Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các startup nhận giải thưởng Earthshot nhờ nỗ lực bảo vệ sức khỏe con người và môi trường

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giải thưởng Earthshot, được mệnh danh là “giải Oscar” về bảo vệ sinh thái, do Hoàng tử Anh William đồng sáng lập vừa công bố 5 công ty khởi nghiệp (startup) và tổ chức chiến thắng trong năm nay, với mỗi bên được nhận thưởng một triệu bảng (1,2 triệu đô la Mỹ). Các đơn vị chiến thắng hiện đang cung cấp các sản phẩm và nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Các giải pháp tiềm năng cho các vấn đề môi trường dai dẳng nhất trên thế giới thường ít được biết đến và thiếu kinh phí. Đó là lý do tại sao vào năm 2020, Hoàng tử William cùng David Attenborough, nhà sinh học, sử học tự nhiên nổi tiếng của Anh, đã thành lập Giải thưởng Earthshot để khuyến khích các giải pháp đáng được quan tâm và mở rộng quy mô hơn.

Bếp lò giúp giảm khí thải nhà kính

Charlot Magayi, người sáng lập Mukuru Clean Stoves, startup giành giải thưởng Earthshot nhờ phát triển một loại bếp lò đốt sinh khối, giúp giảm khí thải nhà kính. Ảnh: earthshotprize.org

Hôm 3-12, tại lễ trao giải Earthshot tổ chức ở thành phố  Boston, bang Massachusetts, Mỹ, Hoàng tử Anh William đã công bố 5 đơn vị chiến thắng.

Mukuru Clean Stoves, startup giành chiến thắng ở hạng mục “Bảo vệ không khí của chúng ta” của giải Earthshot năm nay, được thành lập vào năm 2017 bởi Charlot Magayi, người đã bán than củi khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở khu ổ chuột Mukuru ở Nairobi, Kenya và từng bị nhiễm trùng đường hô hấp do nấu nướng lộ thiên.

Mukuru Clean Stoves thiết kế và bán các loại bếp lò trị giá 10 đô la Mỹ, sử dụng nhiên liệu sạch hơn, giúp cắt giảm 60-90% lượng khí thải so với bếp nhóm ngoài trời và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu từ 30-60%. Magayi bắt đầu Mukuru Clean Stoves vào năm 2017 sau khi con gái cô bị bỏng nặng do bếp đốt than.

Cuộc sống thời trẻ của cô ở khu ổ chuột Mukuru Kwa Njenga của thủ đô Nairobi, Kenya, nơi cô bán than củi, đã truyền cảm hứng cho cô bắt tay thực hiện dự án khởi nghiệp hỗ trợ sử dụng năng lượng sạch.

“Mukuru Clean Stoves sản xuất bếp đốt sinh khối đã qua xử lý làm từ than, gỗ và mía thay vì nhiên liệu rắn, có thể dẫn đến ô nhiễm không khí và tai nạn cướp đi sinh mạng khoảng 4 triệu người mỗi năm”, Hội đồng giải thưởng Earthshot ghi nhận. Có khoảng 700 triệu người sử dụng nhiên liệu bẩn để nấu ăn ở châu Phi, vì vậy bếp lò giá rẻ của Mukuru Clean Stoves hứa hẹn cung cấp một giải pháp quan trọng để giảm khí thải nhà kính từ hoạt động nấu nướng ở khu vực này.

Charlot Magayi, Giám đốc điều hành Mukuru Clean Stoves, cho biết 200.000 hộ gia đình ở Kenya đã tiếp cận sản phẩm của cô kể từ khi cô ra mắt doanh nghiệp vào năm 2017. “Giải thưởng Earthshot sẽ giúp chúng tôi tiếp cận một triệu hộ gia đình”, cô nói.

Bộ sản phẩm nhà kính giúp tăng sản lượng cây trồng gấp 7 lần

Kaushik Kappagantulu, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Kheyti, startup giành giải thưởng Earthshot ở hạng mục “Bảo vệ và khôi phục tự nhiên”. Ảnh: earthshotprize.org

Giành chiến thắng ở hạng mục “Bảo vệ và khôi phục tự nhiên”, Kheyti, một startup ở Ấn Độ, đã tạo ra cái mà công ty gọi là “nhà kính trong hộp” (Greenhouse-in-a-Box), một bộ sản phẩm cho phép nông dân sản xuất nhỏ tăng sản lượng cây trồng lên gấp bảy lần và giảm lượng nước tưới đến 98%.

Nó bao gồm một lều nhà kính nhỏ có diện tích khoảng 400 m2, hạt giống và phân bón, một hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng một phần nhỏ lượng nước tưới thông thường và ít thuốc trừ sâu hơn so với những gì nông dân thường sử dụng.

Bộ sản phẩm giúp bảo vệ mùa màng khỏi thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh ở một nước bị tác động nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Với giá bán khoảng hơn 1.200 đô la Mỹ, rẻ hơn 90% so với nhà kính tiêu chuẩn, bộ sản phẩm “nhà kính trọng hộp” giúp tăng gấp đôi thu nhập của nông dân, cho phép họ đầu tư nhiều hơn vào trang trại.

Nhờ sử dụng ít nước hơn và ít thuốc trừ sâu hơn, họ cũng đang bảo vệ hành tinh. Kheyti hiện cung cấp sản phẩm này cho hơn 1.000 nông dân sản xuất nhỏ ở Ấn Độ. Đây chỉ là bước khởi đầu và startup này đặt mục tiêu nâng số nông dân sử dụng bộ sản phẩm “nhà kính trong hộp” lên 50.000 vào năm 2027.

Theo Earthshot, trong số 570 triệu trang trại trên thế giới, có hơn 80% trang trại có diện tích dưới hai hecta, tương đương kích thước của ba sân bóng đá. Những trang trại nhỏ này sản xuất ra một phần ba lương thực của thế giới, nhưng những người canh tác chúng lại nằm trong nhóm người nghèo nhất hành tinh và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Ấn Độ là quê hương của 100 triệu nông dân sản xuất nhỏ và quốc gia này là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất biến đổi khí hậu. Năm nay, Ấn Độ đã trải qua một trong những đợt nắng nóng dữ dội nhất, làm giảm sản lượng mùa màng giữa lúc thế giới đối mặt tình trạng thiếu lương thực.

“Chúng tôi rất vinh dự được giải thưởng Earthshot công nhận năm nay. Thế giới phụ thuộc vào những người nông dân sản xuất nhỏ và cuộc sống của họ thuộc diện khó khăn nhất trên trái đất. Greenhouse-in-a-Box của chúng tôi đang trao quyền cho nông dân ở Ấn Độ ngày nay. Chúng tôi đang thực hiện các bước đi làm thay đổi cuộc sống của nông dân trên quy mô lớn”, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Kheyti Kaushik Kappagantulu nói.

Startup sản xuất bao bì đóng gói từ rong biển

Màng sản xuất bao bì của startup Notpla làm từ rong biển. Ảnh: Getty

Notpla, startup đến từ Anh, giành chiến thắng ở hạng mục “Xây dựng một thế giới không rác thải” nhờ sản xuất bao bì đóng gói từ nguyên liệu làm từ rong biển và các loại thực vật khác.

Theo Earthshot, chỉ 9% tổng lượng rác thải nhựa toàn cầu được tái chế và 12% được đốt tiêu hủy. Phần còn lại nằm trong các bãi chôn lấp hoặc trôi ra các đại dương. Nguyên liệu sản xuất bao bì có nguồn gốc từ rong biển và thực vật của Notpla cung cấp một sự lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường hơn vì bao bì làm từ nguyên liệu này có thể phân hủy sinh học. Bao bì của Notpla có thể đựng mọi thứ từ chất lỏng nóng đến mỹ phẩm.

Năm nay, Notpla đã sản xuất hơn 1 triệu hộp đựng đồ ăn mang đi cho nền tảng giao đồ ăn Just Eat Takeaway.com. Startup này đặt mục tiêu thay thế hơn 100 triệu hộp đựng bằng nhựa ở châu Âu trong tương lai. Notpla đang phát triển các nguyên liệu bao bì mới với tham vọng trong tương lai sẽ thay thế các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần trong các ngành công nghiệp khác nhau và ở quy mô toàn cầu.

Startup “nhốt” carbon vào đá trong lòng đất

Talal Hasan, người sáng lập 44.01, startup giành giải thưởng Earthshot nhờ phát triển công nghệ loại bỏ CO2 vĩnh viễn bằng cách khoáng hóa nó trong peridotite, một loại đá phổ biến trên trái đất. Ảnh: earthshotprize.org

Giải thưởng Earthshot cũng vinh danh startup 44.01 của Oman ở hạng mục “Khắc phục khí hậu của chúng ta”. Dù nhiều công ty đã đạt được tiến bộ trong việc thu giữ carbon dioxide (CO2) từ bầu khí quyển, nhưng việc lưu trữ, hoặc tốt hơn là loại bỏ, hàng triệu tấn CO2 một cách rẻ và an toàn vẫn là một thách thức.

Được đặt tên theo trọng lượng phân tử của carbon dioxide, 44.01 loại bỏ CO2 vĩnh viễn bằng cách khoáng hóa nó trong peridotite, một loại đá có nhiều ở Oman cũng như ở Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Úc.

Quá trình khoáng hóa peridotite là một quá trình tự nhiên, có thể mất nhiều năm để khoáng hóa dù chỉ một lượng nhỏ CO2. 44.01 tăng tốc quá trình bằng cách bơm nước có ga (nước đã được sục khí carbon dioxide dưới áp lực) vào vỉa peridotite sâu dưới lòng đất để “khóa” CO2 vĩnh viễn.

Startup này đang tiến hành một dự án thử nghiệm để “nhốt giữ” 1.000 tấn CO2 dưới lòng đất và đang nhắm đến mở rộng hoạt động này ra toàn cầu.

Đơn vị thứ 5 đạt giải thưởng Earthshot năm nay là lưới kiểm lâm phụ nữ bản địa Queensland (QIWRN) ở Úc giành giải thưởng Earthshot ở hạng mục “Hồi sinh đại dương của chúng ta”.

Đối mặt với một hành tinh nóng lên, rạn san hô Great Barrier, nằm ở Biển San hô ngoài khơi bờ biển bang Queensland (Úc), đã bị đe dọa thường trực. Trong khi đó, trên đất liền, hệ thực vật và động vật cũng bị tàn phá bởi những vụ cháy rừng ngày càng xảy ra thường xuyên.

Mạng lưới QIWRN đóng góp vai trò rất quan trọng đối với việc bảo vệ hệ sinh thái biển và rừng ở bang Queenland. Công việc của những phụ nữ trong mạng lưới này là tập hợp kiến thức cổ xưa, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, kết hợp với công cụ hiện đại, như máy bay không người lái để theo dõi sự thay đổi của san hô, rủi ro cháy rừng và suy thoái đất đai.

Theo Bloomberg, earthshotprize.org

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới