở tại Hồng Kông công bố kế hoạch sớm ra mắt sản phẩm ETF Bitcoin giao ngay tại Hồng Kông, với mục tiêu quản lý 500 triệu đô la tài sản vào cuối năm 2024.
Livio Weng, CEO của nhà điều hành nền tảng giao dịch tiền điện tử HashKey Group cho rằng, có khoảng 10 công ty quản lý quỹ đang có kế hoạch tung ra các sản phẩm như vậy ở Hồng Kông và 8 trong số này là “phiên bản nâng cao”. Trong khi đó, có 3 quỹ ETF Bitcoin giao trong tương lai đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Các sản phẩm ETF giao ngay hay trong tương lai được xem cùng là một tài sản, nên phí quản lý trở thành vấn đề được nhà đầu tư quan tâm. “Hầu hết các tổ chức phát hành ở Mỹ đang cung cấp sản phẩm với mức phí 0,2-0,5%. Trong khi đó, các hãng quản lý tài sản như Samsung Asses Management tại Hàn Quốc hay CSOP tại Hồng Kông thu phí lần lượt là 0,9 và 2% mỗi năm với ETF Bitcoin giao trong tương lai.
Các quỹ gia đình có bề dày lịch sử tại châu Á ngày càng “nhức đầu hơn” trong việc phân bổ các hạng mục đầu tư cho tài sản số, cũng như điều chỉnh triển vọng lợi nhuận hợp lý hơn sau các đợt tăng và giảm giá bạt mạng của tiền điện tử thời gian qua. Đầu tư bền vững đang là mục tiêu cao nhất với nhiều FO khi tài sản số còn chưa hoạt động trong một môi trường pháp lý hoàn thiện và đồng bộ hơn trên toàn thế giới.
Theo Nikkei Asia, Bloomberg, Caixin