(KTSG Online) - Hôm qua, ngày thứ tư cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, chiến sự vẫn đang tiến diễn dù truyền thông quốc tế đưa tin giới chức Ukraine cho biết hôm nay đàm phán sẽ diễn ra tại biên giới Ukraine-Belarus. Cho đến giờ này, cấm vận kinh tế là một trong các lựa chọn ít ỏi phương Tây có thể thực hiện đối với Nga.
Đồng rúp Nga và chỉ số chứng khoán Nga sụt giảm, một số ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT là vài hệ quả tức thì. Tuy nhiên, cấm vận vẫn là lựa chọn khó khăn đối với châu Âu, Mỹ và các đồng minh bởi lẽ nhiều công ty của họ đã đầu tư lớn vào thị trường Nga. Cấm vận dù dưới hình thức nào cũng có thể gây ra tác dụng ngược. Dưới đây là một bài tổng hợp dựa chủ yếu trên nguồn CNN về một số tập đoàn đa quốc gia tại Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi cấm vận của phương Tây.
CHÂU ÂU
Trước hết là các công ty liên quan đến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 dài 1.200 ki lô mét, sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz ra lệnh dừng dự án, cũng như cổ phần của họ tại các công ty năng lượng đóng ở Nga.
BP (Anh)
BP là một trong các công ty nước ngoài đầu tư lớn nhất vào Nga, chiếm 19,75% cổ phần của Rosneft, tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga. BP đã làm ăn với các đối tác Nga từ 30 năm nay. Tuy nhiên, hôm qua, kênh truyền hình CNBC đưa tin giới chức BP nói họ sẽ chuyển nhượng số cổ phần tại Rosneft vì cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
BASF (Đức)
Tập đoàn hóa chất BASF đồng sở hữu Wintershall Dea, là một trong những định chế cung cấp tài chính cho dự án Nord Stream 2 cùng với tập đoàn LetterOne thuộc tỉ phú Nga Mikhail Fridman. BASF cho biết 1% doanh số của toàn tập đoàn là từ Nga.
Uniper (Đức)
Tương tự công ty đồng hương BASF, Uniper cũng là nhà tài trợ dự án đường ống dẫn khí đốt với khoảng 1 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, tập đoàn Đức cũng sở hữu năm nhà máy năng lượng tại Nga với tổng công suất 11,2 gigawatt, cung cấp chừng 5% tổng nhu cầu năng lượng của Nga. Uniper còn nhập khẩu khí đốt Nga vào Tây Âu.
Shell (Hà Lan)
Shell sở hữu 27,5% cổ phần của dự án khí hóa lỏng Sakhali-2 với công suất hàng năm là 10,9 triệu tấn, được vận hành bởi Gazprom, tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga. Shell là một trong năm công ty cung cấp tài chính cho dự án Nord Stream 2.
TotalEnergies (Pháp)
Tập đoàn năng lượng Pháp này là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga với 19,4% cổ phần tại công ty nội địa Novetek; 20% cổ phần tại liên doanh khí thiên nhiên Yamal LNG; 21,6% cổ phần tại công ty khí thiên nhiên Arctic LNG; 20% cổ phần mỏ dầu Kharyaga; cùng cổ phần tại nhiều dự án năng lượng tái tạo, lọc dầu và hóa chất tại Nga.
Engie (Pháp)
Công ty này là một trong năm định chế cung cấp tài chính cho dự án Nord Stream 2.
Coca-Cola HBC (Anh)
Coca-Cola UBC, được niêm yết tại London, cung cấp nước giải khát Coke cho Nga, Ukraine và phần lớn các thị trường khác ở Đông Âu và Trung Âu. Nga là một trong những thị trường lớn nhất của Coca-Cola HBC, nơi họ có khoảng 7.000 nhân viên.
Danone (Pháp)
Nhà sản xuất sữa chua Danone sở hữu nhãn hiệu sữa Prostokvanhino tại Nga đem lại 6% tổng doanh thu của công ty này.
Metro (Đức)
Tập đoàn bán lẻ Metro có khoảng 10.000 nhân viên tại Nga với 2,5 triệu khách hàng
Nestle (Thụy Sĩ)
Cho đến 2020, Nestle có sáu nhà máy tại Nga, sản xuất bánh kẹo và nước giải khát. Doanh số của Nestle tại Nga vào khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ năm 2020.
Renault (Pháp)
Công ty xe hơi Pháp sở hữu 69% cổ phần tại liên doanh Avtovaz với Nga, thuộc thương hiệu Nga Lada, và tiêu thụ 90% sản phẩm của liên doanh tại Nga.
Rolls-Royce (Anh)
Công ty sản xuất động cơ máy bay này cho biết doanh số của họ từ thị trường Nga chiếm dưới 2% tổng doanh số. Tuy nhiên, nước Nga cung cấp 20% số titan, kim loại dùng trong sản xuất các bộ phận động cơ và bánh đáp cho các máy bay đường dài của Rolls-Royce.
Safran (Pháp)
Công ty Nga VSMOP-AVISMA là nhà cung cấp titan lớn nhất cho tập đoàn động cơ máy bay này.
MỸ
ExxonMobil
Làm ăn tại Nga hơn 25 năm nay, ExxonMobil có hơn 1.000 nhân viên tại nước này. Công ty con của ExxonMobil, Exxon Neftegas, sở hữu 30% cổ phần tại dự án dầu khí khổng lồ Sakhalin-1 tại vùng Viễn Đông Nga. Dự án đã được vận hành từ năm 1995 bởi một tổ hợp gồm các đối tác Nhật và Ấn cùng với hai công ty con từ tập đoàn Nga Rosneft.
McDonald’s
Chuỗi cửa hàng bánh mì kẹp thịt McDonald’s xếp Nga vào nhóm thị trường tăng trưởng cao. Trong suốt một thập niên qua, họ không ngừng mở rộng mạng lưới tại Nga.
Mondelez
Mondelez, sở hữu thương hiệu bánh Oreo và Cadbury, trở thành nhà sản xuất sô-cô-la lớn nhất Nga năm 2018.
CHÂU Á
Japan Tobaco
Công ty này có chừng 4.000 nhân viên tại các nhà máy tại Nga. Năm 2020, tiền thuế do công ty thuốc lá này trả chiếm khoảng 1,4% tổng ngân sách của liên bang Nga.
Marubeni
Công ty thương mại Marubeni có bốn văn phòng tại Nga là thị trường tiêu thụ bánh xe dùng cho thiết bị khai thác mỏ.
Mitsubishi
Mitsubishi phân phối phương tiện vận tải của Mitsubishi Motors qua 141 đại lý toàn Nga. Công ty này cũng có cổ phần tại dự án dầu khi Sakhalin 2 cung cấp cho Nhật khí thiên nhiên. Mitsubishi cũng kinh doanh than đá, nhôm, nicken, mêtanon, nhựa và các nguyên liệu khác.
SBI Holdings
Ngân hàng SBI, được thành lập hơn ba thập niên trước, cung cấp dịch vụ công ty và các khoản vay cho doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Nga.
Toyota
Toyota đặt nhà máy tại thành phố Nga Saint Peterburg và văn phòng tại Matxcova. Toyota có khoảng 2.600 nhân viên tại Nga.