Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các siêu cổ phiếu ngành công nghệ “gánh” Phố Wall trên vai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các siêu cổ phiếu ngành công nghệ “gánh” Phố Wall trên vai

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Nhóm siêu cổ phiếu của các “ông lớn” công nghệ Mỹ, hay thường được gọi là FAANG (viết tắt của Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Google) vẫn tăng giá mạnh mẽ bất chấp nền kinh tế Mỹ đang lao vào cơn suy thoái do cuộc khủng hoảng Covid-19.

Các siêu cổ phiếu ngành công nghệ “gánh” Phố Wall trên vai
Đà tăng giá mạnh mẽ của nhóm siêu cổ phiếu công nghệ FAANG (viết tắt của Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google) đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi ấn tượng trong thời gian gần đây. Ảnh: Daily Hunt

Tỷ trọng chi phối của nhóm cổ phiếu nói trên trong chỉ số S&P 500 (theo dõi biến động giá cổ phiếu của 500 công ty đại chúng có vốn hóa lớn nhất trên các sàn chứng khoán lớn của Mỹ) đã giúp Phố Wall phục hồi ấn tượng sau đợt sụt giảm thê thảm.

Cổ phiếu FAANG tăng điểm ầm ầm

Vào thời điểm mà làn sóng sa thải nhân sự dâng cao, các vụ phá sản xảy ra dồn dập và cú sụp đổ chưa có tiền lệ về mức tăng trưởng GDP của nền kinh tế Mỹ do tác động của dịch Covid-19, các “ông lớn” công nghệ Mỹ lại giúp tạo động lực mạnh mẽ cho cú phục hồi hình chữ V trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Trong những phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu của Facebook, Netflix và Amazon đều lập đỉnh cao kỷ lục mới, trong khi đó, giá cổ phiếu của Apple và Aphabet, công ty mẹ của Google, cũng tiến sát đỉnh lịch sử. Chỉ số NYSE FANG + đã chạy trước phần còn lại của thị trường một khoảng khá xa và đang tiếp cận đỉnh cao kỷ lục của chính nó.

Chỉ số này đại diện cho 10 cổ phiếu của ngành sáng tạo, công nghệ, truyền thông và internet có vốn hóa thị trường lớn và thanh khoản cao trên thị trường chứng khoán Mỹ gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google, Alibaba, Baidu, Nvidia, Tesla, Twitter.

Tính đến ngày 26-5, chỉ số NYSE FANG + đã tăng 24% trong năm nay so với mức giảm 7% của chỉ số S&P 500.Trong khi đó, chỉ số Russell 2000, đại diện cho các cổ phiếu chứng khoán có vốn hóa nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ, giảm 15%.

Sự tăng giá mạnh mẽ của nhóm siêu cổ phiếu FAANG tạo động lực quan trọng cho cú phục hồi ngoạn mục của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây. Nhưng điều đó không hẳn cho thấy giới đầu tư tin rằng các “ông lớn” công nghệ an toàn trong bão khủng hoảng Covid-19. Nhìn chung, giới đầu tư đang đặt cược rằng đại dịch sẽ càng làm tăng sự phụ thuộc của xã hội vào ngành công nghệ.

“Các công ty công nghệ đang phát triển mạnh. Tình trạng hạn chế tiếp xúc và phong tỏa đi lại tạo lợi thế cho ngành công nghệ trong cuộc khủng hoảng Covid-19”, Seema Shah, Giám đốc chiến lược tại Công ty Principal Global Investors, nói.

Amazon có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho hình ảnh một công ty chống đỡ tốt trước sự tác động của Covid-19. Lệnh yêu cầu người dân ở nhà chỉ càng làm tăng tốc sự chuyển đổi mua sắm từ các trung tâm mua sắm sang mua hàng trên không gian mạng. Điều này giúp Amazon phải tuyển dụng thêm 175.000 nhân viên ở Mỹ để chạy đua với thời gian, đáp ứng lượng đơn hàng phải giao tăng đột biến.

Mua sắm trực tuyến là điểm sáng hiếm hoi trong môi trường kinh doanh bán lẻ gần như tê liệt vào tháng trước ở Mỹ. Và với việc yêu cầu hàng triệu nhân viên làm việc tại nhà, các doanh nghiệp Mỹ đang dựa nhiều vào các nền tảng điện toán đám mây được cung cấp bởi Amazon và các công ty công nghệ khác bao gồm Microsoft. Giá cổ phiếu Microsoft cũng đang tiến sát mức cao kỷ lục.

Tương tự, Netflix cũng trải qua thời kỳ tươi đẹp nhờ lượng người xem các series phim trên nền tảng này tăng vọt khi người dân Mỹ, bị kẹt ở nhà và không có trận thi đấu thể thao trực tiếp nào để xem.

Apple đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số các công ty công nghệ khi đại dịch Covid-19 gây gián đoạn các chuỗi cung ứng của Apple ở châu Á và làm giảm nhu cầu đối với các mẫu iPhone đắt tiền và các thiết bị khác. Nhưng doanh thu của Apple vẫn nhích lên 1% trong qúi 1. Alphabet và Facebook cũng đang bị tổn thương trong quí 2 vì doanh thu quảng cáo giảm mạnh, dù có lẽ không giảm quá mạnh như nhiều người lo sợ. Doanh thu quảng cáo của Alphabet vẫn tăng trưởng trong quí 1 nhưng không tăng mạnh như các quí trước đây.

Nhân viên làm việc ở một trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon ở Staten Island, New York, Mỹ. Ảnh: NY Times.

Sẽ còn "gánh" bao lâu nữa?

Những siêu cổ phiếu của các ông lớn công nghệ bật tăng trở lại vì trong những thời kỳ bất ổn giống như dịch Covid-19 hiện nay, giới đầu tư đang thèm muốn những công ty có triển vọng tăng trưởng và lịch sử phát triển vững chắc.

“Có sự tự tin nhiều hơn và sự nổi trội trong ngành công nghệ. Giới đầu tư sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phiếu ngàng công nghệ vì điều đó”, Keith Lerner, Giám đốc chiến lược thị trường ở Công ty Truist/SunTrust Advisory, nói.
Theo Lerner, lợi nhuận ước tính của của các công ty công nghệ chỉ giảm 3% trong tháng vừa qua, trong khi đó, lợi nhuận ước tính của các công ty có mặt trong chỉ số S&P 500 giảm đến 21%.

Một điểm cần lưu ý nữa là các ông lớn công nghệ có tiềm lực và tính linh động tài chính có thể giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Các công ty này không chỉ tích lũy một lượng tiền mặt khổng lồ mà còn dễ dàng huy động thêm tài chính thông qua các thị trường vốn trong trường hợp cần thiết.

Điều này trái ngược với tình hình tài chính bết bát ở nhiều công ty khác khiến họ phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong thời gian gần đây, chẳng hạn như công ty cho thuê xe Hertz, chuỗi bán lẻ thời trang J.Crew và chuỗi cửa hàng bách hóa Neiman Marcus.

Sự tái trỗi dậy nhanh chóng của các “ông lớn” công nghệ Mỹ đã đóng góp một vai trò lớn trong tiến trình hồi phục chung của thị trường chứng khoán Mỹ nhờ sức chi phối vượt trội của chúng trong chỉ số S&P 500. Năm loại cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất Apple, Amazon, Microsoft, Alphabet và Facebook chiếm đến 21% tổng giá trị vốn hóa của S&P 500, theo ngân hàng Goldman Sachs.

Điều này có nghĩa là năm công ty này có tỷ trọng đóng góp cho chỉ số S&P 500 tương đương đương với tỷ trọng đóng góp tổng cộng của cả ba ngành có mức vốn hóa thị trường thấp nhất trong chỉ số này gồm tài chính (10%), công nghiệp (8%) và năng lượng (3%).

“Khi bạn nhìn dưới bề mặt, thi trường không mạnh như những dòng tít tin tức gợi ý vì đà phục hồi mạnh mẽ của chỉ số S&P 500 chủ yếu nhờ sức mạnh cổ phiếu ngành công nghệ”, Seema Shah nói.
Hiện tượng cổ phiếu công nghệ tác động tích cực lên Phố Wall bằng cách kéo các chỉ số chung của thị trường lên cao hơn ngay cả khi cổ phiếu của một số nhóm ngành phục hồi yếu ớt.

Và đà tăng giá của thị trường thậm chí có thể hỗ trợ cho nền kinh tế thực nếu điều này vun đắp niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, dẫn đến sự phục hồi trong chi tiêu.

Tuy nhiên, có những hạn chế đối với việc các ông lớn công nghệ có thể gánh thị trường trên vai bao lâu nữa. Sự phụ thuộc của Phố Wall vào các ông lớn công nghệ có thể gây ra tác dụng ngược nếu như cổ phiếu ngành công nghệ đột ngột bị hắt hủi vì lợi nhuận kém hay đối mặt với cuộc vận động chống độc quyền của Washington.

Hồi giữa tháng 5, tờ Wall Street Journal đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ và một số Tổng Chưởng lý ở các bang của Mỹ sẽ tiến hành khởi kiện chống độc quyền nhằm vào Google trong những tháng tới. Nội dung vụ kiện của  Bộ Tư pháp chưa rõ như thế nào nhưng các Tổng Chưởng lý sẽ kiện Google với cáo buộc độc quyền trong quảng cáo và tìm kiếm.
Shah nói: “Chúng ta gần như cần mỗi một “ông lớn” công nghệ của Mỹ đều phải tiếp tục tăng trưởng tốt. Đó chính là điểm tổn thương lớn đối với thị trường trong tương lai”.

Theo CNN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới