(KTSG Online) - Một số quỹ quản lý tài lớn nhất thế giới dự đoán thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số vào năm tới, nhưng con đường phục hồi sẽ không bằng phẳng.
- Sau khi bị “thổi bay” 11.000 tỉ đô la, cơn suy sụp của chứng khoán toàn cầu có thể chưa kết thúc
- Định giá của các siêu kỳ lân giảm sâu trong làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ
- Thị trường cổ phiếu công nghệ Trung Quốc chao đảo
Với các cảm nhận lạc quan gần đây cho rằng lạm phát đã lên đến đỉnh điểm và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm bắt đầu thay đổi xu hướng chính sách, 71% nhà quản lý quỹ tài sản được hỏi trong một cuộc khảo sát của Bloomberg kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng giá trong năm tới, so với 19% người được hỏi dự báo giảm.
Cuộc khảo sát không chính thức này đã được Bloomberg thực hiện với 134 nhà quản lý quỹ kết hợp quan điểm của các quỹ quản lý tài sản lớn bao gồm BlackRock, Goldman Sachs Asset Management và Amundi từ ngày 29-11 đến ngày 7-12.
Cuộc khảo sát cung cấp cái nhìn sâu sắc về các chủ đề và rào cản lớn đối với đầu tư mà họ dự báo cho năm 2023 sau khi lạm phát, chiến tranh ở Ukraine và chiến dịch tăng lãi suất của các ngân hàng trung đã gây tổn thương cho các nhà đầu tư chứng khoán trong năm nay.
Năm ngoái, một cuộc khảo sát tương tự đã dự đoán rằng việc thắt chặt chính sách mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với chứng khoán vào năm 2022.
Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, đối với những người kỳ vọng cổ phiếu toàn cầu sẽ tăng trong năm 2023, họ dự báo chỉ số MSCI AC World Index sẽ tăng trung bình 10%. Mức tăng này có vẻ khiêm tốn so với những đợt phục hồi trước đây, chẳng hạn như vào năm 2009 hoặc 2019 khi cổ phiếu toàn cầu tăng lần lượt hơn 30% và 20%.
Các nhà quản lý quỹ vẫn thận trọng đối với triển vọng thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu của năm 2023. Họ dự đoán tăng trưởng của thị trường chứng khoán thế giới sẽ diễn ra chủ yếu vào nửa cuối năm 2023.
Khi nói đến các lĩnh vực cụ thể, những người được hỏi thường ủng hộ các công ty có thể bảo vệ thu nhập trong cơn suy thoái kinh tế. Cổ phiếu của các công ty trả cổ tức tốt và các công ty bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe là một trong những lựa chọn hàng đầu của họ.
Các mối đe dọa lớn nhất đối với khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu có phần nào liên kết với nhau, với lạm phát cao dai dẳng hoặc suy thoái sâu được xếp hạng cao nhất trong danh sách rủi ro mà các nhà quản lý quỹ theo dõi.
Các manh mối về triển vọng thị trường cổ phiếu toàn cầu trong năm tới có thể xuất hiện sớm nhất là vào tuần này khi một loạt dữ liệu sẽ được công bố, bao gồm dữ liệu chỉ giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11 cũng như các quyết định và bình luận về lãi suất từ cả Fed lẫn Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Theo cuộc khảo sát của Bloomberg, sau khi bị vùi dập trong năm nay do lãi suất tăng cao, cổ phiếu công nghệ ở Mỹ cũng có thể được ưa chuộng trở lại. Hơn một nửa số nhà quản lý quỹ được hỏi cho biết họ sẽ mua cổ phiếu trong lĩnh vực này.
Họ mua vì hai yếu tố, bao gồm lợi suất trái phiếu dự kiến sẽ giảm trong năm tới và mức định giá của cổ phiếu công nghệ hiện nay tương đối rẻ bất chấp đợt phục hồi gần đây. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư đang thay đổi và họ sẽ không mua cổ phiếu công nghệ chỉ đơn thuần dựa vào tiềm năng tăng trưởng.
Nhiều người trong cuộc khảo sát cho biết họ sẽ kén chọn hơn khi quay trở lại phân khúc này, chỉ rót tiền vào những công ty công nghệ đã thiết lập mô hình kinh doanh ổn định và các chỉ số tài chính có sức chống chịu tốt ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Khoảng 60% nhà quản lý quỹ tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg bày tỏ lạc quan về thị trường cổ phiếu Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này rời xa chính sách zero Covid. Cú sụt giá mạnh vào đầu năm nay đã khiến mức định giá của các cổ phiếu ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với mức trung bình 20 năm, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn so với các công ty cùng ngành ở Mỹ hoặc châu Âu.
Rủi ro chính trị và chính sách quản lý là hai lý do hàng đầu đối với những người khuyên nên tránh xa thị trường chứng khoán Trung Quốc. Và đối với cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn, những người lạc quan cũng cho rằng họ sẽ rất chọn lọc để mua.
Đối với các nhà quản lý quỹ, tin tức tốt hơn về lạm phát và tăng trưởng có thể là chất xúc tác tạo ra hiệu suất mạnh mẽ hơn cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Gần 70% số người được hỏi cho biết dữ liệu tích cực về lạm phát và tăng trưởng là những yếu tố tích cực tiềm năng hàng đầu. Họ cũng xem kịch bản Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn và một lệnh ngừng bắn ở Ukraine là những yếu tố kích hoạt đà tăng giá của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Bank of America cũng cho thấy các nhà quản lý quỹ nhận định xác suất kinh tế toàn cầu suy thoái đang ở mức cao nhất kể từ tháng 4-2020. Trong khi kịch bản “lạm phát đình trệ”, ám chỉ đến tình trạng tăng trưởng thấp và lạm phát cao, là quan điểm đồng thuận “áp đảo” trong cuộc khảo sát này.
Quan điểm lạc quan của các nhà quản lý quỹ trái ngược với những gì Phố Wall đang dự đoán. Trong các cuộc khảo sát riêng rẻ của Bloomberg dành cho các nhà chiến lược của các ngân hàng đầu tư, họ dự báo trong năm tới, chứng khoán châu Âu chỉ tăng trưởng chưa đến 2% và chứng khoán Mỹ chỉ tăng khoảng 1%.
Chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt của các ngân hàng trung ương, dẫn đến đà tăng trưởng toàn cầu suy yếu trong nửa đầu năm 2023, là một trong những lập luận chính mà các nhà chiến lược dựa vào để dự đoán thị trường chứng khoán toàn cầu về cơ bản sẽ đi ngang vào năm tới. Tuy nhiên, họ nhận định tác động của chính sách này đối với cổ phiếu sẽ được bù đắp một phần bởi sự sụt giảm của lợi suất thực của trái phiếu chính phủ Mỹ.
Theo Bloomberg