(KTSG Online) – Giới đầu tư ngày càng quan tâm đến tảo biển, một nguồn thực phẩm giàu protein, có thể trồng trên biển mà không cần sử dụng phân bón hay thuốc trừ sâu. Một lợi ích khác của tảo biển là khi sản lượng tăng lên, nhu cầu sử dụng đất đai để sản xuất nông nghiệp cũng giảm bớt.
- Thụy Sĩ khuyến khích trẻ em ăn thực phẩm làm từ côn trùng
- Quỹ mạo hiểm ‘yêu thích’ các startup công nghệ thực phẩm
Thị trường tảo biển sẽ đạt 28 tỉ đô la vào năm 2028
Năm 2016, Gaëtan Zackrisson nhận được cuộc gọi từ một người bạn đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho dự án trồng tảo biển do trường đại học tài trợ. Vào thời điểm đó, những gì Zackrisson biết về tảo biển chỉ là thực đơn có những món tảo ở các nhà hàng châu Á tại quê hương Thụy Điển của anh. Bảy năm sau, Zackrisson là CEO của công ty khởi nghiệp (startup) Nordic SeaFarm, công ty con của Đại học Gothenburg, chuyên trồng tảo biển ngoài khơi để cung cấp cho các nhà hàng và công ty thực phẩm.
Là một loại thực phẩm chính ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc kể từ ít nhất năm 800 trước Công nguyên, tảo biển rất giàu protein, có thể hấp thụ carbon và trồng ở đại dương mà không cần phân bón hoặc thuốc trừ sâu. Một số giống tảo biển khi được bổ sung vào thức ăn cho gia súc cũng có thể làm giảm đáng kể lượng khí mê-tan, một loại khí nhà kính mà bò ợ ra.
Các đặc tính thân thiện với môi trường của tảo biển đang thu hút sự chú ý của giới doanh nhân và nhà đầu tư. Theo hãng nghiên cứu Fortune Business Insights, thị trường tảo biển toàn cầu có thể đạt giá trị gần 25 tỉ đô la vào năm 2028, tăng từ 14 tỉ đô la vào năm 2020, khi các doanh nghiệp hướng ra biển để tìm kiếm các nguồn thực phẩm ít carbon hơn trong nền kinh tế xanh.
Châu Á chiếm khoảng 97% sản lượng tảo biển toàn cầu nhưng sự quan tâm loại thực phẩm này ở Mỹ, Úc và châu Âu đang tăng lên. Phyconomy, nhà cung cấp thông tin về tảo biển, cho biết các thị trường đó thu hút 41 khoản đầu tư khởi nghiệp trị giá 120 triệu vào lĩnh vực trồng tảo biển trong năm 2022.
Nordic SeaFarm vận hành trang trại trồng tảo biển ở vùng nước giàu oxy và dinh dưỡng ngoài khơi bờ biển Thụy Điển. Startup này được chính phủ cấp phép sử dụng 6 hecta biển để trồng tảo bẹ đường trên các dây thừng buộc vào mỏ neo dưới đáy biển.
Hạt giống của loại tảo này được trồng trên các sợi dây thừng vào mùa đông. Chúng có thể phát triển trong nhiều tháng mà không cần chăm sóc nhiều. Vào mùa xuân, loại tảo biển có thể ăn sống này sẽ đạt độ dài khoảng 2 mét và sẵn sàng để thu hoạch trước khi nhiệt độ nước tăng lên.
Nordic SeaFarms thu hoạch khoảng 80 tấn tảo bẹ đường mỗi năm ở dạng ướt. Sau khi thu hoạch, tảo sẽ rửa sạch và chần để loại bỏ lượng i-ốt dư thừa rồi được phơi khô ngoài trời hoặc trong lều. Sau đó, tảo sẽ được bán dưới dạng nguyên lá hoặc được chế biến thêm và bán cho các doanh nghiệp thực phẩm dưới dạng mảnh vụn hoặc bột.
Nordic SeaFarm cũng đang trồng 2 hécta Ulva, hay còn gọi là rau diếp biển, với sự hỗ trợ từ quỹ BlueInvest của Liên minh châu EU, chuyên tài trợ cho các công nghệ biển bền vững.
Zackrisson cho biết, công ty anh tập trung vào khách hàng doanh nghiệp nhưng đang xem xét tung ra một thương hiệu tiêu dùng khi thị trường sẵn sàng.
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 1 trên tạp chí Nature Sustainability, các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu thay thế 10% chế độ ăn uống hiện tại của con người trên toàn cầu bằng tảo biển, khoảng 110 triệu hecta đất đai nông nghiệp, tương đương với diện tích đất gấp đôi của Pháp, sẽ được giải phóng. Ước tính, khoảng 650 triệu hecta vùng biển trên toàn cầu có thể sử dụng để trồng tảo.
Tảo biển thâm nhập vào chuỗi cung ứng thực phẩm
Các nhà hoạch định chính sách của châu Âu rất hào hứng với tiềm năng của tảo biển. “Bây giờ là lúc khai thác triệt để tiềm năng của tảo như một nguồn tài nguyên tái tạo ở châu Âu”, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh hồi tháng 11 trong một tài liệu kêu gọi tăng sản lượng tảo biển thông qua hỗ trợ khởi nghiệp và đơn giản hóa các quy định quản lý.
Joost Wouters, CEO của startup sản xuất tảo biển The Seaweed Company (Hà Lan), cho biết: “Điều cần thiết là có một vài người tiên phong mở đường, nhưng hành trình đó sẽ mất 10 năm. Nhưng chúng tôi đủ điên rồ để đảm nhận vai trò đó”.
The Seaweed Company trồng tảo wakame, tảo bẹ đường và Ulva để làm thực phẩm cho con người tại một trang trại rộng 50 hecta ở vùng biển của Ireland và một trang trại rộng 3 heta ở vùng biển của Hà Lan. Ở Ma-rốc và Ấn Độ, công ty này trồng các loại tảo biển khác nhau cho thương hiệu thức ăn chăn nuôi TopHealth.
SeaMeat, một trong những sản phẩm cốt lõi dành cho con người của The Seaweed Company, kết hợp tảo biển và thịt bò thành một miếng chả. Joost Wouters tin rằng, cách tiếp cận kết hợp này mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm mà ít nhất họ cũng đã quen thuộc một phần. “Mọi người thường không ăn những gì họ không biết”, anh nói.
SeaMeat đang có các quan hệ đối tác thương mại với những công ty thực phẩm khác, muốn kết hợp các sản phẩm của The Seaweed Company vào sô cô la, pho mát và thậm chí cả nước uống có ga.
“Chúng tôi không chỉ làm việc với các nhà hàng, đầu bếp mà còn các nhà chế biến thịt”, Wouters nói.
Tuy nhiên, trong khi những người ủng hộ cho rằng trồng tảo biển có thể tạo ra cuộc cách mạng sản xuất thực phẩm bền vững thì những người chỉ trích lại chú ý đến tác hại môi trường, đặc biệt nếu tảo biển được trồng trên quy mô lớn. Chẳng hạn, các trang tại tảo trên biển sẽ tạo bóng râm dưới đáy biển khi ánh sáng mặt trời bị ngăn cản thâm nhập xuống độ sâu thấp hơn. Các thiết bị từ neo và dây thừng ở các trang trại tảo biển có thể gây ô nhiễm môi trường.
Karlotta Rieve, giám đốc dự án của Hatch Blue, một công ty tư vấn nuôi trồng thủy sản, lưu ý hầu hết các trang trại tảo trên biển ở châu Âu chưa đủ lớn để gây ra tác động đáng kể.
Theo Rieve, các công ty trồng tảo biển phải tuân thủ các quy trình nuôi trồng thủy sản nghiêm ngặt của châu Âu để được cấp giấy phép. Ông lưu ý cho đến nay, các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng các trang trại tảo biển đóng góp tích cực cho môi trường đại dương.
Theo Financial Times