Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các quỹ phòng hộ trên toàn cầu tháo chạy khỏi cổ phiếu Trung Quốc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các quỹ phòng hộ trên toàn cầu đang bán tháo cổ phiếu của các công ty Trung Quốc khi họ ngày càng lo ngại về lĩnh vực bất động sản sa sút và một loạt dữ liệu kinh tế yếu kém khác của nước này.

Tỉ phú Ray Dalio, người sáng lập quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh hồi tháng 3-2023. Trong quí 2, Bridgewater Associates bán toàn bộ cổ phần nắm giữ ở 13 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Ảnh: Getty

Báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs, công bố hôm 15-8, cho thấy các quỹ phòng hộ nước ngoài bán mạnh đối với tất các loại cổ phiếu của các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên cổ phiếu hạng A, được niêm yết ở thị trường chứng khoán trong nước, dẫn đầu làn sóng bán tháo, chiếm 60% trong số đó.

“Các quỹ phòng hộ đã bán ròng cổ phiếu Trung Quốc 8 trong số 10 phiên giao dịch gần đây nhất, tính đến đến ngày 14-8”, báo cáo cho biết. Theo Goldman Sachs, các khách hàng của ngân hàng này đã đóng các vị thế mua lẫn vị thế bán của họ đối với cổ phiếu Trung Quốc.

Đây là đợt bán ròng cổ phiếu lớn nhất của Trung Quốc trong bất kỳ khoảng thời gian 10 ngày nào kể từ tháng 10-2022.

Tính đến cuối tháng 7, mức tiếp xúc của các quỹ phòng hộ trên toàn cầu đối với các tài sản ở Trung Quốc giảm xuống dưới mức trung bình của 5 năm.

Goldman Sachs, một trong những nhà cung cấp dịch vụ cho vay và giao dịch lớn nhất cho nhà đầu tư thông qua một đơn vị môi giới của ngân hàng này, có thể theo dõi xu hướng đầu tư của các quỹ phòng hộ.

Mối lo ngại của nhà đầu tư toàn cầu về nền kinh tế Trung Quốc ngày càng dâng cao khi họ tiếp nhận một loạt tin xấu về triển vọng của nước này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm các lãi suất chính sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động kinh tế sau khi Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố các số liệu kinh tế thất vọng vào hôm 15-8.

Country Garden, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đang tìm cách trì hoãn thanh toán trái phiếu trong nước. Và Zhongrong International Trust, một công ty tín thác lớn của Trung Quốc có tiếp xúc nhiều với bất động sản, đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán cho một số sản phẩm ủy thác.

Các quỹ phòng hộ đang ngày càng cảnh giác tiếp xúc với Trung Quốc. Một loạt các quỹ phòng hộ có trụ sở tại Mỹ gồm Coatue, D1 Capital và Tiger Global, cắt giảm vị thế nắm giữ của họ đối với cổ phiếu của các công ty Trung Quốc trong quí 2, do triển vọng kinh tế u ám của nước này cũng như căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung dâng cao.

Tiger Global cắt giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần ở Công ty thương mại điện tử JD.com khoảng 12%, xuống còn 719,3 triệu đô la từ 1,1 tỉ đô la. Trong khi đó, Coatue Management cắt giảm các vị trí nắm giữ cổ phần ở Alibaba, Baidu, JD.com, Kanzhun, KE Holdings Li Auto và PDD Holdings.

D1 Capital Partners đã bán toàn bộ 1,7 triệu cổ phiếu Alibaba tương đương 176,8 triệu đô la.

Bridgewater Associates, quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, có trụ sở ở bang Connecticut (Mỹ) đã thanh lý gần 1/3 lượng cổ phiếu Trung Quốc trong quí vừa qua. Quỹ này đã bán toàn bộ cổ phần nắm giữ ở 13 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, bao gồm Công ty môi giới trực tuyến Futu Holdings, nền tảng giao hàng liên kết với JD.com, Dada Nexus và diễn đàn trực tuyến Zhihu trong ba tháng kết thúc vào 30-6, theo bản công bố thông tin nộp cho Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC).

Bridgewater Associates, có tổng tài sản 123 tỉ đô la, do tỉ phú Ray Dalio thành lập năm 1975, cũng đã cắt giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần ở hai hãng xe điện của Trung Quốc là Li Auto và Xpeng lần lượt 92% và 97%.

“Mối quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên tồi tệ đến mức có lý do để lo ngại rằng, tâm lý chống Trung Quốc có thể khiến việc kinh doanh với Trung Quốc giống như làm ăn với Nga. Điều này sẽ khiến thương mại Mỹ-Trung sụp đổ”, tỉ phú Dalio cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn hồi tháng 4.

Số lượng quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2012, với chỉ 5 quỹ mới ra mắt trong năm nay, tính đến tháng 6, theo dữ liệu của Preqin Ltd. Trong khi đó, 18 quỹ phòng hộ khác, tập trung vào Trung Quốc, giải thể.

Sự thu hẹp này đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với các quỹ phòng hộ nước ngoài tập trung vào Trung Quốc, vốn chiếm gần một nửa số quỹ mới ở châu Á tính đến năm 2021.

Kể từ đó, lợi nhuận của các quỹ phòng hộ này suy giảm do tác động của chiến dịch chấn chỉnh của Bắc Kinh đối với các công ty tư nhân trong các ngành gia sư, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, cùng với căng thẳng địa chính trị ngày càng nghiêm trọng với Mỹ. Vì vậy, nhu cầu của các nhà đầu tư toàn cầu đối với tài sản Trung Quốc giảm dần.

Trong năm nay, Dantai Capital đã đóng cửa quỹ phòng hộ Dantai Master Fund, tập trung vào Trung Quốc, sau khi kết luận rằng chiến lược đầu tư của quỹ không còn hiệu quả trong môi trường thị trường hiện tại.

Cuối năm ngoái, quỹ Yulan Capital Management, được Tiger Management hậu thuẫn, cũng đã thanh lý một quỹ phòng hộ châu Á tập trung vào Trung Quốc đại lục vào cuối năm 2022.

Theo dữ liệu của Eurekahedge Pte, các quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc, đặc biệt là tài sản cổ phiếu, đang phải đối mặt với năm thua lỗ thứ hai liên tiếp chưa từng có. Hơn 2/3 quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc thua lỗ vào năm 2022. 36% trong số đó thua lỗ từ 20% trở lên. Dữ liệu của Preqin cho thấy, trong nửa đầu năm nay, 62% quỹ tập trung vào Trung Quốc không kiếm được lợi nhuận.

Quỹ Legends China thua lỗ 16% trong 7 tháng đầu năm 2023, sau khi thua lỗ hơn 20% mỗi năm trong hai năm qua.

Blue Creek China Fund chứng kiến giá trị tài sản giảm 17% trong nửa đầu năm và vẫn đang chật vật để chấm dứt chuỗi thua lỗ bắt đầu từ năm 2021, theo bản tin công bố hồi tháng 6 của quỹ này.

Đặc điểm chung của các quỹ phòng hộ đầu tư vào các tài sản của Trung Quốc là họ đặt trụ sở ở nước ngoài. Điều này khiến họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước những bất ổn địa chính trị và các quy định quản lý mới nhất của Mỹ nhằm hạn chế đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc.

Khoảng 88% trong số 417 quỹ phòng hộ tập trung vào Trung Quốc trong dữ liệu theo dõi của Bloomberg chuyên về mua bán cổ phiếu. Trong số đó, 40% áp dụng chiến lược đầu tư dài hạn. Nhiều quỹ tập trung đầu tư vào cổ phiếu công nghệ và thương mại điện tử của Trung Quốc.

Theo Eurekahedge, tài sản của các quỹ đầu tư dài hạn tập trung vào Trung Quốc giảm khoảng 1% trong 7 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, chỉ số MSCI China đã giảm 43% kể từ cuối năm 2020, so với mức tăng 19% của chỉ số S&P 500 của Mỹ trong cùng kỳ.

William Ma, Giám đốc đầu tư toàn cầu của GROW Investment Group, công ty quản lý tài sản có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết nhà đầu tư đang nhìn thấy nhiều rủi ro chính trị hơn đối với các khoản đầu tư tại Trung Quốc và trở nên ít tin tưởng hơn về triển vọng kinh tế dài hạn.

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang mất xung lực bất chấp sự hỗ trợ chính sách gần đây của Bắc Kinh, trong khi căng thẳng địa chính trị với Mỹ có rất ít dấu hiệu hạ nhiệt.

Một số nhà đầu tư bị tổn thương do tiếp xúc với Trung Quốc trong hai năm qua đang chờ đợi sự phục hồi của thị trường để giảm tỷ lệ nắm giữ tài sản của Trung Quốc

Theo Bloomberg, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới